Nguy cơ IS trỗi dậy sau khi Mỹ rút khỏi Syria

Binh lính Mỹ ở Syria
Binh lính Mỹ ở Syria
(PLO) - Lực lượng dân chủ Syria – đối tác chính của liên minh chống khủng bố Mỹ dẫn đầu, có nòng cốt là lực lượng người Kurd – trong một tuyên bố ngày 20/12 đã cảnh báo về nguy cơ nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tái xây dựng địa bàn sau quyết định rút quân khỏi Syria của Mỹ. Nhiều chuyên gia cũng đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về viễn cảnh tương tự.

Quyết định bất ngờ

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 19/12 bất ngờ tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và ra lệnh rút quân khỏi Syria. “Chúng ta đã chiến thắng trước IS. Chúng ta đã tiêu diệt chúng. Chúng ta đã giành lại các vùng đất và giờ là lúc binh sỹ của chúng ta trở về nhà”, Tổng thống Mỹ cho biết trong một video được đăng tải trên mạng xã hội Twitter. Theo một quan chức Mỹ, quyết định của ông Trump được hoàn tất hôm 19/12. Vị quan chức này cũng xác nhận việc Mỹ sẽ rút toàn bộ các binh sỹ khỏi Syria. 

Trong tuyên bố tiếp theo được đưa ra vào ngày 20/12, ông Trump nói rằng “Mỹ không muốn trở thành cảnh sát của khu vực Trung Đông”. Theo ông Trump, việc trở thành “cảnh sát của Trung Đông” không những không mang lại lợi ích nào cho nước Mỹ mà còn khiến nước này phải đánh đổi những sinh mạng quý giá và hàng nghìn tỷ USD cho việc bảo vệ người khác. Tổng thống Mỹ cũng tuyên bố sẽ xây dựng một quân đội hùng mạnh nhất trên thế giới và IS sẽ bị tiêu diệt nếu tấn công Mỹ. 

Ngay sau tuyên bố của ông Trump, nhiều nghị sĩ Mỹ, trong đó có cả các nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa, các quan chức Bộ Quốc phòng cũng như các đồng minh quốc tế của Mỹ đã lên tiếng phản đối quyết định này. Nhiều ý kiến cho rằng, quyết định của Mỹ có thể tạo ra những chia rẽ địa chính trị lớn trong khu vực, đồng thời đẩy số phận của lực lượng người Kurd vốn đang được Mỹ ủng hộ tham gia cuộc chiến chống các phần tử thánh chiến IS vào cảnh bất định. Giới chức Anh cảnh báo rằng cuộc chiến chống các chiến binh thánh chiến ở Syria chưa kết thúc và IS hiện vẫn là một mối đe dọa dù lực lượng này có thể không chiếm giữ bất kỳ phần lãnh thổ nào. 

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Tobias Ellwood thẳng thừng hơn. Ông chia sẻ lại phát biểu của ông Trump và bày tỏ không tán thành với nhận định của Tổng thống Mỹ cho rằng các phần tử thánh chiến đã bị đánh bại tại Syria. “Chúng đã biến thành các hình thức cực đoan và mối đe dọa vẫn còn đó”, ông Ellwood nói. Theo truyền thông Anh, nước này không được thông báo về quyết định của Mỹ trước khi ông Trump tự công bố. Giới chức Đức ngày 20/12 cũng cảnh báo rằng việc Mỹ rút quân khỏi Syria có thể khiến cuộc chiến chống IS bị tụt lùi, đe dọa những thành quả đạt được ở mặt trận này. “IS đã bị đẩy lùi nhưng mối đe dọa chưa qua đi”, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cảnh báo về hậu quả từ quyết định của ông Trump. Pháp cũng khẳng định tiếp tục tham gia cuộc chiến chống IS của liên minh ở Syria.

Các nghị sỹ Mỹ cũng đã lên tiếng chỉ trích quyết định của ông Trump. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham – vốn là một đồng minh của Tổng thống – cho rằng là quyết định của ông Trump là “không khôn ngoan”, đẩy người Kurd vào nguy hiểm. “Tôi sợ rằng việc này sẽ dẫn tới những hậu quả tàn khốc đối với đất nước chúng ta, với khu vực và khắp thế giới”, bà Graham nói. Thượng nghị sỹ Marco Rubio cũng cho rằng việc Mỹ rút quân khỏi Syria là một sai lầm lớn, đồng thời cảnh báo rằng việc này sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng, vượt ra ngoài cuộc chiến chống IS. Nặng nề hơn, Thượng nghị sĩ Jack Reed của đảng Dân chủ xem quyết định của ông Trump là “sự phản bội” đối với người Kurd, là một bằng chứng nữa cho thấy Tổng thống Trump không có khả năng dẫn dắt trên vũ đài thế giới. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump

