Trên thực tế, một số ngân hàng thương mại đã cho phép thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai (nhà trên giấy - PV) nhưng không có sự thống nhất về trình tự, giấy tờ phải nộp… do chưa được Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, Bộ Xây dựng cho rằng cần phải có hướng dẫn thống nhất của Ngân hàng Nhà nước về vấn đề này để làm cơ sở cho các ngân hàng thương mại và người dân thực hiện. Đó là nội dung báo cáo tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ về dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở thay thế Nghị định 90/2006 do Bộ Xây dựng trình Chính phủ ngày 25-5. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho rằng cần bỏ quy định giao Ngân hàng Nhà nước quy định việc thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai như trong dự thảo, vì vấn đề này đã được nêu trong luật dân sự và Nghị định 163/2006 về đăng ký giao dịch bảo đảm. Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, những văn bản trên chỉ quy định chung về thế chấp bất động sản, không quy định cụ thể về hình thức thế chấp đặc biệt này. Mặt khác, dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở còn cho phép chủ đầu tư được phân chia tối đa 20% số lượng nhà ở trong mỗi dự án mà không phải thông qua sàn giao dịch bất động sản. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng cho rằng cần phải xem lại quy định này vì không có cơ sở. Về vấn đề này, Bộ Xây dựng giải trình: Trong quá trình đầu tư kinh doanh bất động sản, các doanh nghiệp đều có nhu cầu được bố trí một tỉ lệ nhà ở nhất định trong mỗi dự án cho các cán bộ, công nhân viên của doanh nghiệp để họ yên tâm công tác. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng muốn phân chia cho các đối tác tham gia góp vốn kinh doanh nhà ở để thuận lợi hơn trong việc huy động vốn. Do đó, đề xuất trên là hợp lý và phù hợp quy định hiện hành.
Theo Pháp Luật TP