Nhà báo Trung Quốc tha hóa thành mafia

Khi cảnh sát ập vào nhà Miêu Nghênh Xuân ở Nội Mông, họ phát hiện số tiền gần 70 triệu tệ cùng nhiều vũ khí.

Sự nghiệp báo chí của Miêu Nghênh Xuân kết thúc vào mùa hè năm ngoái, khi cảnh sát mặc thường phục ập vào nhà riêng của ông này ở Ulanqab, thành phố cách thủ phủ Hohhot của Nội Mông 140 km về phía đông.

Đội đặc nhiệm chống tội phạm có tổ chức áp giải Miêu rời khỏi nhà ngày 7/7/2018. Khám nhà ông ta, họ phát hiện số vàng trị giá gần 70 triệu tệ (10,1 triệu USD) và một số vũ khí trái phép. Tài sản của gia đình phóng viên truyền hình này lên tới hơn 160 triệu tệ (23,2 triệu USD), bao gồm 74 căn hộ ở Bắc Kinh, Tam Á, Hohhot, Ulanqab và nhiều nơi khác.

Miêu bị tòa án Hohhot kết án chung thân hôm 12/7 với tội danh tổ chức, lãnh đạo và tham gia nhóm tội phạm có tổ chức, vu cáo cùng nhiều hành vi phạm tội khác. 9 đồng phạm của Miêu bị kết án từ 2-14 năm tù, trong đó có vợ và chị của Miêu cùng đội trưởng đội chống tội phạm có tổ chức của công an thành phố Ulanqab.

Miêu Nghênh Xuân. Ảnh: Caixin.

Miêu Nghênh Xuân. Ảnh:Caixin.

Ulanqab nằm ở trung tâm tỉnh Nội Mông, liền kề Hohhot và cách Bắc Kinh hơn 300 km. Chứng minh thư của Miêu cho thấy ông ta sinh ra ở thành phố này vào ngày 1/1/1968, nhưng các bạn thời tiểu học nói rằng Miêu sinh năm 1960 hoặc 1961.

Ông ta xuất thân trong một gia đình bình thường, có bố mẹ là viên chức. Miêu từng làm nghề giao hàng cho Sở Điện lực Ulanqab trước khi vào làm cho Ủy ban Khoa học Công nghệ thành phố. Năm 1992, ông ta bắt đầu làm việc ở đài truyền hình Ulanqab, chuyên mảng chính trị pháp luật.

Trong hơn 30 năm làm việc trong ngành báo chí truyền hình ở Nội Mông, Miêu chuyên đưa tin về Ulanqab và khu vực Xilingol rộng lớn và trở nên nổi tiếng trong giới chính trị, xã hội địa phương.

Đồng nghiệp cũ cho rằng Miêu có động cơ riêng khi lựa chọn mảng chính trị, pháp luật. Ông ta lợi dụng vị trí của mình khi đưa tin về các cơ quan an ninh để lập mạng lưới liên hệ trong cảnh sát và tư pháp của Ulanqab. Miêu từng bị đài truyền hình cho nghỉ việc một tháng vì lạm dụng quyền lực.

Khi sân chơi Ulanqab dần chật chội, Miêu đặt mục tiêu tham gia vào đài truyền hình cấp tỉnh của Nội Mông. Y đã hối lộ Triệu Xuân Đào, cựu giám đốc đài, số tiền 590.000 tệ (85.700 USD) để được vào cơ quan này làm việc. Tuy nhiên, tại tòa án, Miêu chỉ khai nhận đã hối lộ Triệu 43.500 USD.

Triệu Xuân Đào. Ảnh: Ifeng.

Triệu Xuân Đào. Ảnh:Ifeng.

Năm 2006, Miêu bắt đầu làm việc ở đài Nội Mông, chịu trách nhiệm đưa tin về Ulanqab và Xilingol. Tại Ulanqab, y là người nổi tiếng nhưng ở Hohhot, Miêu phải nỗ lực để vượt qua nhiều tài năng khác.

Với địa vị cao hơn, Miêu quay lại Ulanqab, hạch sách nhân viên ở đây và ngày càng nổi tiếng ở địa phương. Ông ta làm quen với nhiều lãnh đạo để mở rộng quan hệ. Miêu nhận rõ mình không chỉ có lợi thế là phóng viên truyền hình, mà còn nắm trong tay sức mạnh truyền thông.

Một nhà sản xuất tại đài Ulanqab phát hiện Miêu đã cho phát sóng một lượng lớn thông tin tích cực về công ty xi măng Ulan Nội Mông và tổng giám đốc La Chấn Hoa, dù nhiều thông tin không đủ tiêu chuẩn chuyên môn.

Công ty xi măng Ulan là một trong những dự án quan trọng cấp quốc gia và là dự án xóa đói giảm nghèo lớn nhất ở Nội Mông. Hiện chưa rõ làm thế nào mà La và Miêu kết nối với nhau, nhưng hai người đã có quan hệ thân thiết ít nhất 20 năm trước khi Miêu làm việc ở đài Ulanqab.

Nhờ La, Miêu ký được hợp đồng xây dựng chung cư trong khuôn viên nhà máy mà không qua đấu thầu cũng như một số dự án mở rộng cho công ty. Miêu gần như độc quyền trong mọi dự án xây dựng của công ty này.