IS có thể trỗi dậy

Trong số những người bị ảnh hưởng nhất bởi quyết định rút quân của Mỹ là những chiến binh người Kurd hiện đang là xương sống của Lực lượng dân chủ Syria – lực lượng đối lập với sự hậu thuẫn của Mỹ đang chiếm giữ 1/4 lãnh thổ Syria. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan từng tuyên bố sẽ “quét sạch” các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) mà Ankara coi là một chi nhánh của lực lượng Đảng Công nhân người Kurd (PKK) vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách khủng bố. Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải thận trọng trong hành động ở Syria vì lo sợ bất kỳ tổn thương nào tới binh lính Mỹ sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng. Tới đây, những chiến binh người Kurd – những người từng ở tuyến đầu trong phong trào chống IS – được cho là sẽ chuyển trọng tâm chiến đấu nếu bị Thổ Nhĩ Kỳ tấn công.

Trong ngày 20/12, Lực lượng dân chủ Syria đã cảnh báo về nguy cơ IS tái xây dựng địa bàn sau quyết định của Mỹ. Những người chỉ trích quyết định của ông Trump cũng lưu ý việc IS đã bùng lên ở Iraq sau khi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama rút quân khỏi nước này nhằm chấm dứt việc can thiệp ở nước ngoài do người tiền nhiệm phát động. Chuyên gia Ilan Goldenberg – từng là nhà ngoại giao của Mỹ hiện làm việc tại Trung tâm an ninh Mỹ cảnh báo về khả năng một nhóm “kế nhiệm” của IS có thể cũng sẽ trỗi dậy trong thời gian tới, buộc Mỹ lại phải thực hiện một vụ can thiệp mới. “Chúng ta sẽ lại phạm phải sai lầm tương tự ở Trung Đông mà chúng ta đã tái đi tái lại trong 20 năm qua”, ông nói.

Việc Mỹ rút khỏi Syria sẽ đẩy Pháp và Anh trở thành các nước còn lại tham gia cuộc chiến tại Trung Đông. “Điều đó chắc chắn sẽ khiến châu Âu trở nên dễ bị tổn thương hơn”, cựu Thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt nhận định. Các nhà quan sát cho rằng dù IS đã mất gần như toàn bộ những khu vực từng nắm quyền kiểm soát ở Syria nhưng người ta cho rằng tổ chức này vẫn có hàng ngàn người ủng hộ vẫn đang hòa vào các nhóm dân cư ở châu Âu và có thể gây ra một vụ tấn công ở nước ngoài vào bất cứ lúc nào. 

Mỹ hiện có khoảng 2.000 binh lính ở Syria, hầu hết tham gia nhiệm vụ huấn luyện và tư vấn cho các lực lượng sở tại trong cuộc chiến chống IS. Hầu hết binh sỹ Mỹ đang đóng quân ở phía bắc Syria, một số ít đang ở Al-Tanaf, nằm ở biên giới với Jordan và Iraq. Trước đó, ông Trump đã bày tỏ hoài nghi về sự hiện diện của Mỹ ở nước này. Hồi tháng 3, Tổng thống Mỹ cho biết muốn đưa binh lính về nước sớm. Song, bản thân các chỉ huy Mỹ tại thực địa cũng bày tỏ sự ngạc nhiên và quan ngại về quyết định trên của chính phủ. Hai tuần trước, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford còn nói rằng Mỹ sẽ phải mất một thời gian dài nữa mới có thể huấn luyện các lực lượng địa phương tại Syria ngăn chặn IS trỗi dậy trở lại và ổn định đất nước.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ chức

Trong một diễn biến có liên quan, chỉ 1 ngày sau khi ông Trump công bố quyết định rút quân khỏi Syria, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã đệ đơn từ chức. Một người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết thư từ chức đã được ông Mattis đưa tận tay ông Trump vào chiều 20/12. Trong bức thư đặc biệt gửi tới Tổng thống, Bộ trưởng Mattis nói rằng ông Trump “có quyền có một Bộ trưởng Quốc phòng có quan điểm đồng điệu với quan điểm của ông hơn”. Trong thư, ông Mattis nói rằng niềm tin cốt lõi lâu nay của ông là sức mạnh của nước Mỹ có gắn bó chặt chẽ với các mối quan hệ liên minh và đối tác độc nhất và toàn diện của nước này. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng, nếu không duy trì được các liên minh đó, Mỹ sẽ không thể bảo vệ được các lợi ích của mình hay tiếp tục duy trì được vị thế một đất nước không thể thiếu trong thế giới tự do.

