Song, sự quan tâm và tin tưởng nhất có lẽ không từ những người gửi hoa và lời chúc mà là những người dân “chân lấm, tay bùn”, những người “thấp cổ bé họng”. Báo chí đã nói tiếng nói của giai cấp cần lao, đã “giải oan” không ít trường hợp, đã đứng về phía lẽ phải và hơn tất cả, công luận đã góp phần lớn trong sự đấu tranh vì công bằng xã hội, tuân thủ pháp luật và tôn trọng đạo lý.
Có những ý kiến phê phán báo chí chúng ta là “một chiều”, ý kiến đó đúng là “một chiều” bởi đã không nhìn ra sự phản ảnh đa diện của báo chí hôm nay trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, đặc biệt truyền thông đã xứng đáng là người lính tiên phong trong cuộc chiến chống tham nhũng. Đã có những tổn thất của báo giới trong cuộc chiến này, song ai cũng nhận ra rằng báo chí đâu có chùn bước trước các thế lực hắc ám nào!
Người ta cũng đề nghị cần chuyển báo chí phê phán sang báo chí giải pháp. Tất nhiên, cũng như báo chí cần nêu cao, biểu dương cái tốt đẹp của xã hội chúng ta chứ đừng tập trung quá nhiều vào cái xấu, cái ác, cái tàn bạo là không nên. Nhưng, báo chí làm chức năng của báo chí là thông tin và xử lý thông tin, phê phán cũng cần thiết như xây dựng, cần chú ý là sức chiến đấu của một tờ báo không chỉ dừng lại chỗ đưa ra các giải pháp mà chính là mài sắc vũ khí phê phán “đốt vào chân để con ngựa tiến bộ xã hội lồng lên” (Ruồi Trâu).
Dù là một tờ báo nhỏ nhất thì cũng là tiếng nói của công luận, vì vậy, không thể chấp nhận báo chí lại đưa tin, bình luận nhảm nhí, “câu khách”, lợi dụng thân xác phụ nữ để “minh họa” cho đã mắt mà lảng tránh sứ mệnh của mình là “người đưa tin”, “thư ký thời đại”, sở hữu “quyền lực mềm”.
Một nền báo chí mạnh, có ảnh hưởng tích cực đến đời sống chính trị - xã hội là trên cơ sở tập hợp đội ngũ những người làm báo thực sự “có tâm, có tầm”. Phẩm chất đầu tiên, phải có của một nhà báo là trung thực và thể hiện sự trung thực đó bằng bài viết và chính kiến của mình. Tiếp theo là bản lĩnh nhà báo để bảo vệ sự trung thực đó, đồng nghĩa với việc bảo vệ sự thật, phản ảnh đúng sự thật và không bị mua chuộc hoặc sợ hãi bởi các thế lực nào đó. Cũng cần suy nghĩ xem, tại sao dân gian lại đúc kết (tất nhiên không phải là chân lý hay giá trị mang tính phổ quát) là nhà báo thuộc diện “ăn theo, nói leo, ngồi ké”.
Hôm nay, đội ngũ báo giới có cả niềm vui và tự hào bởi những gì họ đã phấn đấu, mang tâm huyết và trí tuệ đóng góp cho sự tiến bộ của xã hội, công cuộc phát triển đất nước và khẳng định chỗ đứng vững chãi của mình trong lòng bạn đọc với tư cách người lính trên mặt trận thông tin.