“Hiệu quả riêng lẻ của Nhà máy tuy không cao, nhưng hiệu quả kinh tế tổng hợp của Dự án đặt trong tổng thể phát triển kinh tế của cả cụm công nghiệp với hàng loạt sản phẩm khác nhau thì hiệu quả kinh tế - xã hội là rất cao”, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá.
Hiệu quả đáng kể
Báo cáo trước Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, Nhà máy đã vận hành an toàn, ổn định với 100% công suất thiết kế, sản xuất ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng khoảng 30% nhu cầu thị trường trong nước.
Tính đến tháng 9/2010, Nhà máy đã nhập 6,4 triệu tấn dầu thô, sản xuất được 5,5 triệu tấn sản phẩm đạt chất lượng, bán ra 5,3 triệu tấn, doanh thu đạt trên 25.000 tỉ đồng, nộp ngân sách khoảng 3.000 tỉ đồng.
Theo Tập đoàn dầu khí Việt Nam, với tổng mức đầu tư được duyệt là 3,053 tỷ USD, hiệu quả kinh tế của dự án (IRR, tỷ suất lợi nhuận) đạt 7,66%, tổng thu nộp ngân sách nhà nước khoảng 27,8 tỷ USD. Quá trình triển khai dự án đã đào tạo được một thế hệ, đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư, công nhân vận hành trong lĩnh vực hóa dầu có bản lĩnh, năng lực, trình độ, kinh nghiệm, chuyên nghiệp.
Nhà máy còn đem lại nhiều thành quả khác như giải quyết được công ăn việc làm cho 1.400 lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi, tạo thêm động lực cho sự phát triển kinh tế khu vực miền Trung… cũng như góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh quốc phòng.
Tuy nhiên, như nhận định của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, dự án này kéo dài 13 năm và mới qua giai đoạn đầu tư nên còn quá sớm để đưa ra các ý kiến nhận xét hiệu quả hay chưa hiệu quả.
Bài học kinh nghiệm sâu sắc
Tiến độ thực hiện dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất kéo dài thêm 9 năm so với yêu cầu, do bị chuyển đổi hình thức đầu tư nhiều lần dẫn đến phải tốn rất nhiều thời gian để giải quyết các vấn đề về pháp lý và ổn định tổ chức, công tác lựa chọn thiết kế tổng thể và nhà thầu EPC bị kéo dài, khung pháp lý chưa hoàn chỉnh, năng lực quản lý dự án còn hạn chế…
Về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, công tác chuẩn bị đầu tư chưa tốt là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến chậm tiến độ và gây phát sinh cho dự án. Một kinh nghiệm sâu sắc được rút ra là tránh thành lập các liên doanh có tỷ lệ góp vốn 50/50, rút kinh nghiệp trong đàm phán các hợp đồng liên doanh đảm bảo có điều khoản để xử lý các vấn đề phức tạp.
Ông Phan Xuân Dũng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho rằng, đánh giá dự án thì cần đánh giá khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực lọc hóa dầu và nhập khẩu dầu mỏ sau này: “Đây cũng không chỉ là đánh giá hiệu quả hiện nay của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất mà còn là vấn đề mở rộng công suất lên 8-10 triệu tấn và đầu tư các dự án khác hiện nay”.
Tuấn An