- Hải Phòng xuất hiện ổ dịch cúm A (H1N1) sau nhiều tháng không có trường hợp nào nhiễm cúm. Theo đồng chí nguồn lây bệnh từ đâu?
- Năm 2009, trên địa bàn thành phố xuất hiện nhiều dịch bệnh, trong đó có dịch cúm A (H1N1). Mặc dù dịch lây lanh nhanh trong cộng đồng trên diện rộng, song nhờ làm tốt công tác giám sát, phòng, chống nên các ổ dịch nhanh chóng được bao vây, dập tắt, nên không có trường hợp nào tử vong. Nhiều tháng qua, Hải Phòng không xuất hiện ổ dịch mới và người bệnh nhiễm cúm A (H1N1). Tuy nhiên, thực tế dịch vẫn tản mát trong cộng đồng, nguy cơ bùng phát thành các ổ dịch mới tiềm ẩn nếu gặp điều kiện thời tiết thuận lợi...
Mặc dù không xuất hiện ổ dịch mới trong nhiều tháng qua, nhưng ngành Y tế không chủ quan, lơ là, tiếp tục duy trì chế độ giám sát, cập nhật thông tin về dịch cúm A (H1N1). Do đó, khi phát hiện một số học sinh lớp 4A1, Trường tiểu học Phả Lễ (Thủy Nguyên) bị sốt, có biểu hiện nghi ngờ nhiễm cúm A (H1N1), Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng thành phố phối hợp với Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, y tế địa phương sớm có biện pháp tổ chức lấy mẫu nghiên cứu dịch bệnh, giám sát, phun trừ, bao vây, dập tắt ổ dịch kịp thời. Cũng giống như các ổ dịch trước, đến nay không xác định rõ nguồn lây bệnh. Các trường hợp nghi nhiễm và nhiễm cúm A(H1N1) tại Trường tiểu học Phả Lễ được điều trị tại Khoa truyền nhiễm (Bệnh viện đa khoa Thủy Nguyên). Hiện sức khỏe các cháu ổn định, được ra viện.
Hiện Sở Y tế tiếp tục phối hợp với cơ quan thú y tổ chức lấy mẫu trên một số loại gia cầm như gà, lợn… để sớm có kế hoạch, chủ động phòng, chống lây nhiễm cúm A(H1N1) trong cộng đồng.
- Trước thông tin một số đơn vị đưa ra cảnh báo quá mức đối với dịch cúm A(H1N1). Vậy dịch cúm A(H1N1) có thực sự nguy hiểm đối cộng đồng?
- Một trong những đặc tính của dịch cúm A (H1N1) là lây lan nhanh trong cộng đồng. Mức độ nguy hiểm của dịch cúm A(H1N1) không gây những biến chứng nặng nề, nguy cơ tử vong cao như SARS, cúm gia cầm (H5N1), nhưng với phụ nữ có thai, nhất là phụ nữ mang thai ở giai đoạn 3 tháng cuối của thai kỳ, phụ nữ mới sinh, trẻ em dưới 3 tuổi và những người mắc bệnh mãn tính (bệnh tim mạch, hen, lao phổi, tiểu đường, béo phì, suy dinh dưỡng, người bệnh AIDS) là đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm cúm A (H1N1), dễ xảy ra biến chứng nặng dẫn tới tử vong.
Song với tinh thần chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để xảy ra trường hợp tử vong do cúm A(H1N1), ngành Y tế tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho nhân dân trong phòng, chống dịch bệnh, khám và điều trị kịp thời khi có biểu hiện nghi ngờ nhiễm cúm A(H1N1), đồng thời chuẩn bị cơ sở vật chất và dự phòng đủ cơ số thuốc Tamiflu cung cấp cho các cơ sở y tế điều trị những trường hợp nghi nhiễm và nhiễm cúm A (H1N1). Ngành đang đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ các liều vắc-xin tiêm phòng bệnh cúm A(H1N1).
- Xin cảm ơn đồng chí.
Hồng Dương thực hiện