Nhà ngoại giao Palestine “bật mí” nguyên nhân sang Việt Nam du học

Nhà ngoại giao Palestine “bật mí” nguyên nhân sang Việt Nam du học
(PLO) - Tốt nghiệp trung học với điểm số cao thứ 3 của cả thành phố, nhận được một số học bổng nhưng nhà ngoại giao Osama Qawareeq của Palestine lại “không mất một giây” suy nghĩ đã quyết định tới Việt Nam du học. Hơn 6 năm sau, giọng đầy hào hứng, Osama nói rằng ngày đặt chân tới Việt Nam là “ngày không thể quên” trong cuộc đời anh.

Mối lương duyên từ cuốn sách lịch sử

Hẹn gặp Osama vào một chiều đông của đợt rét đậm giữa tháng 1 vừa qua, tôi đã rất bất ngờ khi nhà ngoại trẻ đến từ một đất nước xa xôi như anh lại sử dụng tiếng Việt thành thạo và “chuẩn” như người bản địa đến từng câu cảm thán. Cuộc chuyện trò chỉ sau câu chào hỏi và giới thiệu đã trở nên rất đỗi thân tình bên tách trà đặc trưng của Palestine mà anh mời. 

Nhà ngoại giao Osama Qawareeq của Palestine lại “không mất một giây” suy nghĩ đã quyết định tới Việt Nam du học
Nhà ngoại giao Osama Qawareeq của Palestine lại “không mất một giây” suy nghĩ đã quyết định tới Việt Nam du học

Osama kể rằng anh sang Việt Nam hơn 6 năm trước. “Chính xác là ngày 25/11/2011”, anh nói và nhấn mạnh đây là ngày “không thể quên” trong cuộc đời anh. Nhà ngoại giao trẻ thú nhận trước đây cũng đã có rất nhiều người hỏi tại sao anh lại chọn Việt Nam mà không phải một nước nào khác để đặt những viên gạch đầu tiên trong sự nghiệp của mình. “Câu trả lời là, trước đây, khi tôi mới 12 tuổi, trong sách lịch sử Palestine ở trường học của tôi có một bài học nói về những quốc gia đã giành được độc lập và thống nhất đất nước sau nhiều năm chiến tranh đau khổ, một trong những nước đó là Việt Nam. Bài học đó nói chung và phần nói về cách mạng Việt Nam đã thu hút tôi, khiến tôi bắt đầu cảm thấy tò mò, muốn biết nhiều hơn về Việt Nam, về văn hóa, về con người Việt Nam”, Osama cho hay.

Kết thúc bài học, Osama đã tự mày mò tìm hiểu về đất nước Việt Nam xa xôi mà anh mới biết qua trang sách. Nhưng, tiếc là ở thời điểm cách nay hơn chục năm, ở nơi anh sinh sống chưa có internet, trong thư viện thành phố cũng không có nhiều tài liệu bằng tiếng Ả rập viết về Việt Nam. Vốn tiếng Anh của một đứa trẻ 11 tuổi lúc đó cũng không đủ để anh có thể hiểu thêm được nhiều về Việt Nam. Nỗi tò mò về Việt Nam vì thế vẫn luôn hiện hữu trong anh. 

Cơ hội để Osama có thể thỏa sự tò mò về Việt Nam cuối cùng cũng đến khi anh tốt nghiệp trung học. Khi đó, anh tốt nghiệp trung học với điểm số rất cao, đứng thứ 3 của cả thành phố và nhận được một số học bổng cả trong lẫn ngoài nước. “Điểm số cao như vậy, tôi có thể đi đâu cũng được vì các nơi đều nhận”, Osama kể. Bước đầu tiên trong quá trình lựa chọn, Osama quyết định sẽ ra nước ngoài du học. Lúc này, anh lại đứng giữa các lựa chọn về đất nước mà mình sẽ đến, sẽ gắn bó ít nhất là trong vài năm đại học. “Thực ra, tôi có anh trai ở Mỹ và cũng có nhiều bạn bè ở nước ngoài. Thế nhưng, khi phải chọn giữa việc đến Việt Nam hay sang những nước cực kỳ phát triển như Mỹ, tôi đã không mất một giây nào suy nghĩ mà đã chớp lấy “cơ hội vàng” để chọn ngay Việt Nam. Tôi cảm thấy rất may mắn vì nhận được học bổng sang Việt Nam học nhờ quan hệ hợp tác giáo dục phát triển giữa 2 nước”, nhà ngoại giao trẻ chia sẻ, không quên nhắc đi nhắc lại việc anh đã “không mất giây nào” nghĩ lại quyết định sang Việt Nam.

