Thông tin từ Người lao động, ông Trương Thế Quy, giảng viên Trường ĐH Sư phạm thuộc ĐH Huế, sẽ là đại diện kết nối nhà hảo tâm trên với gia đình nữ sinh N.T.H.Y (học sinh lớp 9A, Trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên).
Ông Quy hé lộ, mạnh thường quân là người đàn ông đảm nhiệm ở nhiều vị trí kinh doanh và chưa muốn lộ diện bởi lo ngại sẽ nhận được nhiều cuộc điện thoại không đáng có làm ảnh hưởng đến công việc. Người này cũng đã giúp đỡ, nhận làm con nuôi và đỡ đầu cho rất nhiều sinh viên của trường ông Quy trong nhiều năm qua. Từ năm 2007 đến nay vị này đã tài trợ, hỗ trợ cho nhà trường hơn 2 tỉ đồng để làm công tác từ thiện, giúp đỡ sinh viên gặp hoàn cảnh khó khăn.
Người lao động dẫn lời bà Đặng Thị Nhường, bà nội của Y. kể lại, thứ sáu - ngày 22/3, hôm Y. bị bạn đánh, phải hơn 12h10 cháu mới về đến nhà nhưng không ăn cơm. Sáng đi học, Y. chỉ ăn 1 củ khoai. Bà Nhường gặng hỏi mãi vì sao bỏ cơm nhưng Y. không nói. "Đến tối, cháu cũng không nói gì, chỉ bảo đau tai, ù tai lắm và không ngủ được. Mẹ cháu đi làm công nhân may về mệt, cũng không hỏi han được nhiều… Ai ngờ cháu tôi lại bị đánh tàn nhẫn như vậy", bà Nhượng chia sẻ.
Em N.T.H.Y đang được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần kinh Hưng Yên. Ảnh: Huy Thanh/Người lao động |
Theo bà Nhường, sau đó có 5 bạn học của Y. đến nhà xin lỗi, trong đó 2 cháu vào còn 3 cháu ở ngoài đường, gia đình nghĩ không có vấn đề gì nên chấp nhận lời xin lỗi.
Cũng theo lời bà Nhường, khi nghe bà con trong làng nói có clip Y. bị đánh dã man, gia đình mới lên trường hỏi nhưng các thầy cô lại nói xóa hết clip rồi. Gia đình cương quyết yêu cầu nhà trường cung cấp thì nhà trường mới cho xem clip. Thấy cảnh cháu nội bị bạo hành, bà Nhường sốc, ngất gục xuống, còn ông nội cháu phát điên lên...
Bà Vũ Thị Oanh, mẹ em Y., chia sẻ: "Tôi sốc hoàn toàn khi biết con gái bị đánh đập dã man đến vậy. Rứt ruột đẻ con, khó khăn nuôi con, đến giờ tôi chưa một lần làm con đau. Từ hôm con bị đến giờ, gia đình tôi không ai làm được việc gì, chỉ lo cho con đến chảy nước mắt".
Bà Oanh cho biết thêm gia đình bà ở với cha mẹ chồng. Ông nội của Y. bị ảnh hưởng chất độc thời chiến tranh, dẫn đến bị tâm thần. Bố của Y. cũng bị nhiễm chất độc, không được bình thường, sức khỏe yếu. Còn Y. là con đầu (có 3 chị em), chậm phát triển tư duy hơn bạn cùng trang lứa. Dù thuộc dạng khó khăn nhất địa phương nhưng lại không được bất cứ một chế độ, chính sách hỗ trợ nào.
Anh Nguyễn Văn Doanh và chiếc áo bị xé rách của cháu mình. Ảnh: Dương Tâm |
VnExpress dẫn lời anh Doanh, chú ruột của Y, sáng 26/3, anh lên hỏi nhà trường tại sao không cho biết video nhưng nhà trường trả lời video rất mờ và xóa đi để không ảnh hưởng đến học sinh.
"Tôi hỏi ngược lại nhà trường vì sao cháu bị đánh dã man mà không đưa đi chụp chiếu hay thông báo cặn kẽ với gia đình. Không nhận được câu trả lời, gia đình quyết định gửi đơn đến công an xã và huyện", anh Doanh chia ser. "Học sinh có thể chưa nhận thức đầy đủ khi đánh bạn, nhưng cách giải quyết của nhà trường khiến chúng tôi bức xúc vì chậm trễ và không cung cấp đầy đủ thông tin. Nhà trường không cho gia đình biết video, nói là đã yêu cầu xóa đi nhưng thực tế nó vẫn bị phát tán trên mạng".
Tối 30/3, ông Nhữ Mạnh Phong, Hiệu trưởng trường THCS Phù Ủng xác nhận hôm thứ hai 25/3 các gia đình đã gặp nhau để hòa giải. Tuy nhiên về sau chú ruột của nữ sinh đến bày tỏ không nhất trí với cách giải quyết của nhà trường và nói sẽ gửi đơn đi các nơi. Lúc này, nhà trường quyết định báo cáo sự việc đến cơ quan chức năng.
"Tôi đã xem video học sinh bị đánh từ chiều thứ bảy, tức là một ngày sau khi xảy ra sự việc. Ngay lập tức, tôi cho gọi 5 học sinh đánh bạn lên trường viết bản tường trình, kiểm điểm và yêu cầu giáo viên chủ nhiệm kiểm tra em nào có video thì xóa đi, không để phát tán lên mạng ảnh hưởng đến học sinh bị đánh", ông Phong nói.
Ông Dương Tuấn Doan, Chánh văn phòng UBND huyện Ân Thi, cho biết, Hiệu trưởng Nhữ Mạnh Phong đã bị đình chỉ công tác điều hành chung để tập trung xử lý sự việc. Công an huyện đang điều tra và sẽ báo cáo kết luận vào đầu tuần sau.
Vụ việc xảy ra khoảng 17h30 ngày 22/3, sau giờ tan học, nhóm 5 học sinh ở lại lớp, đóng cửa và có hành vi lột đồ, đánh một nữ sinh. Video cho thấy nhóm này liên tiếp đấm đá vào mặt, ngực bạn học mà không có ai can ngăn và không có sự phản kháng nào. Khi đó, không có giáo viên hay bảo vệ nào biết sự việc. Hiện nữ sinh bị đánh đang được điều trị ở Bệnh viện Tâm thần kinh Hưng Yên.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tình, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần kinh Hưng Yên,nữ sinh N.T.H.Y nhập viện điều trị từ chiều 28/3, với chẩn đoán ban đầu là phản ứng stress cấp, sang chấn tâm lý.
Y. cho biết đây không phải là lần đầu tiên em bị bắt nạt, đánh đập. Có lần em đã báo cô giáo nhưng rồi lại bị đánh.
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho rằng hành vi của nhóm học sinh xông vào đánh em Y. là vô cùng tàn bạo, có thể xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân.
Đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có dấu hiệu của hai tội: "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" (điều 134, Bộ Luật Hình sự - BLHS); "Làm nhục người khác" (điều 155 BLHS). Trong trường hợp này, cần xác minh làm rõ ngày tháng năm sinh trên giấy khai sinh của các em học sinh đã đánh Y. để xem xét phải chịu trách nhiệm hình sự hay không.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết việc Phòng GD-ĐT huyện Ân Thi tạm đình chỉ hiệu trưởng Trường THCS Phù Ủng, điều chuyển giáo viên chủ nhiệm là hành động kịp thời theo đúng Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Trong đó, xử lý nghiêm người đứng đầu chậm trễ không can thiệp vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, ông Nam cho rằng cơ quan chức năng cũng cần nhanh chóng điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm vụ việc.