Theo lịch ban đầu, nội dung 1.500m sẽ thi chiều 11-5, tức hai ngày sau 3.000m vượt chướng ngại vật. Tuy nhiên không hiểu lý do gì mà ban tổ chức điều chỉnh lịch, thu hẹp khoảng cách giữa 2 nội dung từ 2 ngày xuống còn... 20 phút.
Nguyễn Thị Oanh xin hoãn lấy mẫu doping để kịp thi nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật |
Điều này gây khó cho Nguyễn Thị Oanh của Việt Nam, người đang là đương kim vô địch của cả 2 nội dung.
"Khi biết về lịch thi đấu mới, em rất bất ngờ. Nhưng biết rằng không còn cách nào thay đổi nên bản thân em xem đó là thách thức, tự nhủ phải nỗ lực hết sức để vượt qua", Nguyễn Thị Oanh chia sẻ sau khi chinh phục thành công thử thách.
Chân chạy quê Bắc Giang chia sẻ bí quyết thành công là tìm chiến thuật và phân phối sức hợp lý, đặc biệt cô gửi lời cám ơn tới ban huấn luyện, đồng đội cùng người hâm mộ trên sân đã động viên, cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh cho mình hoàn thành 2 phần thi.
Đáng chú ý, sau khi kết thúc 1.500m và đang bận rộn chuẩn bị cho phần thi 3.000m vượt chướng ngại vật diễn ra ngay sau đó, Nguyễn Thị Oanh bị yêu cầu kiểm tra doping. Tuy nhiên, Oanh đã từ chối.
"Bộ phận doping gọi em vào phòng lấy mẫu kiểm tra doping nhưng em nói họ chờ thi xong (3.000m vượt chướng ngại vật) đã. Họ đồng ý và tôn trọng vì biết em sắp phải thi nội dung tiếp theo", Oanh kể.
Kết thúc ngày thi đấu 9-5, đoàn thể thao Việt Nam có tổng cộng 39 HCV, trong đó Nguyễn Thị Oanh là cái tên nổi bật khi giành 3 HCV cá nhân. Theo đăng ký, cô còn thi nội dung cuối là 10.000m dự kiến vào chiều 12-5.
Kiểm tra doping là chuyện bình thường tại các giải đấu thể thao. VĐV sẽ bị lấy mẫu ngẫu nhiên, không theo danh sách từ trước hay được báo trước, và thường diễn ra sau khi hoàn tất phần thi.
Những môn thiên về sức mạnh, cơ bắp, tốc độ như điền kinh, bơi, cử tạ... thường bị "soi" nhiều hơn.
Các mẫu thử sau đó được chuyển tới phòng thí nghiệm để kiểm tra xem VĐV có dương tính với chất nào trong danh mục chất cấm của Cơ quan Doping thế giới hay không. Việc công bố kết quả có thể sau vài tháng tới vài năm.