Cái khó nhất hiện nay là không có cơ sở xác định giá thị trường bởi hợp đồng mua bán ghi thấp hơn rất nhiều, cơ quan thuế chấp nhận như thế. “Bản thân tôi cũng thế!”- nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường – GS Đặng Hùng Võ thừa nhận.
Các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đang quản lý, sử dụng diện tích nhà, đất rất lớn, khoảng 1,5 tỷ m2. Ảnh: Trụ sở Bộ Xây dựng tại 37 Lê Đại Hành (Hà Nội) |
Đề án “Khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản nhà nước phục vụ phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2020” đã được Bộ Tài chính chính thức đưa ra lấy ý kiến vào hôm qua, 23/3 tại Hà Nội.
Tuy nhiên, chuyên gia hàng đầu về đất đai - GS Đặng Hùng Võ - không ngần ngại bày tỏ ngờ vực về tình thực thi của đề án khi nhiều nghịch lý về nguồn lực quan trọng này chưa được làm rõ.
“Tài chính đất đai đang được điều chỉnh bằng cái gì đó chứ không phải nhà nước. Ví dụ bảng giá đất nói là phải phù hợp với thị trường nhưng thực tế lại không...”- ông Võ phát biểu. “4 trường hợp giao đất quy định phải định giá theo giá thị trường chứ không phải theo bảng giá của UBND tỉnh, thành phố nhưng thực tế lại lạc lõng đi đâu...”- ông Võ dẫn chứng.
Theo vị chuyên gia này, cái khó nhất hiện nay là không có cơ sở xác định giá thị trường bởi hợp đồng mua bán ghi thấp hơn rất nhiều, cơ quan thuế chấp nhận như thế. “Bản thân tôi cũng thế!”- ông Võ thừa nhận.
Trong khi đó, bảng giá đất do UBND tỉnh, thành phố ban hành chỉ làm căn cứ thu thuế, phí và thất thu tài chính đất đai cũng chính là từ bàng giá không sát thực tế này, chưa kể thuế suất đối với đất phi nông nghiệp hiện nay là quá thấp (0,03%) mà lại không đánh thuế nhà.
Cơ chế PT- mà thực chất là “đổi đất lấy hạ tầng” thực tế đang tồn tại cũng không được bản đề án này đề cấp đến. Cũng theo ông Võ, đề án cũng lờ đi việc các cơ quan hành chính có được bán đất khi di dời không khi thực tế là như vậy. “Chúng ta cố gắng nhìn vào sự thật đi, đừng đi đường vòng. Bởi đã di đường vòng thì thiếu minh bạch!”- ông Võ đề nghị.
“Nếu tôi là ông nhà nước thì tôi chỉ việc thu hồi diện tích đất của các đơn vị phải di dời rối phân cho một diện tích đất tương ứng, diện tích đó sử dụng như thế nào thì tự nhà nước quyết định. Nhưng đằng này lại không. Đẩy các anh xưa nay chuyên nghiên cứu, giảng dạy... chẳng biết gì về đất đai phải tự lo trụ sở trong khi trụ sở cũ trong nội thành lại không cho người ta bán...”- TS. Phạm Sỹ Liêm, Viện trưởng Viên nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng đồng tình với đề xuất của GS Đặng Hùng Võ.
Đại diện đến từ Văn Phòng Chính phủ cùng cho rằng, trong quá trình sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước theo Quyết định 09 đã có “lỗ hổng” đối với đất đai của các DN cổ phần hóa, Tcty nhà nước, đất đai nông lâm trường.
“Theo Quyết định 09, thì cơ bản việc xắp xếp đó phải hoàn thành vào 31/12/2010 nhưng đến nay mới 62%. Quyết định cũng nói rõ nếu không thực hiện sẽ không được đầu tư xây dựng, kho bạc không cấp kinh phí, người đứng đầu bị kỷ luật... nhưng thực tế các đơn vị này vẫn đầu tư xây dựng, vấn được cấp kinh phí và chẳng ai bị làm sao. Vấn đề ở đây là kỷ luật, kỷ cương tài chính...”- vị cán bộ này lưu ý khi bình luận về các giải pháp mà Bộ Tài chính đưa ra...
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, hiện các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đang quản lý, sử dụng diện tích nhà, đất rất lớn, khoảng 1,5 tỷ m2, tương đương 594.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó còn có hơn 100.000 m2 nhà với tổng giá trị khoảng 138 tỉ đồng. Xét về giá trị, số nhà đất thuộc sở hữu nhà nước tại các cơ quan, đơn vị, tập đoàn kinh tế, tcty nhà nước hiện chiếm đến 97,2% giá trị tài sản nhà nước, trong đó giá trị đất chiếm 76,2% tổng giá trị tài sản nhà nước.
Tuy nhiên, tại cuộc Hội thảo, ông Phạm Đình Cường - Cục trưởng Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính thừa nhận, NSNN thất thu một khoản lớn từ việc sử dụng không hiệu quả nguồn lực đất đai từ khu vực các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tập đoàn kinh tế, tcty nhà nước.
Thanh Thanh