Việt Nam đã trở thành quê hương thứ hai 

Osama cho biết, khi mới sang, anh theo học tiếng Việt ở Khoa Việt Nam học thuộc Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn trong 1 năm rồi chuyển sang Khoa Việt Nam học của Trường Đại học Hà Nội học thêm 4 năm nữa. Khi mới sang, Osama mới chỉ là một cậu thanh niên mười mấy tuổi và chưa từng ra nước ngoài. Tiếp xúc với một đất nước mới ở rất xa quê hương, một nền văn hóa mới, một ngôn ngữ mới, anh cảm thấy tất cả đều rất khác lạ. 

Tất nhiên, với một thứ ngôn ngữ mới và được nhiều người nhận xét là khó học như tiếng Việt, Osama cũng đã không ít lần gặp phải tình huống “dở khóc dở cười”, như hẹn gặp bạn mà không hiểu bạn nói đang ở đâu nên phải đi lòng vòng mất cả nửa tiếng đồng hồ vẫn không đến được điểm hẹn… Nhưng, sau cùng, với quyết tâm mạnh mẽ của mình, Osama đã thành công trong việc chinh phục tiếng Việt – phần công việc mà anh tự cho là đã làm tốt nhất từ trước đến nay. Nhờ học tiếng Việt, Osama nói anh đã có thể giao lưu và hòa nhập được với cuộc sống ở Việt Nam. Không những vậy, học tiếng Việt cũng giúp anh hiểu được rõ hơn về văn hóa, con người Việt Nam, biết được suy nghĩ của người Việt Nam để có cách cư xử phù hợp, tôn trọng người tiếp xúc.

Osama cũng nói rằng, sau khi đã học tiếng Việt, anh hiểu hơn về văn hóa của người Việt và dần nhận thấy có rất nhiều điểm tương đồng giữa văn hóa của Việt Nam với văn hóa của người Palestine, ví dụ như sự tôn trọng người lớn tuổi hay lòng yêu quê hương, đất nước. “Người Việt và người Palestine đều rất yêu nước. Bác Hồ nói “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, người Palestine cũng tin vậy”, Osama cho hay. 

Đặc biệt, sau 6 năm ở Việt Nam, Osama càng ngày càng thấy người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng vô cùng mến khách. “Hiện nay, tôi có một gia đình ở Việt Nam. Gia đình đó cũng như gia đình của tôi ở Palestine, cũng có bố, có mẹ, anh chị. Điều này khiến tôi ngày càng gắn bó với đất nước và con người Việt Nam”, anh nói. Bật mí về gia đình Việt Nam của mình, Osama kể rằng, thực ra, anh có một người bạn thân và chính người bạn này đã giới thiệu anh với gia đình của bạn. Dần dà, gia đình người bạn đã trở thành gia đình thứ 2 của anh. “Mặc dù tôi là người nước ngoài nhưng họ luôn khẳng định rằng Osama là người nhà chứ không phải người lạ hay chỉ là người bạn”, Osama vui vẻ kể.

Sau 6 năm ở Việt Nam, Osama nay đã trở thành một nhà ngoại giao. Anh nói rằng đây là một vinh dự lớn với bản thân vì anh muốn trở thành cầu nối cho quan hệ bạn bè truyền thống giữa Việt Nam và Palestine. “Tôi cũng muốn trở thành người có đóng góp tích cực để quan hệ lâu dài giữa Việt Nam và Palestine phát triển mạnh mẽ hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, văn hóa…”, anh chia sẻ. 

Nói về những dự định trong tương lai của mình, Osama bày tỏ hy vọng sẽ được tiếp tục ở Việt Nam. Nhưng, đặc thù công việc của một nhà ngoại giao là sẽ phải đi một số nước khác nhau, do đó, cũng có thể trong tương lai anh sẽ được điều động đến các nước khác làm việc. “Việt Nam đã trở thành quê hương thứ hai của tôi. Sau này, dù có đi đâu thì tôi cũng sẽ vẫn luôn nhớ về Việt Nam, dù có đi đâu thì Việt Nam vẫn luôn chiếm một phần trong trái tim tôi. Cũng giốn như bây giờ ở đây thì tôi nhớ Palestine nhưng khi về Palestine thì tôi lại nhớ Việt Nam vậy”, anh cho hay. 

Osama cho biết, sang Việt Nam được 6 năm thì anh đã 3 lần ăn Tết cổ truyền ở Việt Nam. “Tôi biết được rằng Tết là thời gian của gia đình, là dịp để mọi người về quê, tụ họp. Bản thân tôi lần nào ăn Tết ở Việt Nam cũng thấy rất vui vì ở đây tôi đã có gia đình của mình, có bố mẹ, anh, chị, khiến tôi cảm thấy như ở nhà”, nhà ngoại giao trẻ chia sẻ. Vào dịp Tết cổ truyền tới đây, nhân được nghỉ dài ngày, Osama nói anh có thể sẽ đi Indonesia du lịch. “Nhưng trước khi đi, tôi nhất định phải ăn một bữa cơm Tất niên với gia đình người Việt của mình. Không thể đi du lịch mà chưa gặp người thân để chúc mừng năm mới với gia đình được”, anh nói.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.