Nguyễn Đức Kiên cãi tội đầy khẩu khí

Nguyễn Đức Kiên cãi tội đầy khẩu khí
(PLO) - Ngày hôm qua, Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND TP.Hà Nội tập trung xét hỏi 2 trong số 4 tội truy tố bầu Kiên là tội “Lừa đảo” và “Kinh doanh trái phép”. Phiên tòa gây chú ý bởi màn đối đáp với khẩu khí mạnh, khúc chiết và trí nhớ chính xác các quy định của pháp luật của bị cáo Nguyễn Đức Kiên. Ngược lại, không chỉ bầu Kiên mà dư luận cũng tỏ ra khá thất vọng khi các cơ quan quản lý nhà nước được triệu tập đến Tòa chưa có quan điểm về các quy định liên quan đến trách nhiệm của mình.
Bầu Kiên không nhận tội
Sáng qua, HĐXX tập trung xét hỏi bị cáo Kiên để làm rõ cáo buộc Kiên chiếm đoạt 264 tỷ đồng của Cty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát. Cáo trạng cho biết, Cty Cổ phần Đầu tư Á Châu (ACBI) do Kiên làm Chủ tịch HĐQT sở hữu sở hữu nhiều cổ phần của Cty Cổ phần Thép Hòa Phát. Sau đó, ACBI đã đem số cổ phần này thế chấp cho ACB để đảm bảo cho việc phát hành loại cổ phiếu có bảo đảm bằng tài sản. 
Trong khi đang thế chấp thì Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) và Tổng Giám đốc Cty CP Tập đoàn Hòa Phát “đánh tiếng” mua lại 20 triệu cổ phần trong đó. Các bên thống nhất giá tương ứng 264 tỷ đồng. Kiên và đồng phạm khi chưa được người quản lý tài sản thế chấp là ACB cho phép giải chấp vẫn ký hợp đồng bán.
HĐXX đã đặt nhiều câu hỏi để làm rõ vấn đề mấu chốt là Hòa Phát có biết tình trạng tài sản đang bị thế chấp hay không khi giao dịch để làm rõ Kiên có lừa đảo hay không? Tại Tòa, Kiên không chấp nhận lời khai của Hòa Phát nói không hề biết số cổ phần đang bị ACB phong tỏa: 
“Tôi không nói cổ phần bị thế chấp vì Tập đoàn Hòa Phát đương nhiên biết do ông Dương, ông Long (Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát), anh  Hà (Cty Cổ phần Thép Hòa Phát) chính là những người ký phát hành cổ phiếu cho Cty ACBI, đồng thời là người ký xác nhận việc thế chấp. Tôi, Long, Dương là bạn bè, ăn cơm với nhau hàng ngày trong 10 năm trời nên rất thân thiết, không có gì giấu giếm nhau cả. Việc hai anh nói không biết là việc của anh ấy” - bầu Kiên nói về những người bạn từng làm ăn thân thiết với nhau nay lại kiện nhau. 
Kiên còn chứng minh mình không lừa đảo qua việc chỉ đạo kế toán trưởng không tiếp tục thực hiện hợp đồng này khi biết ACB không chấp nhận giải chấp do thiếu tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, người này đã bác bỏ lời “sếp” và cho rằng phía Hòa Phát sau đó vẫn chuyển trả tiền mua theo hợp đồng là một bằng chứng cho việc không có chỉ đạo dừng. 
Mặc dù bị bạn thân thiết và thuộc cấp đổ tội cho nhưng bầu Kiên vẫn trình bày điềm tĩnh, khúc chiết, thậm chí khẩu khí có phần quân tử. Nhiều lần HĐXX đã phải tạm ngưng xét xử để nhắc Kiên không được “bày” cho HĐXX đặt câu hỏi với bị cáo khác. Có đến 2-3 lần bầu Kiên đề nghị Tòa đặt câu hỏi giúp mình làm rõ các lời khai còn mâu thuẫn của các bị cáo khác.
Cơ quan quản lý đùn đẩy trách nhiệm
Phần chiếm nhiều thời gian thẩm vấn nhất ngày hôm qua là tội “Kinh doanh trái phép” của bầu Kiên. Theo Cáo trạng, qua 6 Cty do mình thành lập, Kiên đã ký hợp đồng với ACB để kinh doanh vàng trạng thái trên tài khoản nước ngoài, góp vốn vào các công ty khác mua cổ phần. Cáo trạng cho rằng đây là kinh doanh tài chính - thứ ngành nghề mà các Cty của Kiên không được cấp phép. 
Cho rằng mình bị oan, bị cáo đã “rào trước” đề nghị HĐXX tôn trọng quyền trình bày đầy đủ ý kiến của mình trước Tòa. Tiếp ngay sau đó, bị cáo Kiên không chấp nhận HĐXX gọi đây là kinh doanh vàng trạng thái mà phải gọi là đầu tư trạng thái giá vàng và khúc chiết khẳng định: 
“Đây không phải theo ý tôi hiểu mà được quy định rõ trong Luật Đầu tư. Không có quy định của bất kỳ văn bản pháp luật nào nói đây là kinh doanh vàng. Việc có quy định này chỉ từ năm 2012 khi Ngân hàng Nhà nước ban hành nghị định về kinh doanh vàng. Trước năm 2012 đây cũng không phải là loại hàng hóa phải đăng ký kinh doanh mà đây là một sản phẩm đầu tư tài chính. Nếu Tòa cho phép tôi sẽ đọc trích dẫn những văn bản quy định này của luật pháp”. 
Đầu giờ chiều hôm qua, HĐXX đã phải triệu tập những người liên quan tới để làm rõ vấn đề này cũng như hành vi góp vốn của bầu Kiên vào các công ty khác để mua cổ phiếu có phải là hành vi kinh doanh tài chính hay không nhưng không tìm được câu trả lời thỏa đáng. 
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM và Hà Nội đều nói việc kinh doanh nào thì cũng phải phù hợp với giấy phép kinh doanh đã được cấp và doanh nghiệp được kinh doanh tất cả các ngành nghề pháp luật không cấm. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì cho biết: không thuộc thẩm quyền trả lời việc kinh doanh cổ phiếu có thuộc mã ngành đăng ký kinh doanh hay không.
Bầu Kiên tỏ ra thất vọng trước sự đùn đẩy trách nhiệm hoặc không trả lời một cách thuyết phục các nội dung nói trên. Một Luật sư tham gia vụ án này nhận định: “Các cơ quan quản lý việc cấp phép, kinh doanh mà chưa có câu trả lời sẽ gây khó cho HĐXX. Hôm nay, HĐXX triệu tập thêm Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Tổng Cục Thống kê hy vọng sẽ có câu trả lời đang vướng mắc ở phần làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo”.
Riêng bầu Kiên cho biết bị cáo đang nóng lòng chờ đợi sự có mặt của người đã 20 năm soạn Luật Doanh nghiệp là bà Phạm Chi Lan. Nhưng việc người này có đến phiên tòa hay không thì chưa chắc chắn. Hôm nay 22/5, Tòa tiếp tục phần xét hỏi.
“Ông trùm” quá sắc sảo!
Đó là nhận xét của nhiều người, trong đó có các Luật sư. Hôm qua, bầu Kiên thực sự “ghi điểm” bởi sắc sảo, uyên thâm không chỉ kiến thức trong lĩnh vực tài chính ngân hàng mà còn thuộc làu các quy định của pháp luật trong nhiều lĩnh vực đầu tư, ngân hàng và cả Bộ luật Tố tụng Hình sự. Bầu Kiên đọc vo các Điều  42, 43, 45 Bộ luật Tố tụng Hình sự để bảo vệ quyền  được trình bày đầy đủ ý kiến của mình trước Tòa. 
Cũng qua lời khai của Kiên hôm qua, một phần cuộc sống xa hoa của ông bầu bóng đá được hé lộ, rủ bạn đi nước ngoài xem bóng đá cả tháng ở nước ngoài. “Lúc đó đi nước ngoài 10 ngày, sau đó tôi đi nước ngoài lần thứ 2, đi Nga, Ukraine, đi 15-20 ngày gì đó. Tôi và Long sang châu Âu đi xem bóng đá EURO gần một tháng trời”- Bị cáo Kiên hồn nhiên kể lại tình bạn với Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát.

