Được nói lời sau cùng, bị cáo Hùng không kìm được nước mắt, vừa khóc vừa xin HĐXX cho bị cáo được tại ngoại vì còn người thân. Thời gian qua bị cáo thực sự ăn năn, nhận ra được những lỗi lầm của mình. Bị cáo cũng không quên nhận lỗi về mình và xin HĐXX xem xét cho các thuộc cấp cho mình. Các bị cáo khác cũng nhận ra lỗi lầm và mong được tha thứ vì hiện bị dư luận lên án quá mạnh mẽ…
Do vụ án có tính phức tạp nên HĐXX quyết định kéo dài phần nghị án đến ngày 30/10/2017.
Trước đó, vào sáng 24/10, TAND Cấp cao tại TP HCM tiếp tục phần thẩm vấn các bị cáo cũng như đại diện Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế trong vụ án “Buôn lậu” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma.
Trước lúc diễn ra phiên tòa, HĐXX hỏi về bị cáo Hùng về tình hình sức khỏe. Bị cáo Hùng cho biết đã bình tĩnh, ổn định hơn và đủ sức khỏe để tham dự phiên tòa. Trước đó, vào chiều ngày 23/10 hai bị cáo đầu vụ là Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường bị bắt tạm giam thời hạn 90 ngày sau một thời gian được tại ngoại.
Trong buổi sáng, nhiều phòng của Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế được triệu tập đến tham dự nhằm làm sáng tỏ quá trình thẩm định, xét duyệt, cấp phép cho VN Pharma nhập khẩu hơn 9 ngàn hộp thuốc Capicitabine 500mg chữa bệnh ung thư về Việt Nam. Theo đó, đại diện các phòng của Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế khẳng định chắc chắn như “đinh đóng cột” rằng, đã làm đúng trách nhiệm, đúng quy trình.
Trả lời câu hỏi về việc vì sao bị cáo lại chỉ đạo xóa bỏ toàn bộ các file được lưu trong máy tính của công ty liên quan tới lô thuốc này, cũng như lý do vứt bỏ 12 con dấu của công ty vào sọt rác trước lúc cơ quan điều tra tiến hành vụ án? Bị cáo Bùi Ngọc Duy (nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển Công ty Cổ phần VN Pharma) biện minh rằng, do những file đó đã cũ, các con dấu cũng không còn sử dụng nên bị cáo chỉ đạo anh em… “dọn dẹp” cho gọn gàng, chứ không suy nghĩ gì cả.
Thế nhưng câu trả lời này bị Kiểm sát viên phản bác lại: “Con dấu không phải là tài sản của bị cáo, mà là tài sản của công ty. Việc sử dụng, bàn giao con dấu cho ai suốt quá trình trước đó được diễn ra hết sức nghiêm ngặt, có biên bản bàn giao cụ thể. Vậy mà bị cáo nói vứt bỏ một loạt con dấu vào sọt rác dễ dàng như vậy? Các file tài liệu cũng thế, bị cáo không phải là người quản lý công nghệ thông tin ở công ty, sao biết mà chỉ đạo nhân viên xóa các file liên quan tới số thuốc này?...”.
Về nguồn gốc của 12 con dấu mà các bị cáo đã sử dụng vào việc làm hồ sơ tài liệu, bị cáo Nguyễn Minh Hùng cho rằng, không biết những con dấu này, bởi chức năng, nhiệm vụ được giao cho phòng nghiên cứu phát triển của công ty…
Về số tiền 7,5 tỷ đồng được cho là dùng để chi hoa hồng cho các bác sĩ khi tiến hành bán thuốc nói trên, đại diện VKS cũng đã đi sâu và cho các bị cáo đối chất ngay tại phiên tòa. Bị cáo Hùng cho rằng số tiền đó tồn tại trong công ty từ lâu và dùng để phục vụ công tác bán hàng, chứ không phải chi hoa hồng. Tuy nhiên, cũng có bị cáo cho rằng dùng để chi có các bác sĩ.
Kiểm sát viên đề nghị HĐXX cho công bố lời khai của một dược sĩ làm trong Công ty VN Pharma về quy trình chi tiền hoa hồng cho bác sĩ. Theo đó, việc chi hoa hồng dựa trên kinh nghiệm bán hàng của người này, sau đó sẽ trình lên phòng quản lý, lên phòng tổ chức kiểm soát rồi đến phòng kế toán, sau đó mới trình lên Ban Tổng Giám đốc. Khi được sự đồng ý của Ban cao nhất này thì kế toán mới được chi. Đại diện VKS nhận định đó là quy trình hết sức chặt chẽ nên không thể rút số tiền lớn ra một cách dễ dàng như các bị cáo khai…
Chiều 24/10, đại diện VKS đã nêu kết luận giám định của Bộ Y tế kết luận: “Lô hàng có nhãn mác thuốc H-Capita500mg Caplet chứa 97,5% hoạt chất Capecitabine là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người”. Thành phần tạp chất là 17% (trong khi cho phép không quá 1%).
Như vậy, kết luận giám định của Bộ Y tế có nhiều mâu thuẫn, không phù hợp với quy định của pháp luật và thực tế khách quan của vụ án này. Do đó, theo đại diện VKS cần phải giám định lại toàn bộ số thuốc này.
VKS cũng nhận định, hành vi của các bị cáo có dấu hiệu vi phạm Điều 157 Bộ luật Hình sự về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh. Hành vi của các bị cáo thể hiện có phân công phân nhiệm cho từng người. Các bị cáo đã tạo dựng lên hồ sơ giả dựa trên một công ty nước ngoài. Đề nghị HĐXX chấp nhận kháng nghị của VKS để hủy toàn bộ bản án để điều tra lại./.