“Trừ hao” vô tội vạ
Sau khi bão số 10 quần nát tỉnh Quảng Bình, nông dân trồng sắn còn đối mặt với nguy cơ hàng trăm héc-ta sắn đến mùa thu hoạch bị úng thối củ do lượng mưa lớn và nước lũ ngâm lâu ngày, dễ mất trắng hàng tỷ đồng.
Trước tình cảnh này, người dân phải khẩn trương thu hoạch “chạy lũ” để cứu sắn. Nhưng bão số 10 đã phá hỏng trầm trọng hệ thống cung cấp điện khiến một trong hai nhà máy thu mua sắn nguyên liệu trên địa bàn không thể hoạt động (Nhà máy Tinh bột xuất khẩu Sông Dinh đóng tại thị trấn Nông Trường Việt Trung, huyện Bố Trạch).
Vì vậy, người trồng sắn không có sự lựa chọn khác ngoài việc bán nông sản cho Nhà máy tinh bột Long Giang (đóng tại xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh). Nhân thời cơ này, Nhà máy Long Giang bèn “ra chiêu” chèn ép nông dân để thu lợi nhuận cao.
Cụ thể, ngày 6/10, xe tải BKS 73L – 9350 (do tài xế Hoàng Quốc Phong lái) vận chuyển sắn củ mới thu hoạch của chủ hàng Phạm Thị Lệ, trú tại thôn 3, xã Phú Định, huyện Bố Trạch vào nhập tại Nhà máy Long Giang. Phía nhà máy cân khối lượng sắn trên xe là 12,5 tấn rồi yêu cầu đổ xuống đất.
Chị Phạm Thị Lệ (ngồi ngoài cùng bên phải) và một số người dân là “nạn nhân” của Nhà máy Long Giang. |
Kiểu hành xử như thế của Nhà máy Long Giang khiến người dân phải “bấm bụng” bán, mặc dù biết sẽ bị lỗ nặng. Bởi muốn đưa sắn lên lại xe, chị Lệ sẽ mất rất nhiều tiền để thuê người bốc vác.
Giá sắn lúc chị Lệ bán cho Nhà máy Long Giang là 1.800 đồng/kg. Sau khi bị trừ 42% trong tổng số 12,5 tấn, “khổ chủ” chỉ thu về được gần 13 triệu đồng. Trong khi nếu không bị trừ, với 12,5 tấn, chủ hàng sẽ thu được 22,5 triệu đồng. Như vậy, chị Lệ đã mất 9,5 triệu đồng.
Trong điều kiện thông thường, nếu trừ đi các chi phí đầu tư và giá thuê nhân công thu hoạch, chuyên chở thì mỗi tấn sắn người nông dân cũng chỉ thu lợi được khoảng trên dưới 50% số tiền bán được. Với trường hợp của chị Lệ, nếu bán được toàn bộ số sắn trên sẽ lãi khoảng 11,2 triệu đồng, nhưng thực tế chị chỉ thu được hơn… 1,7 triệu đồng.
“Hứa” kiểm tra
Không riêng gì chị Lệ mà nhiều trường hợp khác cũng chịu cảnh tương tự khi bán sắn cho Nhà máy Long Giang, cụ thể như: anh Nguyễn Văn Hoài (ở thôn 1, xã Phú Định) bị nhà máy này trừ mất 3,2 tấn trong tổng số 10,2 tấn khi chở sắn trên xe tải 73C – 0070 vào nhập; anh Phan Văn Thắng (ở thôn 6, xã Phú Định) chở 11,6 tấn sắn trên xe 73L – 6970 cũng bị trừ mất 25% không tính tiền; anh Lịch (ở thị trấn Nông Trường Việt Trung) cũng bị trừ mất 50% trong tổng số 9 tấn sắn…
Xót nhất là trường hợp của chị Hoài, thuê xe 73L – 8651 chở 11,6 tấn sắn từ thôn Khe Gát, xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch (cách Nhà máy Long Giang khoảng 70km đường bộ, riêng tiền thuê xe mất 2 triệu), nhưng bị nhà máy này thẳng tay trừ chỉ còn 2,6 tấn.
Nhiều người trong số này khi bị trừ quá nặng đã lên gặp ông Lê Văn Khoa – Giám đốc Nhà máy Long Giang để phản ứng, nhưng ông này trả lời: “Cứ thối thì trừ thẳng tay”. Dẫu biết bị nhà máy “chơi ác” nhưng vì tất cả đều phải cân, phải đổ sắn xuống đất rồi mới được tính tiền, nên người dân đành “cắn răng” chịu vì không thể bốc lại sắn lên xe nếu nhà máy không giúp.
Ông Nguyễn Văn Hội - Chủ tịch UBND xã Phú Định. |
Ông Chủ tịch xã cho biết: “Trước khi các anh lên, tôi cũng đã nhận được những phản ánh bất bình của nhiều người về cách thu mua sắn của Nhà máy tinh bột Long Giang. Sau khi xác minh, tìm hiểu tôi thấy phản ứng của người dân là đúng. Chính tôi cũng đã điện thoại cho Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình – ông Trần Văn Tuân và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thông báo tình hình này và đề xuất có cách giải quyết thỏa đáng cho người dân. Các lãnh đạo đều nói sẽ kiểm tra và có hình thức xử lý nếu việc Nhà máy Long Giang lợi dụng tình hình để chèn ép người dân là có thật”.