Các đơn vị đang cung cấp dịch vụ truyền hình cáp mới đồng loạt kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông không cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền (cáp) cho Viettel, VNPT và FPT. Liệu các doanh nghiệp (DN) viễn thông có đang đầu tư ngoài ngành?. Hay miếng bánh truyền hình cáp không muốn được các DN truyền hình chia sẻ?.
Nếu các DN viễn thông tham gia vào thị trường, nhà đài sẽ phải san sẻ thị phần, nhưng sẽ có nhiều người có cơ hội xem truyền hình cáp hơn. Ảnh minh họa |
Không cho VNPT, Viettel, FPT cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền?
Mới đây, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, Công ty TNHH MTV Truyền hình cáp Việt Nam (VCTV), Công ty TNHH Truyền hình Cáp Saigontourist (SCTV)… đồng loạt có văn bản gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT lên tiếng đòi không cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền đối với VNPT, Viettel, FPT.
Các DN này cho rằng, việc các Tập đoàn kinh tế Viettel, VNPT, FPT dự kiến đầu tư mới vào thị trường truyền hình cáp hiện nay là chưa phù hợp vì Nhà nước đang có chủ trương không để các tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tư ngoài ngành. Hơn nữa, các đơn vị này không có thế mạnh về sản xuất nội dung truyền hình - một yếu tố quyết định sự thành bại của dịch vụ truyền hình trả tiền. Việc các DN này tham gia vào thị trường truyền hình cáp dễ gây ra lãng phí nguồn lực, tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh, đặc biệt là việc cạnh tranh bản quyền các giải thể thao, chương trình truyền hình nước ngoài.
Trong công văn của mình, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam cũng có văn bản chính thức đề nghị Bộ TT&TT không cấp phép triển khai thêm mạng cáp truyền hình cho các đơn vị mới, với lý do là nếu đầu tư thêm một mạng cáp truyền hình mới sẽ tốn kém hàng nghìn tỷ đồng, hiệu quả sử dụng thấp, khả năng thu hồi vốn chậm, hiện tượng chồng chéo mạng sẽ gây mất mỹ quan đô thị, điện năng sử dụng cho mạng cáp gây lãng phí nhiều.
Các DN viễn thông có “đầu tư ngoài ngành?”
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành – chuyên gia viễn thông, cho rằng, những lý lẽ mà các DN truyền hình "tố" các DN viễn thông có vẻ như mang tính chủ quan áp đặt, ngăn cản thị trường phát triển.
“Theo các quy định của pháp luật, toàn bộ việc đầu tư phát triển hạ tầng, bao gồm cả viễn thông, Internet, truyền hình (có dây và không dây)… đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Viễn thông. Còn việc sản xuất nội dung chương trình, kênh chương trình… thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Báo chí”, ông Thành nói. “Như vậy, các doanh nghiệp viễn thông như VNPT, Viettel, FPT, AVG... khi tham gia vào thị trường truyền hình cáp, nếu chỉ dừng lại ở mức làm hạ tầng, triển khai mạng, cung cấp dịch vụ thì vẫn theo phạm vi điều chỉnh của Luật Viễn thông và là ngành cốt lõi của họ”.
Theo quy định của pháp luật, việc sản xuất nội dung, kênh chương trình… giống như các đài VTV, VTC... đang làm thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Báo chí, và chỉ có các cơ quan báo chí mới được đầu tư xây dựng kênh chương trình, DN không được cấp phép làm việc này. Vì thế, việc các DN tận dụng hạ tầng có sẵn của mình cung cấp đa dịch vụ trên đó kể cả truyền hình cáp vì công nghệ đã hội tụ trên hạ tầng mạng không phải là đầu tư ngoài ngành.
“Miếng bánh” không muốn chia
Ông Nguyễn Thành cho rằng, vấn đề không nằm ở việc có bao nhiêu DN cung cấp dịch vụ truyền hình cáp, mà điều quan trọng nhất là phải quy hoạch tốt thị trường này cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện cung cấp dịch vụ và duy trì cạnh tranh tốt trên thị trường.
Không khó để nhận thấy, phản ứng của các DN đang cung cấp dịch vụ truyền hình cáp là do nếu có thêm DN được cung cấp dịch vụ này sẽ làm thị trường cạnh tranh quyết liệt hơn. Trong đó, nhiều DN truyền hình cáp đang có thị phần lớn có nguy cơ bị mất thị phần khi Viettel, VNPT và FPT "nhập cuộc".
Nhìn trong tổng thể chiến lược trong quy hoạch phát triển dịch vụ phát thanh, truyền hình Việt Nam đến 2020 mà Bộ TT&TT đang xây dựng, mục tiêu đến năm 2015 sẽ phát triển khoảng 30-40% số hộ gia đình thu xem dịch vụ truyền hình trả tiền (khoảng hơn 6,4 triệu thuê bao). Đến năm 2020 là 60-70% số hộ gia đình, tương đương khoảng 14,2 triệu thuê bao. Đáng chú ý, trong quy hoạch phát triển này, nhiều ý kiến đưa ra, truyền hình cáp sẽ được tập trung phát triển và chiếm tới 70% thị phần truyền hình trả tiền.
Hiện tại, cả 3 đơn vị là Viettel, VNPT và FPT đều đang thử nghiệm cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, tích hợp trên hạ tầng truyền dẫn sẵn có. Tuy nhiên, về kinh nghiệm sản xuất và tổ chức nội dung, VTV, VCTV, SCTV… đã có sẵn một nền tảng làm truyền hình, về bộ máy tổ chức sản xuất nội dung, thị phần, nguồn nhân lực. Nếu các đơn vị sản xuất nội dung “bắt tay” với đơn vị có hạ tầng rộng khắp, thì người nghèo vùng sâu vùng xa cũng có cơ hội được xem truyền hình trả tiền.
Bách Linh