1. Với điện ảnh, công chúng đã thực sự ghi nhận bà bởi những kịch bản phim nổi tiếng. Có lẽ không ai không biết đến những bộ phim như “Canh bạc”, “Dã tràng xe cát biển đông” do bà viết kịch bản. Đặc biệt là kịch bản phim “Nhìn ra biển cả”, một tác phẩm đặc sắc viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn những năm tháng Người học ở trường Quốc học Huế và dạy học ở Phan Thiết.
Có thể nói rằng làm phim về Bác Hồ là một đề tài khó và các nhà biên kịch, đạo diễn đã tìm tòi nhiều công sức về tư liệu lịch sử để hoàn thiện về chân dung con người Hồ Chí Minh. Trước những thử thách mà nhiều người đã làm phim về Bác, nhà biên kịch Hồng Ngát đã chọn một góc khác, giai đoạn về Người mà chưa ai viết đến.
Đây cũng là sự lựa chọn khá táo bạo của bà bởi những tư liệu về Người ở giai đoạn này khá ít ỏi, do vậy đòi hỏi người biên kịch phải thực sự đam mê mới có thể đảm nhận được công việc mà mình đang theo đuổi.
Nhà biên kịch Hồng Ngát chia sẻ:“Ban Tuyên giáo có phát động một cuộc thi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tôi là dâu xứ Nghệ, với Chủ tịch Hồ Chí Minh thì nhân dân, ai cũng kính yêu, kính mến và nhất là văn nghệ sỹ đều muốn viết về một điều gì đấy, một chặng đường nào đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh... còn một giai đoạn nữa đó là năm Bác ở tuổi 18, đôi mươi chưa nhiều người khai thác. Tôi là nhà biên kịch, tôi tự nhủ phải làm khác, không lặp lại ...”.
Nội dung kịch bản xoay quanh quãng thời gian từ năm 1908 đến 1910, khi đó, chàng trai Nguyễn Tất Thành mới ở độ tuổi mười tám, đôi mươi. Từ một học sinh trường Quốc học Huế, do tình nguyện làm thông ngôn cho bà con nông dân, tiểu thương trong một cuộc biểu tình chống sưu cao thuế nặng của thực dân Pháp và chính quyền phong kiến đã bị buộc phải thôi học.
Nguyễn Tất Thành rời Huế và đi khắp miền Nam Trung bộ, sống cùng người dân và chứng kiến cuộc sống lầm than của nhân dân dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Sau đó, Nguyễn Tất Thành vào Phan Thiết dạy học ở trường Dục Thanh. Từ Phan Thiết, Người đã theo một chuyến tàu buôn nước mắm vào Sài Gòn, để lại bức thư cho học trò và đồng nghiệp, Nguyễn Tất Thành đã bắt đầu một hành trình khác trên con đường đi tìm chân lý đời mình: Tìm đường cứu nước.
Hình ảnh con thuyền trên biển cả ở cuối trang sách và đồng hiện trên phim là biểu tượng đẹp đẽ về tuổi hai mươi đầy khát vọng của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành. Hồng Ngát bày tỏ: “Tôi cố gắng viết bằng ngôn ngữ rất dung dị, đời thường.
Trong tưởng tượng của người viết kịch bản, tôi vừa dựa trên cơ sở có thật, cộng với trí tưởng tượng của mình cùng với tập thể đoàn phim đã làm được bộ phim hoàn chỉnh”. Với giãi bày về những ngày đầu bắt tay vào viết kịch bản như thế, Nguyễn Thị Hồng Ngát vẫn không giấu được niềm xúc động chân thành khi được viết về Người:
“...Tôi đặt ra cho mình nhiệm vụ và tìm hiểu tư liệu về Người ở giai đoạn 18, đôi mươi ấy. Khi đã đặt ra, nẩy ra một ý tưởng viết về giai đoạn nào thì mình tập trung để tìm hiểu tư liệu của giai đoạn đấy, tôi có đọc “Búp sen xanh”của nhà văn Sơn Tùng. Hầu như là nhà văn viết rất nhiều, tôi chỉ lấy mỗi giai đoạn Bác bị đuổi học khỏi trường Quốc học Huế.......Tôi là kẻ sinh sau đẻ muộn nhưng luôn cố gắng phục dựng được không khí của ngày ấy...”
