Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 95-97% tổng số các công ty đang hoạt động tại Việt Nam.
Tôi khâm phục khát vọng làm giàu của Đặng Thành Tâm, Bầu Đức, Nguyên Vũ vì họ đã làm nên những thương hiệu Tân Tạo, Hoàng Anh Gia Lai, Trung Nguyên. Tôi tin, Việt Nam sẽ có thêm nhiều doanh nhân thành đạt như thế.
Ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguyên Thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nguyên Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương chia sẻ với VnExpress.net về khát vọng làm giàu của giới trẻ.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 95-97% tổng số các công ty đang hoạt động tại Việt Nam. Trong đó, chiếm tỷ lệ không nhỏ là các bạn trẻ với khí thế hừng hực làm giàu. Họ đem sự tín nhiệm của chính bản thân mình ra để kêu gọi những người cùng chí hướng lập doanh nghiệp riêng. Công ty ban đầu mới chỉ là những doanh nghiệp non trẻ nhưng dần dần họ đã tìm được chỗ đứng trên thương trường. Các bạn trẻ mới lập nghiệp có lợi thế về độ năng động, sáng tạo và thích ứng nhanh với sự thay đổi của môi trường.
Nhân đây, tôi cũng muốn chia sẻ về những tấm gương bạn trẻ không ngại khổ, ngại khó trong công cuộc mưu sinh. Có lẽ kể cả ngày cũng không hết chuyện nhưng trong số đó, tôi rất khâm phục khả năng vượt nghèo của chị Phan Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Thương mại Dịch vụ Khang Thông.
Xuất thân từ một làng quê nghèo bên dòng sông Vàm Cỏ, tỉnh Long An, cả tuổi thơ của chị là chuỗi ngày lao động vất vả. Không cam chịu cảnh nghèo khó, năm 18 tuổi, chị lên TP HCM để mưu sinh. Ít ai ngờ vị Chủ tịch HĐQT thành đạt này lại phải bắt đầu từ công việc nghề rửa bát thuê, làm tạp vụ. Lăn lộn tích góp được một chỉ vàng, chị trở về quê nhà mua lúa xay xát đem lên thành phố bán rồi mở quán ăn, rồi chuyển sang làm việc tại mỏ cát...
Đến nay chị đã làm Chủ tịch HĐQT của tập đoàn lớn, làm tổng thầu nhiều khu công nghiệp ở các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ. Không chỉ có vậy, tôi còn phục người phụ nữ này vì giàu lòng nhân ái. Tôi nghĩ không phải ai cũng sẵn sàng bỏ hàng tỷ đồng để xây nhà tình nghĩa như chị.
Hay những thương hiệu như Café Trung Nguyên, Tân Tạo, Hoàng Anh Gia Lai... cũng chẳng phải đi lên từ đôi bàn tay trắng đó sao? Tôi thực sự khâm phục khát vọng làm giàu của Đặng Thành Tâm, Bầu Đức, Đặng Lê Nguyên Vũ. Nếu không có những tháng ngày vất vả, chật vật tạo dựng thương hiệu, tôi e rằng họ đâu có ngày hôm nay. Tôi cũng hy vọng, trong một tương lai không xa, sẽ có thêm nhiều doanh nhân thành đạt trẻ tuổi như thế.
Tôi đã từng thấy nhiều bạn trẻ đau đầu vì không có vốn lập nghiệp. Vay bạn bè khó khăn, ngân hàng ngoảnh mặt, họ lâm vào tình cảnh bế tắc. Tay nghề lao động chưa cao dẫn đến năng suất và khả năng cạnh tranh rất thấp. Đó là chưa kể đến việc doanh nghiệp còn loay hoay với việc thuê mặt bằng sản xuất kinh doanh. Rồi lãi suất ngân hàng tăng cao.... Khó khăn chồng chất nhưng tôi vẫn tin những doanh nghiệp nào sáng tạo, có bản lĩnh thì vẫn có thể thành công.
So với năm 2009, tôi nghĩ cơ hội của năm 2010 và 2011 nhiều hơn vì nền kinh tế đã dần hồi phục sau cơn khủng hoảng. Tuy nhiên, thị trường không chấp nhận lối mòn, làm theo kiểu "vuốt đuôi". Các bạn trẻ cần dám nghĩ dám làm để tạo ra những sản phẩm riêng biệt.
Tom Watson, cha đẻ nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin hàng đầu thế giới IBM từng nói, bí mật về công thức của sự thành công hết sức đơn giản: nhân đôi tỷ lệ thất bại và từ đó rút ra kinh nghiệm để thành công. Tôi rất tâm đắc với câu nói này. Không ai dễ dàng chiếm lĩnh thị trường ngay mà không thất bại. Vậy thì các bạn hãy biến những thất bại đó thành thành công. Tôi vẫn tin, những ai dẻo dai có sức đàn hồi tốt với những thay đổi của thị trường thì sẽ thành công.
Theo Hoàng Lan