Đó là cách Miêu và gia đình làm giàu. Đổi lại, Miêu chia tiền hoa hồng cho La hơn 5,3 triệu tệ (770.000 USD) từ năm 2000 tới 2011. Trong phiên tòa, Miêu không thừa nhận đã gửi tiền cho La nhưng luật sư nói ngân hàng có bằng chứng về giao dịch rút tiền.

Miêu còn làm giả thông tin nhân sự, chữ ký và tham ô hơn 440.000 tệ (64.000 USD) của đài truyền hình Xilingol để chi tiêu cá nhân. Tòa án cho hay Miêu đã biển thủ hơn 48,3 triệu tệ (7 triệu USD) và dùng 6,89 triệu (1 triệu USD) đi hối lộ. La và 9 nhân viên của công ty xi măng Ulan đang bị bắt và điều tra tội tham nhũng.

Miêu bị phanh phui trong vụ án liên quan tới Triệu Xuân Đào. Ông này được cho là đã nhờ Miêu thu xếp ba người đánh dằn mặt một nhân viên bậc trung tại đài Nội Mông ngày 28/1/2018. Ba nghi phạm bị đội đặc nhiệm công an Hohhot bắt hồi tháng 7/2018 và khai ra vai trò của Miêu. Miêu bị bắt ngay sau đó.

Triệu Xuân Đào bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Nội Mông điều tra từ ngày 20/8/2018. Y bị cáo buộc lợi dụng chức vụ để nhận hối lộ, thuê người gây thương tích cho người khác, cản trở công tác điều tra của ủy ban và bao che cho băng đảng tội phạm.

Miêu không chỉ dùng vũ lực để trừng phạt những người dám qua mặt mình, mà còn lợi dụng các mối quan hệ với giới quan chức để đe dọa người khác. Ông ta bị cáo buộc "gài bẫy" để Li Yongqiang, cán bộ nhà máy xi măng Ulan, phải ngồi tù 5 tháng vì tội gây rối.

Khi ra tòa, Li cung cấp thông tin về thủ đoạn của Miêu, nhưng bị tòa án phớt lờ. "Công tố viên đe dọa tôi rằng nếu không nhận tội, tôi sẽ bị hình phạt nặng hơn", Li nói. Bạn bè Li thuyết phục anh không kháng cáo. "Điều quan trọng là còn mạng để ra tù", họ nói. Gia đình Li cũng cảm thấy không nên khiêu khích Miêu nữa.

Phiên xét xử Miêu và các đồng phạm tại Tòa án trung cấp Hohhot hôm 12/7. Ảnh: Tòa án Hohhot.

Phiên xét xử Miêu và các đồng phạm tại Tòa án trung cấp Hohhot hôm 12/7. Ảnh: Tòa án Hohhot.

Sau khi Miêu bị điều tra, Li được trả tự do vào 14/9/2018 và được xóa án, tuyên vô tội.

Trong phiên xét xử Miêu, y và đồng bọn không thừa nhận tham gia hoạt động phạm tội có tổ chức. Luật sư của Miêu biện hộ ông ta đã thực hiện một số hành vi xấu, nhưng không tới nỗi như mafia hay côn đồ. Còn đồng bọn của Miêu nói chỉ muốn kiếm tiền.

Tuy nhiên, tòa án trung cấp thành phố Hohhot cho rằng các hành vi của Miêu và đồng phạm đã làm suy yếu nghiêm trọng trật tự kinh tế và xã hội, xác định mạng lưới của y là một tổ chức mang bản chất của "thế giới ngầm" kiểu mafia cần bị trừng phạt thích đáng.

Đọc thêm

Triệt phá đường dây chế độ vũ khí quân dụng

Các đối tượng bị bắt giam về tội "Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng" cùng tang vật (Ảnh: CACC).
(PLVN) -  Cơ quan CSĐT quận 4 (TP HCM) vừa triệt phá đường dây “độ, chế”, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ liên tỉnh/thành; khởi tố, bắt tạm giam 5 đối tượng về tội “Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”.

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành kỷ luật đối với Phó Chủ tịch và nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.

Bắt đối tượng vận chuyển gần 12.000 viên ma túy tổng hợp

Tang vật vụ án.

(PLVN) - Ngày 13/1, thông tin từ Công an huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) thuộc đơn vị đang tiếp tục mở rộng điều tra về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy” đối với Lê Văn Q (SN 1980, trú tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ).

Vụ án tại Trung tâm R&D thuộc BQL Khu CNC TP HCM: Cựu lãnh đạo Sở KH&ĐT nhận tiền tỷ khi duyệt dự án

Bị cáo Minh tại một phiên tòa hồi tháng 7/2024. (Ảnh: Hải Duyên)
(PLVN) - Dự kiến từ ngày 15/1, TAND TP HCM sẽ đưa bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu PGĐ Sở KH&ĐT), Phan Tất Thắng (cựu Phó phòng Kinh tế) ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án xảy ra tại Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao (Trung tâm R&D) thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao (BQLKCNC) TP HCM và các đơn vị liên quan.