Trong khi đó, theo CNBC, thời gian qua, ông Trump thường chỉ trích các đồng minh của nước này như Pháp, Anh, Canada, Đức và đôi khi còn có quan điểm khác với các quan chức của chính mình. “Quan điểm của tôi về đối xử với các đồng minh một cách tôn trọng cũng như việc phải có chính sách rõ ràng với các đối thủ cạnh tranh chiến lược đã được giữ vững và nêu rõ trong 4 thập kỷ qua”, ông nói. Một quan chức cấp cao của Mỹ cho hay ông Mattis đã thông báo việc từ chức tới ông Trump trong cuộc họp diễn ra ngày 20/12. Vị này cũng xác nhận việc ông Mattis và ông Trump có quan điểm khác biệt trong một số vấn đề. Theo Tổng thống Mỹ, ông Mattis sẽ rời nhiệm sở vào cuối tháng 2/2019.

Ông Mattis là một tướng quân đội có sự nghiệp lẫy lừng kéo dài suốt 4 thập kỷ qua. Trước khi gia nhập nội các của ông Trump, Tướng 4 sao này từng là người đứng đầu Bộ chỉ huy trung tâm chỉ đạo các chiến dịch quân sự của Mỹ cũng như giám sát các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Ông đã giữ chức bộ trưởng quốc phòng Mỹ từ khi ông Trump nhậm chức. Ông này thường được xem là nhân tố có ảnh hưởng đáng kể trong Nhà Trắng. Thái độ và tư duy chiến lược giúp ông nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nghị sỹ ở cả đảng Dân chủ và Cộng hòa trong thời gian trước và cả khi làm việc ở Nhà Trắng.

Một số quan chức giấu tên Mỹ cho hay Tổng thống Trump cũng đang cân nhắc việc rút một lượng binh sĩ đáng kể khỏi Afghanistan. “Nếu ông ấy sẵn sàng rút khỏi Syria thì tôi nghĩ chúng ta cần phải nghĩ về việc liệu Afghanistan có phải là bước tiếp theo hay không”, bà Jennifer Cafarella – Giám đốc Tình  báo ở Viện Nghiên cứu chiến tranh – nhận định. 

Đọc thêm

Bangkok trở thành thành phố du lịch hàng đầu thế giới năm 2024

Bangkok trở thành thành phố du lịch hàng đầu thế giới năm 2024
(PLVN) - Thủ đô Bangkok của Thái Lan đã được Euromonitor International vinh danh là thành phố du lịch hàng đầu thế giới năm 2024, nhờ vào kỷ lục đón 32,4 triệu lượt khách quốc tế. Con số này vượt xa thành phố đứng thứ hai là Istanbul, nơi đón 23 triệu lượt khách nước ngoài.

Những ngày lễ quốc tế đáng chú ý tuần này

Những ngày lễ quốc tế đáng chú ý tuần này
(PLVN) - Tuần này đánh dấu những ngày lễ quốc tế quan trọng, nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm chung trong việc xây dựng một thế giới công bằng, tôn trọng nhân quyền và bảo vệ môi trường tự nhiên.

Trường hợp khẩn cấp, công dân Việt tại Syria nên liên hệ đường dây nóng Đại sứ quán Việt Nam

Khói bốc lên trong cuộc giao tranh tại Syria. Ảnh: IRNA/TTXVN
Đại sứ quán Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria đã đề nghị Syria cung cấp thông tin về công dân Việt Nam có khả năng đang sinh sống, làm việc tại Syria. Trong trường hợp khẩn cấp, công dân hãy liên hệ số đường dây nóng bảo hộ công dân +98 933 965 8252/+98 991 205 7570 (Whatsapp); hoặc Tổng đài Bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao: +84 981 84 84 84.

Loạt thảm kịch trên thế giới tuần qua

Loạt thảm kịch trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Thế giới chứng kiến nhiều sự kiện đáng buồn, từ thiên tai, tai nạn, hoả hoạn, đến tội ác nhằm vào nhà báo và bệnh dịch bí ẩn..., khiến hàng trăm sinh mạng bị cướp đi.

Đàm phán FTA giữa Khối EFTA và Thái Lan chính thức đặt dấu mốc

Đại diện các nước EFTA (Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sỹ) và Thái Lan họp trực tuyến về việc kết thúc việc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai bên.
(PLVN) - Ngày 29/11/2024, Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA), gồm Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ, chính thức kết thúc đàm phán với Thái Lan về Hiệp định Thương mại tự do (FTA).  Thỏa thuận này mở ra một chương mới trong quan hệ thương mại giữa hai bên, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực và mang lại những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tại cả hai khu vực.

Namibia có nữ tổng thống đầu tiên

Bà Netumbo Nandi-Ndaitwah trở thành Tổng thống thứ 5 của Namibia kể từ khi nước này giành độc lập hồi năm 1990.
(PLVN) - Ngày 3/12 (giờ địa phương), Chủ tịch Uỷ ban Bầu cử Namibia (ECN) Elsie Nghikembua thông báo, nước này đã bầu ra tân Tổng thống sau cuộc bầu cử diễn ra hôm 27/11.