2. Với nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát thì tất cả những gì chuyển tải trên phim là cả quá trình xây dựng từ những chất liệu đầu tiên, từ những con chữ trên trang sách, những cứ liệu lịch sử có thật, phản ánh một cách trung thực:
“...May mắn tôi được học điện ảnh tại Nga, được hướng dẫn các kỹ thuật viết kịch bản. Vì vậy, với chất liệu đấy, mình cho vào các kết cấu mà mình tự xây dựng được. Nó trở thành những con chữ và rất ấm áp, với tình cảm chân thực của người viết..... có nhân vật Robert Hải cũng là người Pháp, cũng giảng dạy ở đấy, lịch sử đúng là như thế chứ mình không bịa. Thế là cũng phong phú thêm kịch...”
Nhà biên kịch Hồng Ngát (bên phải) vẫn đầy đam mê với nghệ thuật thứ 7 |
Khi bắt tay vào để chuyển thể thành phim, đoàn làm phim do đạo diễn Vũ Châu và nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát đã lên kế hoạch chi tiết cho từng cảnh quay, từ diễn viên chính đến diễn viên phụ, diễn viên quần chúng, đạo cụ, phục trang...Bối cảnh phim được thực hiện tại Huế, Hội An. “Nhìn ra biển cả” không nhiều bối cảnh hoành tráng nhưng lại khá công phu vì phải tạo dựng lại hoàn toàn cảnh trí, đạo cụ, phục trang của những năm đầu thế kỷ 20.
Với một người say mê với nghề, bà nhớ lại những ngày đi quay phim vất vả: “...Hồi ấy bọn mình vào làm đương nhiên đi quay phim rất vất vả, ghi hình trong vòng 2 tháng ở Huế rồi ra bán đảo Sơn Trà để lấy những con đường dựng lại những chặng đường mà Bác đã đi qua... ngày ấy đi lại bằng ngựa chứ làm gì có ô tô...Đấy là những kỉ niệm khi làm phim “Nhìn ra biển cả” về Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn thầy giáo Nguyễn Tất Thành năm Người 18 tuổi...”
Những dấu ấn không bao giờ quên của nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát về tác phẩm kịch bản “Nhìn ra biển cả” từ lúc bắt đầu đặt bút đến khi bộ phim hoàn thành và gây tiếng vang trong nền điện ảnh Việt Nam, là cả một quá trình sáng tạo nghệ thuật miệt mài, say mê, quên ăn quên ngủ của người phụ nữ đa tài này.
Nay ở tuổi 70 nhưng nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát vẫn đầy đam mê với nghệ thuật thứ 7, bà vẫn viết say mê với những đề tài lịch sử và đời sống thực tại. Hy vọng trong thời gian tới, công chúng sẽ được đón nhận những tác phẩm hấp dẫn của bà bởi đó thực sự là những kịch bản điện ảnh xuất sắc và mang lại những giá trị nhân văn sâu sắc.
Xuất phát điểm là một diễn viên sân khấu tại Nhà hát chèo Việt Nam, trong suốt quãng thời gian 15 năm hoạt động nghệ thuật tại đây đã bồi đắp cho tâm hồn của NSƯT Hồng Ngát rất nhiều cảm xúc, chất liệu thơ văn cho công tác làm biên kịch điện ảnh sau này. Năm 1980, bà được cử sang Liên Xô học chuyên sâu về ngành biên kịch điện ảnh. Về nước, bà đầu quân cho Hãng Phim truyện Việt Nam.
Lời chào ra mắt đầu tiên đối với ngành điện ảnh Việt Nam của bà chính là kịch bản bộ phim “Một thời đã sống” (đạo diễn Xuân Sơn). Đây cũng chính là kịch bản tốt nghiệp của bà do chính trường Điện ảnh Matxcova (Liên Xô) đánh công văn về Hãng phim truyện Việt Nam yêu cầu được sản xuất thành phim. Và bà cũng là một trong số ít nhà biên kịch vừa tốt nghiệp ra trường (năm 1987), sau đó một năm đã có ngay bộ phim đầu tay (năm 1988).
Trong thời gian làm việc tại Hãng Phim truyện Việt Nam, ngoài những kịch bản do chính mình sáng tác, bà còn chuyển thể thành công hàng chục kịch bản từ những truyện ngắn của các nhà văn nổi tiếng. Một trong những kịch bản để lại dấu ấn và tạo tiếng vang trong sự nghiệp làm biên kịch của bà chính là kịch bản bộ phim truyện “Ký ức Điện Biên”.