Chuyển đổi số, báo chí không thể ngoài cuộc
Là người có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động báo chí ở những môi trường khác nhau, ông đánh giá thế nào về xu hướng chuyển đổi số của báo chí thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong bối cảnh hiện nay?
- Chuyển đổi số đang và đã tạo ra một sự thay đổi mạnh mẽ trong ngành báo chí truyền thông. Trong những năm vừa qua, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và internet đã tạo ra một sự kết nối toàn cầu chưa từng có trước đây. Điều này đã thúc đẩy những người làm báo và công chúng trên khắp thế giới có sự chuyển dịch từ nền tảng truyền thống sang môi trường truyền thông số. Hiện nay, xu hướng của báo chí quốc tế gắn liền với đa nền tảng, báo chí dữ liệu (Data journalism), với nhiều phương thức thể hiện ứng dụng công nghệ đa phương tiện và trí tuệ nhân tạo (AI).
Trong bối cảnh toàn cầu đó, báo chí Việt Nam cũng đã và đang có sự chuyển đổi số mạnh mẽ. Dễ dàng nhận thấy ở một số cơ quan báo chí như: Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Vnexpress,… đã bắt đầu từng bước thành công thực hiện số hóa nội dung, làm báo theo công nghệ đa nền tảng bằng nhiều hình thức mới như: báo chí dữ liệu, podcast, video với cách thực hiện sinh động bằng Long-form, E-magazine, Infographic,… Theo tôi, đó là những tín hiệu rất đáng mừng.
Trước sự vận động đó, Báo Pháp luật Việt Nam chắc chắn cũng không đứng ngoài “cuộc đua” chuyển đổi số báo chí, thưa ông?
- Đúng vậy, có thể khẳng định Báo Pháp luật Việt Nam (PLVN) là tờ báo sớm nhận thức được câu chuyện chuyển đổi số báo chí. Chuyển đổi số của Báo PLVN đầu tiên gắn liền với sự ra đời của báo điện tử và rất nhiều các chuyên trang điện tử khác. Nói không quá thì Báo PLVN là một trong những tờ báo có nhiều chuyên trang điện tử.
Báo PLVN cũng là cơ quan báo chí có sự xuất hiện của báo chí đa nền tảng từ khá sớm, với trang TV Pháp luật, là nơi để các nhà báo, phóng viên của Báo Pháp luật Việt Nam làm báo bằng công nghệ truyền hình trên nền tảng số. Và ngay sau đó, chúng ta có bộ phận Pháp luật Media với hạ tầng kỹ thuật số, nguồn nhân lực được đào tạo cơ bản để sản xuất các tác phẩm đa phương tiện trên báo điện tử.
Bộ phận Pháp luật Media Báo Pháp luật Việt Nam. |
Tiếp đó, Báo PLVN cũng “đi tắt, đón đầu” là một trong những tờ báo đầu tiên thực hiện loại hình Podcast, để số hóa nội dung và đưa lên nhiều nền tảng phát thanh, như: Google Podcast, Spodtify,… Báo PLVN cũng đã khá nhanh nhẹn và thích nghi trong việc sử dụng công cụ mạng xã hội để “viral”, phổ biến các thông tin trên các tác phẩm báo chí. Thậm chí, Báo PLVN còn có cả một Trung tâm mạng xã hội để thực hiện công tác chuyển đổi số, với một trang mạng xã hội riêng biệt là Cộng đồng pháp luật. Bên cạnh đó, hình ảnh và tiếng nói của Báo PLVN cũng liên tục xuất hiện trên nhiều nền tảng mạng xã hội khác nhau như Youtube, Tiktok, Facebook,… để bạn đọc, công chúng có thể tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng hơn, đa diện hơn và hấp dẫn hơn.
Bộ Tư pháp cũng đang chuẩn bị ban hành quyết định thay thế Quyết định 1158 về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Báo PLVN. Trong đó Báo PLVN đề xuất nâng cấp bộ phận Pháp luật Media và Trung tâm mạng xã hội thành Ban Pháp luật đa phương tiện. Đây sẽ là một trong những bộ phận nòng cốt quan trọng để Báo PLVN thực hiện chuyển đổi số trong tương lai.
Vậy trên cương vị tham gia Ban Biên tập của một tờ báo, ông nhận thấy đâu là những thuận lợi, cũng như khó khăn trong quá trình chuyển đổi số của Báo PLVN?
