Hôm qua (16/12), Chính phủ Nhật Bản đã thông báo ngừng làm mát các lò phản ứng hạt nhân bị hư hỏng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, một giai đoạn quan trọng đánh dấu sự ổn định của nhà máy này. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng hạt nhân vẫn chưa kết thúc sau 9 tháng xảy ra thảm họa động đất và sóng thần.
Lò phản ứng số 3 của nhà máy Fukushima bốc cháy hôm 21/3. |
Việc ngừng làm mát – có nghĩa là duy trì nhiệt độ bên trong lò phản ứng dưới 1000C và kiểm soát việc rò rỉ phóng xạ - là một trong những mục tiêu quan trọng của “giai đoạn 2 kế hoạch làm việc” do Công ty Điện lực Tokyo (Tepco) lập ra để khắc phục thảm họa do trận động đất và sóng thần kinh hoàng hôm 11/3 gây ra.
Nhiệt độ trong các lò phản ứng từ 1 đến 3, những lò phản ứng bị hư hại nặng nề nhất, đã hạ xuống dưới 1000C từ tháng 8 đến tháng 9 vừa qua và được duy trì ở mức độ này nhờ hệ thống làm mát hoạt động liên tục. Trong khi đó, mức độ rò rỉ phóng xạ đã giảm xuống sau khi Nhật Bản áp dụng nhiều biện pháp khác nhau.
Phó Chủ tịch Công ty Năng lượng nguyên tử Nhật Bản Takashi Sawada nhấn mạnh: “Tôi tin chắc khi nói rằng các lò phản ứng về cơ bản đã trong tình trạng mát ổn định”.
Trong một nhà máy đang khai thác, việc ngừng làm mát cho phép tiến hành những hoạt động ổn định. Ngược lại, trong trường hợp Fukushima Daiichi, nơi nhiên liệu đã tan chảy, việc ngừng làm mát không có nghĩa là người ta có thể can thiệp thoải mái vào bên trong. Việc hoàn tất giai đoạn 2 có nghĩa là đạt được nhiều mục tiêu để kiểm soát các lò phản ứng và phòng ngừa nguy hiểm có thể xảy ra.
Cơ quan an toàn hạt nhân cho rằng, hiện nhà máy Fukushima đang trong tình trạng tương đối ổn về trung hạn. Có được như vậy chủ yếu là nhờ lắp đặt các trang thiết bị ứng cứu nhằm đảm bảo việc làm mát thường xuyên thanh nhiên liệu ngay cả trong trường hợp động đất và sóng thần mới xảy ra.
Giai đoạn tiếp theo sẽ tập trung vào việc tối đa hóa nguồn lực tại chỗ để đảm bảo sự an toàn cho nhà máy và chuẩn bị cho việc dỡ bỏ - công việc được dự kiến tiến hành từ 3 đến 4 thập kỷ. Song song với đó, chính quyền Nhật Bản sẽ phải đối phó với các khu vực lân cận bị ô nhiễm và quan tâm tới những người sơ tán.
“Một khi giai đoạn 2 kết thúc, chúng tôi sẽ dần dần nghiên cứu vấn đề của vùng cấm”, Thủ tướng Yoshihiko Noda đã tuyên bố. Hiện Chính phủ Nhật Bản đang xem xét lại quy chế của các vùng sơ tán, đặc biệt là trong bán kính 20km xung quanh nhà máy.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng hạt nhân ở nước này được đánh giá là vẫn chưa kết thúc. Người ta đã phát hiện thấy gạo, thịt bò, cá, thậm chí đất ở một số khu vực đã bị nhiễm phóng xạ. Ngoài ra, các kỹ sư cũng tiếp tục gặp phải một số vấn đề mới: tuần trước các quan chức Tepco xác nhận 45 m2 nước từ một cơ sở xử lý nước đã bị rò rỉ ra biển
Quang Minh (Theo AFP, BBC)