Theo AFP và Reuters, truyền thông Triều Tiên đưa tin ông Kim Jong-un đã cùng với phu nhân là bà Ri Sol Ju và các quan chức cấp cao của Triều Tiên rời Bình Nhưỡng trên chuyến tàu riêng vào chiều 7/1. Đến 10h55 sáng 8/1, ông Kim đã tới nhà ga Bắc Kinh.
Trong số các quan chức Triều Tiên tháp tùng lãnh đạo nước này thăm Trung Quốc có ông Kim Yong Chol – người giữ vai trò giám sát các cuộc đàm phán của Triều Tiên với Mỹ và các nước khác. Hãng thông tấn Tân Hoa xã của Trung Quốc cũng xác nhận ông Kim sẽ thăm Trung Quốc từ ngày 7 đến 10/1.
Quan hệ giữa Triều Tiên và Trung Quốc đã trở nên nồng ấm trong năm ngoái khi ông Kim theo đuổi cách tiếp cận tích cực với cả Trung Quốc và Mỹ, Hàn Quốc. Trong khi đó, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc lại có dấu hiệu xấu đi khi 2 bên vướng phải cuộc chiến tranh thương mại. Trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc, ông Kim dự kiến sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh thứ 4 trong vòng 1 năm trở lại đây với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Chuyến thăm Trung Quốc của nhà lãnh đạo Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh các bên vẫn đang chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh thứ 2 giữa ông Kim và Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, trong bài phát biểu đầu năm mới vừa qua, dù khẳng định sẵn sàng gặp ông Trump bất cứ lúc nào để đạt được mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên nhưng ông Kim Jong-un cảnh báo ông có thể lựa chọn một “con đường mới” trong việc đàm phán với ông Trump nếu Mỹ vẫn tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt và áp lực đối với nước này. “Ông Kim muốn nhắc nhở Chính phủ Mỹ rằng ông ấy có các lựa chọn ngoại giao và kinh tế ngoài những lựa chọn do Mỹ và Hàn Quốc đề xuất”, ông Harry Kazianis – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc phòng vì lợi ích quốc gia có trụ sở tại Mỹ - nhận định về chuyến thăm của ông Kim. Ông Kazianis cho rằng, “con đường mới” mà ông Kim nhắc đến cũng có thể xem là lời đe dọa rằng Triều Tiên sẽ nghiêng gần hơn về phía Bắc Kinh. “Điều đó sẽ khiến Mỹ lo ngại”, ông nói.
Nhà quan sát này cũng chỉ ra rằng chuyến thăm Trung Quốc của nhà lãnh đạo Triều Tiên diễn ra trùng thời điểm giới chức Mỹ và Trung Quốc bước vào ngày đàm phán thương mại thứ 2 nhằm giải quyết cuộc chiến thương mại. “Ông Tập Cận Bình sẽ có lợi thế từ cuộc gặp với ông Kim. Sẽ không có thời điểm nào để tiến hành cuộc gặp này tốt hơn hiện nay. Trong khi các quan chức Mỹ và Trung Quốc đang đàm phán về cách thức chấm dứt chiến tranh thương mại đang gia tăng giữa 2 siêu cường, cuộc gặp này sẽ lưu ý Mỹ về vấn đề Triều Tiên”, ông Kazianis nhận định.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định 2 vấn đề này không liên quan. “Trung Quốc đã nêu rất rõ với chúng tôi rằng đây là các vấn đề riêng rẽ. Hành động của họ thể hiện điều đó và chúng tôi cũng đánh giá cao việc này. Trung Quốc thực sự là một đối tác tốt trong các nỗ lực của chúng tôi nhằm giảm nguy cơ từ năng lực hạt nhân của Triều Tiên với thế giới”, ông Pompeo nói. Còn một chuyên gia Trung Quốc cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên đang cần một bước đột phá nhằm giải quyết thế bế tắc để cải thiện quan hệ với Mỹ và ông này tin rằng Trung Quốc là chìa khóa.