- Trong “cuộc đua” chuyển đổi số, Báo PLVN có những thuận lợi nhất định. Thuận lợi đầu tiên là Báo luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và đặc biệt là cơ quan chủ quản là Bộ Tư pháp trong công tác truyền thông cho Bộ, ngành Tư pháp. Trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp luôn có những chỉ đạo định hướng sát sao, kịp thời. Thứ hai là Ban Biên tập Báo cũng rất quan tâm, “đau đáu” về vấn đề này và coi chuyển đổi số như một yếu tố then chốt mang tính bước ngoặt trong tiến trình hiện đại hóa để phát triển của Báo PLVN. Báo cũng đã phân công một đồng chí Phó Tổng Biên tập phụ trách về công tác chuyển đổi số để thúc đẩy quá trình này.
Và quan trọng nhất là chính anh em phóng viên, biên tập viên trong cơ quan cũng ý thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, để từ đó nỗ lực hơn, cố gắng hơn, nắm bắt công nghệ và làm chủ “cuộc đua” đầy thách thức này.
Về khó khăn, theo tôi, có bốn yếu tố quan trọng của chuyển đổi số báo chí, bao gồm: Nhân lực số, hạ tầng kỹ thuật số (công nghệ), nội dung số và dữ liệu số. Trong đó, nguồn nhân lực số là yếu tố tiên quyết và dữ liệu số là yếu tố quan trọng nhất. Với một tòa soạn đang trong quá trình chuyển đổi số chúng ta có thể thấy ngay những hạn chế về nguồn nhân lực. Nếu như trước đây, hoạt động báo chí đa phần là những người làm báo truyền thống, chủ yếu là viết (sau này một số nhà báo, phóng viên chuyển sang làm báo điện tử nhưng báo điện tử cũng chỉ là một phần của chuyển đổi số), thì bây giờ chuyển đổi số lại rộng hơn thế rất nhiều với báo chí dữ liệu, với tích hợp các công nghệ mới khác,… Vậy một câu hỏi đặt ra là đội ngũ nhà báo, phóng viên thích ứng được hay chưa? Có lẽ là chưa. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng đang rất vướng mắc trong vấn đề dữ liệu số. Chúng ta đang xây dựng dần dần nền tảng dữ liệu số, big data (dữ liệu lớn) để kết nối, phân tích, xử lý thông tin nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Rồi có thể kể đến những khó khăn về cơ sở hạ tầng, công nghệ,… chúng ta cũng đang từng bước khắc phục.
Vậy giải pháp trong tương lai của các cơ quan báo chí là phải tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực, giao lưu học hỏi về các mô hình tòa soạn phù hợp với mục đích chuyển đổi số, củng cố và hoàn thiện hệ thống dữ liệu số, phát triển hạ tầng cơ sở, ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động báo chí, truyền thông,… xây dựng vững chắc bốn trụ cột chính của chuyển đổi số báo chí thì mới bảo đảm cho sự thành công của PLVN trong “cuộc đua” này.
Giá trị trường tồn, bất biến là giá trị con người
Vậy theo tôi hiểu thì sự vận động của chuyển đổi số báo chí là hoàn toàn tích cực và sẽ không có mặt trái phải vậy không, thưa ông?
- Có chứ, mặt trái sẽ xuất hiện ngay lập tức nếu như sự vận động này quá nhanh, mà thiếu đi sự kiểm soát. Chúng ta phải hiểu rằng, với báo chí, một trong những tiêu chí hàng đầu của thông tin báo chí là phải bảo đảm tính chân thực, tính khách quan, bên cạnh tính đại chúng, tính thời sự. Nhưng chuyển đổi số là chúng ta phải đáp ứng thông tin rất nhanh, kịp thời, nên đôi khi việc thẩm định tính chính xác của nguồn tin chưa bảo đảm, dẫn đến định hướng dư luận xã hội chưa cao. Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, chuyển đổi số đã tạo ra tràn lan hiện tượng tin giả (fake news) trên mạng xã hội, mà nhiều lúc báo chí lại xem mạng xã hội như một nguồn tin, nên việc tiếp cận những nguồn tin giả ấy dẫn đến cung cấp cho bạn đọc những thông tin không thực sự chính xác.
Bên cạnh đó, chúng ta không phủ nhận, chuyển đổi số có cái hay là có thể phân tích được tâm lý, hành vi người dùng đối với một số nền tảng mạng xã hội. Nhưng cũng chính vì thế, một số cơ quan báo chí truyền thông chỉ “chăm chăm” cung cấp một loại “tệp” thông tin đó, dẫn đến người đọc bị lệ thuộc, chìm đắm, mất thời gian cho những thông tin vô bổ. Trong đó, chúng ta nhìn thẳng vào sự thật là một số tờ báo cũng đang chiều chuộng độc giả, khiến cho tính định hướng không cao.