Đọc thêm

Bản án của 2 người đàn ông làm thuê cho "trà xanh"

Hai bị cáo tại phiên xét xử.
(PLVN) - Ngày 23/4, Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng mở phiên xét xử và tuyên phạt Lê Văn Sinh Nhật (49 tuổi, trú quận Sơn Trà) 4 năm 6 tháng tù; Nguyễn Quang Nam (29 tuổi, trú quận Cẩm Lệ) 4 năm tù cùng về tội Cố ý làm hư hỏng tài sản.

Mê cá độ đá bóng, cửa hàng trưởng "tham ô tài sản" lĩnh án

Mê cá độ đá bóng, cửa hàng trưởng "tham ô tài sản" lĩnh án
(PLVN) - Ngày 23/4, TAND tỉnh Gia Lai đã đưa 3 bị cáo gồm: Võ Thị Văn Chương (SN 1986, tại Bình Định. Trú tại thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê giữ chức vụ Kế toán kiêm thủ quỹ; Phan Hùng Thắng (SN 1976, tại Bình Định. Trú tại xã Ia Blang, huyện Chư Sê) giữ chức vụ Cửa hàng trưởng; Trần Thị Thắm (SN 1990. Trú tại thị trấn Chư Sê) giữ chức vụ Kế toán bán hàng của Công ty TNHH MTV Đ.D Chư Sê (viết tắt là Cty Đ.D), có địa chỉ tại thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, ra xét xử về tội “tham ô tài sản”.

Công an tỉnh Lai Châu phá vụ án 01 kg vàng giả

Công an tỉnh Lai Châu phá vụ án 01 kg vàng giả
(PLVN) -   Tẩn Seo Lụ đã mua thỏi vàng giả trên mạng xã hội với giá 5 triệu đồng rồi cấu kết với đối tượng Deng Fuqiang (quốc tịch Trung Quốc) lập facebook dàn dựng kịch bản để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Từ lời khai của băng cướp tiệm vàng tại Bình Dương hé lộ hậu họa từ những “nhóm kín”

Phạm Hoàng Hưng là đối tượng chủ mưu trong vụ cướp.
(PLVN) -Đối tượng Phạm Hoàng Hưng (28 tuổi, chủ mưu, trực tiếp cầm súng cướp tiệm vàng Bích Quý ở huyện Bàu Bàng) vừa bị Công an Bình Dương cùng Bộ Công an phối hợp Cảnh sát Campuchia bắt giữ tại một casino ở nước bạn. Trước đó, Nguyễn Linh Đoan (30 tuổi, quê Quảng Nam), là nghi phạm đầu tiên trong vụ cướp bị bắt giữ. Tiếp đó, Trần Quang Triệu (31 tuổi, quê Bình Định), ra đầu thú. Hiện công an tiếp tục truy bắt nghi can còn lại là Nguyễn Hoàng Nhi (ngụ Tây Ninh), nghi vấn hiện còn lẩn trốn ở Campuchia.