Nhà công vụ: Để “của công” không biến thành “của tư”

ĐB Nguyễn Thị Khá: “Phải có cơ chế chứ hiện nay người cũ thì chưa trả, người mới không có nhà ở, không xử lý được”
ĐB Nguyễn Thị Khá: “Phải có cơ chế chứ hiện nay người cũ thì chưa trả, người mới không có nhà ở, không xử lý được”
(PLO) - Thực tế sử dụng nhà công vụ hiện nay đang rơi vào tình trạng “người cũ thì chưa trả, người mới không có nhà ở mà không xử lý được”. 
Dù thừa nhận sự cần thiết phải có Quỹ nhà ở công vụ, bao gồm nhà ở công vụ của Trung ương và nhà ở công vụ của địa phương, để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các đối tượng thuộc diện được thuê nhà ở công vụ yên tâm công tác và cống hiến, đóng góp cho xã hội, song nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) vẫn rất băn khoăn khi Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm nay còn thiếu những qui định để đảm bảo chính sách nhà ở công vụ không bị lợi dụng và không phát triển theo “lối mòn” bao cấp.
Đừng “bao cấp” nhà cho một số đối tượng nhất định
Nhiều ĐBQH cho rằng, cần phải làm rõ định hướng phát triển nhà ở công vụ ngay trong Luật để tránh việc phát triển phiến diện, chỉ bó hẹp đối tượng được thuê, cấp nhà ở công vụ như hiện nay mà phải xây dựng định hướng phát triển nhà cho thuê đối với mọi đối tượng thực hiện công vụ. Bởi như cách lý giải của ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - việc Nhà nước đầu tư xây nhà ở công vụ hiện nay thực chất là bao cấp về nhà ở, trong khi số đông cán bộ, công chức, viên chức có nhu cầu cấp thiết về nhà ở thì chưa được đáp ứng.
Dự thảo Luật lần này đã mở rộng đối tượng được thuê nhà ở công vụ, nhưng dưới góc nhìn của người dân và của các cơ quan giám sát thực thi pháp luật, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (TP.Hà Nội) thấy cần bổ sung thêm một số đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, văn sỹ, trí thức, nhà khoa học tuy không được điều động, luân chuyển nhưng thực sự gặp khó khăn về nhà ở như một chính sách “giữ nhân tài”. 
Lo ngại hiện tượng xin - cho, chạy chọt, gây tiêu cực và tham nhũng, tham ô trong thực hiện chính sách nhà ở công vụ do “tình trạng người thì có 3 - 4 nhà, trong khi đó nhiều cán bộ lại phải tự đi thuê nhà theo giá thị trường”, nhiều ĐBQH cùng đề nghị quy định chặt chẽ điều kiện đối tượng được thuê nhà công vụ phải tương ứng, đồng bộ với nhiệm vụ được giao và thời gian điều động, luân chuyển, tránh lãng phí, sử dụng sai đối tượng, sai mục đích, biến tướng. 
Đặc biệt, như nhiều ĐBQH khác, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nhấn mạnh, phải có cơ chế bảo đảm người được thuê nhà ở công vụ “khi xong nhiệm vụ thì phải kết thúc sử dụng nhà công vụ để người đến nhận nhiệm vụ mới có nơi ở ngay. Chứ hiện nay người cũ thì chưa trả, người mới không có nhà ở, không xử lý được”. 
Không nên phát triển nhà công vụ tràn lan
Không muốn chính sách nhà ở công vụ được duy trì theo “lối mòn” bao cấp, nhiều ĐBQH cho rằng trong điều kiện hiện nay, việc cho một số ít đối tượng đang công tác thuê nhà ở công vụ là cần thiết, nhưng chỉ nên duy trì hình thức nhà ở công vụ với đối tượng là cán bộ cao cấp được luân chuyển, điều động công tác, cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. 
Ngoài ra, có thể nghiên cứu bỏ nhà ở công vụ mà cần tính đúng, tính đủ các khoản tiền này vào lương của cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm công bằng cho mọi đối tượng. Nhưng với điều kiện kinh tế - xã hội như hiện nay, theo một số ĐBQH, việc đưa chính sách nhà ở công vụ vào lương là chưa có khả năng. Theo ĐB Bùi Thị An (TP.Hà Nội), duy trì nhà ở công vụ với những qui định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn, đối tượng, loại nhà, diện tích nhà ở công vụ cho từng nhóm đối tượng cụ thể, thẩm quyền cấp nhà ở công vụ. 
