Sư cô phân trần: “Tôi bỏ ra nhiều tỷ đồng mua khu đất trên để xây bệnh viện làm từ thiện, đến thời hạn giao đất người bán là ông Trần Văn Vân trốn tránh. Tôi “ngã ngửa” khi biết mảnh đất trên thuộc sở hữu của một công ty bất động sản. Đất không được nhận, tiền không đòi được, áp lực trả lãi ngân hàng mỗi tháng khiến tôi phải nhiều lần nhập viện cấp cứu”.
Qua tìm hiểu của PV báo XLPL, vấn đề pháp lý của mảnh đất trên có nhiều rắc rối, trước hết là một miếng đất lại có 2 “chính chủ”.
Rắc rối nguồn gốc
Liên quan đến vụ tranh chấp hiện có rất nhiều văn bản, công văn của các cơ quan chức năng xác minh nguồn gốc miếng đất. Trong đó, cụ thể và đầy đủ nhất là báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường vào tháng 1/2017.
Theo đó, phần 9.793m2 tọa lạc tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh có nguồn gốc do bà Lương Thị Mùi mướn của địa chủ từ năm 1945 để canh tác nông nghiệp. Năm 1971, bà được chế độ cũ cấp Chứng thư quyền sở hữu phần đất trên với diện tích 8.000m2. Sau giải phóng, gia đình bà Mùi vẫn sử dụng phần đất này để canh tác.
Năm 1994, bà có Đơn đăng ký quyền sử dụng miếng đất nêu trên (gồm thửa 58 và 59 thuộc tờ bản đồ số 15) nhưng chưa được xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do đợi cấp đại trà.
Năm 1996, vợ chồng bà Mùi có lập giấy viết tay chuyển nhượng 10.100m2 (diện tích thực tế là 9.793m2) tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh với nội dung “Trần Văn Bảy cùng vợ Lương Thị Mùi ngụ…xã Phước Lộc đồng ý giao phần đất nông nghiệp 10.100m2 cho ông Trần Công Năn ngụ …xã Bình Hưng được toàn quyền sử dụng hết diện tích 10.100m2 đất nông nghiệp ở Tập đoàn 5 ấp 3.
Thư cầu cứu của sư cô |
Kể từ ngày 19/01/96 nếu có ai ngăn cản hoặc tranh chấp thì gia đình ông Bảy và bà Mùi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Gia đình ông Bảy và bà Mùi có nhận đủ …ba chục lượng vàng”. Giấy viết tay trên có người làm chứng ký tên nhưng không ghi rõ họ tên.
Theo ông Trần Công Năn trình bày: ông Bảy và bà Mùi đã bàn giao bản chính Chứng thư cấp quyền sở hữu năm 1971 cùng 4 bản biên lai thu thuế nông nghiệp cho ông. Sau đó, ông Năn đã chuyển nhượng mảnh đất trên cho ông Đỗ Đức Trung. Hai bên thoả thuận ông Trung lập giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất trực tiếp từ vợ chồng bà Mùi.
Tháng 11/1996 vợ chồng ông Bảy và bà Mùi có đơn xin chuyển quyền sử dụng ruộng đất đề nghị UBND xã Bình Hưng chấp nhận cho vợ chồng ông chuyển nhượng mảnh đất trên cho ông Đỗ Đức Trung. UBND xã Bình Hưng xác nhận “khu vực đất trên không bị ảnh hưởng quy hoạch 2.600 ha đường BNB – NBC. Kính chuyển UBND huyện giải quyết”. Mảnh đất trên được chuyển nhượng với giá 45 lượng vàng. Sau khi nhận đủ tiền, ông Đỗ Đức Trung nhận được bản chính các giấy tờ liên quan..
Bản kết luận giám định sau này đã kết luận: Chữ ký mang trên Trần Văn Bảy trên “đơn xin chuyển quyền sử dụng ruộng đất” đề ngày 18/11/1996 (chuyển nhượng cho ông Đỗ Đức Trung) với mẫu chữ ký mang tên “Trần Văn Bảy” trên tài liệu khác là do cùng một người ký ra. Từ đó, gia đình ông Trung đã sử dụng mảnh đất trên để canh tác nhưng không nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp cho nhà nước.
Tuy nhiên năm 1998, Hội đồng đăng ký đất đai xã Bình Hưng lại có ý kiến trong đơn xin đăng ký quyền sử dụng ruộng đất (bà Mùi lập năm 1994) với nội dung: “Thuận cấp diện tích 9.793m2 gồm các thử 58, 59 tờ bản đồ số 15. Kính chuyển Hội đồng xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất huyện giải quyết”.
Cùng năm UBND huyện Bình Chánh có quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 92 hộ gia đình tại xã Bình Hưng, trong đó gia đình bà Lương Thị Mùi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng với diện tích 9.793m2.
Tranh chấp 2 “chủ”
Tháng 9/2003, Công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh nhà Đại Phúc (gọi tắt là công ty Đại Phúc) đã thỏa thuận đền bù tài sản trên đất và giá trị 9.793m2 đất cho ông Đỗ Đức Trung số tiền gần 3 tỷ đồng. Gia đình ông Trung đã nhận tiền và bàn giao đất kèm theo Chứng thư cấp quyền sở hữu và bản chính 4 biên lai thu thuế nông nghiệp.
Tháng 2/2004, UBND TP.HCM có quyết định thu hồi và giao gần 283.000m2 cho công ty Đại phúc để thực hiện dự án xây dựng nhà ở tại xã Bình Hưng (trong đó có 9.793m2 đất Công ty đã thỏa thuận đền bù cho ông Trung nêu trên).
Bản vẽ miếng đất tranh chấp |
Năm 2005, khi thực hiện dự án mở rộng đường Chánh Hưng, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh đã bồi thường 460m2 đất (nằm trong diện tích 9.793m2) cho công ty Đại Phúc. Công ty đã nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng cho Nhà nước mở rộng đường.Năm 2008, Công ty Đại Phúc đã san lấp mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng (đường nội bộ, hệ thống cấp điện, cấp nước, chiếu sáng, thoát nước…)
Năm 2010 ông Trần Văn Bảy lập giấy tờ tặng cho quyền sử dụng 9.793m2 đất nêu trên cho con là Trần Văn Vân, được văn phòng Công chứng Tân Bình xác nhận.
Năm 2013, ông Trần Văn Vân có đơn khiếu nại gửi UBND TP.HCM yêu cầu xóa quy hoạch treo để gia đình được nhận là 9.793m2 đất nhằm ổn định cuộc sống.
UBND TP.HCM chuyển đơn của ông Vân đến UBND huyện Bình Chánh để giải quyết theo quy định. Sau đó quá trình giải quyết việc một miếng đất có hai chủ sở hữu của các cơ quan có liên quan đã khiến sự việc trở nên phức tạp hơn với kiểu “Sáng đúng, chiều sai, ngày mai lại đúng”.
(Còn tiếp)
Sư cô Diệu Thiện phân trần về việc phải căng băng rôn “đòi đất”: “Tôi bỏ ra nhiều tỷ đồng mua khu đất trên để xây bệnh viện làm từ thiện, đến thời hạn giao đất người bán là ông Trần Văn Vân trốn tránh. Tôi “ngã ngửa” khi biết mảnh đất trên thuộc sở hữu của một công ty bất động sản. Đất không được nhận, tiền không đòi được, áp lực trả lãi ngân hàng mỗi tháng khiến tôi phải nhiều lần nhập viện cấp cứu”.