“Nhà hát online” - nghệ sĩ vừa mừng, vừa lo

Vở tuồng “Trung thần” mở đầu chuỗi hoạt động “Nhà hát online”.
Vở tuồng “Trung thần” mở đầu chuỗi hoạt động “Nhà hát online”.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Nhà hát online” được kỳ vọng sẽ đưa nhà hát gần hơn với công chúng. Nhờ công nghệ, khán giả không cần đến rạp vẫn có thể thưởng thức các vở kịch đặc sắc, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh. Nhưng khi nhà hát thời 4.0 sáng đèn, các nghệ sĩ lại vừa mừng, vừa lo.

Kỳ vọng sân khấu thời 4.0

Mở đầu cho chuỗi hoạt động “Nhà hát online” do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tổ chức, các nghệ sỹ Nhà hát Tuồng Việt Nam háo hức diễn vở tuồng “Trung thần” trong chuyên đề Nhà hát Truyền hình trên VTV1. Vở diễn do Nghệ sỹ Nhân dân Hoàng Quỳnh Mai dàn dựng đã giành Huy chương Bạc tại Liên hoan Tuồng và dân ca kịch toàn quốc 2019, ca ngợi Tả quân Lê Văn Duyệt (1764-1832), một trung thần nhà Nguyễn có nhiều công lao với đất nước.

Nghệ sỹ Ưu tú Lộc Huyền chia sẻ: “Suốt thời gian dài nghỉ dịch, chúng tôi rất nhớ sân khấu và luôn khát khao được biểu diễn trở lại. Vì vậy, mặc dù chương trình biểu diễn sẽ không có khán giả nhưng ai cũng thấy hào hứng, hạnh phúc khi được đứng dưới ánh đèn sân khấu, được hát và sống với đam mê của mình”.

Nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật “Những ngôi sao bất tử”, phát sóng trực tiếp vào 20h ngày 27/7 trên VTV2. Quyền Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, Nghệ sỹ Ưu tú Lê Khánh Toàn, cho biết, chương trình “Những ngôi sao bất tử” ngợi ca sự hy sinh của những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các liệt sỹ và thương binh trong kháng chiến cứu nước.

Hiện nay, lãnh đạo và nghệ sỹ của hai nhà hát đang hào hứng khi được Bộ VH-TT&DL lựa chọn để “ra quân” trong kế hoạch phát sóng trên truyền hình.

Còn nhớ, tháng 5/2020, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông đã có cuộc họp với lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) về việc triển khai xây dựng “Nhà hát online”. Theo lãnh đạo Bộ này, “Nhà hát online” được kỳ vọng sẽ đưa nhà hát ngày càng gần hơn với công chúng. Bởi nhờ công nghệ, khán giả không cần phải đến rạp vẫn có thể thưởng thức các vở kịch đặc sắc.

Ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Cục NTBD cho rằng, mô hình “Nhà hát online” không chỉ là giải pháp trong thời Covid-19. Đây phải được coi như một hướng đi mới để tiếp cận các hoạt động biểu diễn. Việc xây dựng “Nhà hát online” không chỉ đơn thuần đưa những chương trình có sẵn mà sẽ xây dựng một chương trình hoàn toàn mới, phù hợp để phát trên các nền tảng số.

Những tác phẩm được lựa chọn cũng nằm trong danh sách tác phẩm kinh điển, có sức nặng và khả năng tạo được tiếng vang. Từ đó, mô hình này sẽ thu hút được sự tương tác của khán giả đối với các sản phẩm sân khấu, thu hút mọi người đến nhà hát nhiều hơn và là một hình thức quảng bá hiệu quả.

Để đưa chủ trương “Nhà hát online” vào cuộc sống, Cục NTBD đã làm việc với các nhà hát trực thuộc Bộ và chọn ra những tác phẩm chất lượng để ghi hình, phát sóng trên một số kênh truyền hình trung ương và địa phương từ tháng 7.

Với thế mạnh của 12 nhà hát trực thuộc Bộ, khán giả truyền hình sẽ được thưởng thức những vở diễn tiêu biểu của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau từ kịch nói, tuồng, chèo, cải lương, múa rối, xiếc cho tới các thể loại ca múa nhạc dân gian và đương đại...

Nhiều nỗi lo

Nỗi lo của không ít lãnh đạo, nghệ sĩ sân khấu Việt Nam khi triển khai “Nhà hát online” là các nghệ sĩ không được “sống” trong tràng pháo tay, cảm xúc của khán giả. Với những hàng ghế trống trơn, các nghệ sĩ khó lòng thăng hoa, hay đo đếm trực tiếp cảm xúc của khán giả trong từng vở diễn, từng khoảnh khắc nhân vật.

Theo đạo diễn Việt Tú, xem online bạn có thể nhìn sâu vào ngóc ngách các chi tiết nhưng có một thứ vô giá của việc xem trực tiếp chính là cảm xúc, không khí nhà hát ấy, cảm xúc của người nghệ sĩ khi họ cất lên tiếng hát, giọng nói hay điệu múa ấy, đó là điều không gì thay thế được.

Nỗi lo thứ hai chính là khán giả. Trước đại dịch, sân khấu Việt Nam vốn đã khó khăn khi kéo khán giả tới mua vé để xem nghệ thuật kịch, cải lương, tuồng, chèo… Không ít đêm diễn sáng đèn chủ yếu là khách mời. Nhiều nghệ sĩ lo với “Nhà hát online”, khán giả sẽ càng “lười” đến rạp, đồng nghĩa nguồn thu từ bán vé bị ảnh hưởng nhiều.

Ngoài lo số lượng khán giả bị “thui chột”, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, cảnh quay sân khấu cũng làm cho các lãnh đạo, nghệ sĩ băn khoăn. Nghệ sỹ Nhân dân Hồng Vân nhận xét, kịch online thực tế giống kịch truyền hình mà còn không hấp dẫn bằng. Kịch truyền hình còn được quay nhiều góc máy, kịch online càng hạn chế góc máy hơn.

Để đầu tư sân khấu, âm thanh, ánh sáng, cảnh quay theo đúng chuẩn của “Nhà hát online” rất tốn kém công sức và kinh phí. Trong khi các nhà hát hiện đang “ngắc ngoải” với cơn bão Covid-19 lại “cõng” thêm áp lực kinh tế tự chủ, xã hội hóa. Thế nên, dù Bộ VH-TT&DL có thể sẽ hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư trang thiết bị nhưng cũng khó khỏa lấp sự lo lắng của các lãnh đạo nhà hát và các nghệ sĩ.

Đọc thêm

Nhiều hoạt động ý nghĩa Ngày Sách và Văn hóa đọc ở Cà Mau

Nhiều hoạt động ý nghĩa Ngày Sách và Văn hóa đọc ở Cà Mau
(PLVN) - Ngày Sách và Văn hóa đọc tỉnh Cà Mau diễn ra từ ngày 19/4 - 21/4, tại Công viên Hùng Vương, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Sự kiện góp phần khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người…

Khai thác tiềm năng du lịch sức khỏe

Du lịch sức khỏe đang là xu hướng được nhiều người lựa chọn. (Nguồn: Vietravel)
(PLVN) - Du lịch sức khỏe đang là xu hướng được nhiều người lựa chọn. Việt Nam là quốc gia được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển loại hình du lịch này.