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) thì đề nghị không nên phát triển nhà công vụ tràn lan và phải tính bằng ngân sách được cân đối một cách hài hòa để thấy rằng sự hỗ trợ của Nhà nước từ tiền thuế, nghĩa vụ của những người sử dụng một cách chặt chẽ về nhà công vụ. 
Còn ĐB Đinh Thị Phương Lan (Cao Bằng) thấy rằng, cần cụ thể hơn qui định về quỹ đất xây dựng nhà ở công vụ, nhất là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh để các “cơ quan chức năng không viện lý do mà không thực hiện tốt việc phát triển quỹ đất cho nhà công vụ” để đảm bảo chính sách nhà ở công vụ được thực thi trong thực tế.
ĐB Trần Ngọc Vinh (TP.Hải Phòng): 
“Khoán vào tiền lương để nhà công vụ không bị biến thành nhà cá nhân”
Thực tế sử dụng nhà công vụ thời gian qua khiến nhiều cử tri cho rằng chính sách này không đảm bảo công bằng xã hội. Còn ông đánh giá như thế nào về chính sách này?
- Tôi cũng thấy việc quản lý, sử dụng nhà công vụ còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng sử dụng nhà công vụ không đúng đối tượng, sai mục đích hoặc nhiều người không đủ tiêu chuẩn vẫn được ở nhà công vụ. Điều này đã gây dư luận không tốt trong xã hội. 
Tôi thấy hình như luật hiện nay, cụ thể là chính sách phát triển nhà công vụ trong Luật Nhà ở, đang có xu hướng hướng tới phục vụ cho một số ít đối tượng theo hình thức bao cấp nhà ở với giá rẻ, chứ không nhằm vào đối tượng phổ thông, nhất là các cán bộ, công chức trẻ ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có nhu cầu thực sự về nhà ở. Tại sao chúng ta không tiếp cận vấn đề phát triển nhà công vụ nhằm hướng tới mọi đối tượng thực hiện công vụ, thay vì chỉ phục vụ một số đối tượng nhất định. 
Nhưng trong điều kiện ngân sách hiện nay, khó có thể đáp ứng được nhu cầu nhà công vụ cho tất cả các đối tượng như ông vừa đề cập?
- Trường hợp ngân sách chưa đáp ứng được vấn đề đó, tôi đề nghị Ban soạn thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) nghiên cứu chỉ nên quy định đối tượng được hưởng chế độ nhà công vụ là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước được bố trí nhà ở công vụ theo yêu cầu về mặt an ninh và lực lượng vũ trang được điều động luân chuyển theo yêu cầu quốc phòng. Các đối tượng còn lại nghiên cứu theo hướng khoán chế độ nhà công vụ đưa vào tiền lương để họ tự túc hoàn toàn về nhà ở. Như vậy, ngân sách không phải bỏ ra một số tiền quá lớn để xây dựng và giá trị đất có thể chuyển thành tiền dùng vào việc khác; đồng thời tiết kiệm được khoản chi phí bỏ ra để duy trì một cơ quan quản lý về nhà ở công vụ.
Một tồn tại không đáng có là các qui định pháp luật đang tạo cơ hội cho việc biến nhà công vụ chuyển thành nhà ở cá nhân. Theo ông, Dự thảo Luật Nhà (sửa đổi) ở nên giải quyết vấn đề này như thế nào?
- Như tôi đã nói, khi khoán chế độ nhà công vụ vào tiền lương sẽ chấm dứt tình trạng biến tướng nhà công vụ thành nhà ở cá nhân. Ngoài ra, tôi nhận thấy quy định về nghĩa vụ của người thuê nhà công vụ trong Dự thảo Luật Nhà ở hiện còn chưa điều chỉnh trường hợp người được cấp nhà công vụ có thể đem đi thế chấp hoặc thừa kế. Do đó, tôi đề nghị qui định rõ: “Không chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp, bảo lãnh cho bên thứ ba vay vốn hoặc cho mượn, cho thuê nhà ở” đối với nhà công vụ. Có như vậy mới bảo đảm nhà công vụ chỉ để phục vụ cho nhu cầu ở của cán bộ, công chức trong thời gian thực hiện công vụ theo chức trách, nhiệm vụ được giao.
Trân trọng cảm ơn ông!
H.Hương

Đọc thêm

Gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ cho các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: VGP)
(PLVN) - Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo (gọi tắt là Nghị quyết).

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.