Ngoài ra, bởi lượng người đọc, người nghe, người xem tăng vọt trên các nền tảng số, nên các nền tảng truyền thống có nguy cơ bị đe dọa một cách sâu sắc, nhất là báo in. Việc chuyển đổi số quá nhanh có thể làm mất cân đối giữa các loại hình báo chí, khiến cho các yếu tố như: kinh tế báo chí, nhân sự,... của các cơ quan báo chí bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Một buổi ghi hình của TVphapluat. |
Vậy theo ông, giải pháp nào để khắc phục những mặt trái của chuyển đổi số trong báo chí?
- Đây là một vấn đề vĩ mô, tuy nhiên mỗi tờ báo sẽ có giải pháp của riêng mình. Chúng ta phải khẳng định một lần nữa, chuyển đổi số là lộ trình của toàn nhân loại, và trong đó chuyển đổi số báo chí là tất yếu. Nhưng trong quá trình chuyển đổi số, chúng ta cần phải có một mức “lùi” tạm thời. Đó là mức “lùi” trong việc thẩm định nội dung, để đội ngũ phóng viên, biên tập viên kịp mổ xẻ, phân tích các thông tin, sao cho thông tin đến với công chúng “nhanh” nhưng phải “đúng”, “trúng” và “hay”. Báo chí phải có lối đi riêng, tránh lệ thuộc vào mạng xã hội và cần hết sức thận trọng với fake news.
Điểm mạnh của Báo PLVN, với những góc nhìn pháp lý chuyên sâu, thấu đáo, được cắt nghĩa, lí giải rõ ràng, chi tiết. Trên đường đua chuyển đổi số, thông tin có thể chậm hơn một chút, nhưng phải chỉn chu, chính xác trước khi đăng tải và có cách đi riêng, cách nhìn riêng, đối tượng riêng. Mọi vấn đề đều khởi đặt dựa trên góc nhìn pháp lý là thế mạnh của Báo PLVN và nội dung số xuyên suốt của tờ báo chính là điều để báo có lượng bạn đọc riêng trong quá trình chuyển đổi số.
Theo ông, đâu là giá trị trường tồn của báo chí, truyền thông trong chuyển đổi số?
- Nhìn nhận lại lịch sử phát triển của báo chí truyền thông, chúng ta phải thừa nhận là đã có những nền tảng từng “làm mây, làm mưa” khắp thế giới nhưng rồi sẽ đi đến đâu? Cách đây hơn 20 năm, Yahoo ra đời, cả thế giới dùng Yahoo, chúng ta cứ tưởng Yahoo đã là đỉnh cao, khó có gì thay thế nhưng không, rồi sự xuất hiện của Facebook thay thế Yahoo, thì chẳng còn bao nhiêu người dùng Yahoo nữa. Lúc này người người, nhà nhà dùng Facebook như một kênh truyền thông hiệu quả, kể cả báo chí cũng “nương” vào Facebook để phân phối nội dung trên đó. Nhưng rồi Facebook cũng không phải là vĩnh cửu khi Tiktok xuất hiện với những đoạn video ngắn (Short video). Và bây giờ là sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo,… Nhưng ngay cả trí tuệ nhân tạo, công cụ trợ lý ảo chatbot chỉ có thể trả lời những câu hỏi khi và chỉ khi có dữ liệu do con người tạo ra trên nền tảng số (dữ liệu số).
Vậy suy cho cùng, giá trị trường tồn, bất biến là trí tuệ con người, còn khoa học kỹ thuật vĩnh viễn chỉ là phương tiện truyền tải. Và cuối cùng tất cả cũng sẽ đều trở lại với giá trị đích thực của nó. Hiện nay, báo chí nằm trong câu chuyện chuyển đổi số, chúng ta phải đi theo, phải ứng dụng công nghệ, nhưng đấy không phải là cái bất biến, mà giá trị về trí tuệ con người, về tính chính xác, tính nhân văn, những thông tin hữu ích, đóng góp, cống hiến cho sự phát triển của nhân loại, cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mới là bất biến và con người chúng ta… cần những điều đó. Trí tuệ nhân tạo vô cùng cần, công nghệ hiện đại cũng vô cùng cần, nhưng suy cho cùng không có trí tuệ nào có thể thay thế được trí tuệ của con người. Một nền báo chí trí tuệ, nhân văn, chân thực, khách quan mới là nội dung số quan trọng trong thực hiện chuyển đổi số hiện nay.