Hơn tháng nay, cứ cách khoảng 2-3 ngày là ông Trần Thiên (trú xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu) lại chở chiếc máy bơm ra đồng gạn nước dưới mương cứu lúa. Do đặc thù cánh đồng này cao hơn so với mặt bằng chung, nên việc bơm nước càng vất vả hơn. “Gia đình tôi có khoảng 5 sào lúa tại cánh đồng này, dù lúa đang giai đoạn phát triển nhưng trời không mưa nên buộc tôi phải tích cực bơm nước”, ông nói.
Sau gần hai tiếng đồng hồ “đánh vật” với máy bơm giữa cái nắng chang chang, ông Thiên cũng bơm được chút nước vào ruộng. Thế nhưng nước vào từng mảnh ruộng nứt toác, khô trắng chưa kịp ngấm đã bị hơi nóng làm khô. “Nắng nóng, gió Lào gần tháng qua, cộng với việc trời không mưa, bơm được ít nước vào ruộng lúa thì cũng không thấm vào đâu, giống như muối bỏ bể. Nhưng vì bao nhiêu công sức, phân giống đã bỏ ra nên không thể bỏ không. Nếu nắng nóng cứ kéo dài như hiện nay, vụ mùa năm nay sẽ bị ảnh hưởng nặng nề”, ông Thiên lo lắng.
Các ruộng lúa xung quanh cũng trong tình trạng thiếu nước. Sốt ruột, lo lắng, nhiều hộ đã túc trực để bơm nước vào. Tuy nhiên, việc bơm nước trong thời điểm này cũng không dễ dàng khi lượng nước ở kênh càng ít dần và có nguy cơ bị nước mặn xâm nhập.
Tại khu vực huyện Hưng Nguyên, ông Nguyễn Tiến Trúc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Yên Bắc chia sẻ, việc thiếu nước khiến nhiều đồng lúa tại địa phương nứt toác đất. Các gia đình vì muốn cứu lúa đã làm nhiều cách để cải thiện tình hình như vét mương lấy nước vào ruộng, có hộ còn chở cả máy bơm ra đồng bơm nước.
Bơm nước cứu lúa tại một cánh đồng |
Không chỉ lúa, các loại hoa màu khác như ngô, lạc, đậu... cũng bị khô hạn, ảnh hưởng đến sản lượng. Ở một số nơi, nhiều cánh đồng bị bà con bỏ hoang vì không có nước gieo trồng.
Ông Nguyễn Kim Thủy, Trưởng phòng Quản lý công trình thủy lợi và nước sạch nông thôn (Chi cục Thủy lợi) cho biết, tính đến cuối tháng 6/2020, tổng diện tích lúa hè thu đã gieo cấy trên địa bàn là hơn 65 ngàn ha. Nắng nóng kéo dài, mực nước sông hồ xuống thấp khiến hơn 3,8 ngàn ha lúa bị hạn. Nếu nắng nóng kéo dài đến cuối tháng 6/2020 thì diện tích lúa bị hạn ước tính sẽ lên tới hơn 10 ngàn ha. Trong đó các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Hưng Nguyên, Nghi Lộc… sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Do tình hình nắng nóng kéo dài khiến mực nước sông Lam cũng xuống thấp khiến nhiều tuyến kênh dẫn không thể lấy được nguồn nước tưới. Hiện 97 hồ, đập lớn trên địa bàn tỉnh Nghệ An chỉ còn 40-70% dung tích thiết kế; hàng trăm hồ, đập nhỏ chỉ còn 20-50% dung tích.
Trước tình trạng nắng nóng, khô hạn như hiện nay, giải pháp trước mắt để có nguồn nước cứu lúa là nông dân cố gắng nạo vét các kênh dẫn, tận dụng tối đa nguồn nước để bơm luân phiên, dùng các máy bơm dã chiến bơm chắt những nơi nào có thể tận dụng được nguồn nước. Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền tiết kiệm nước. Các đơn vị thủy lợi, các xã sử dụng tưới tiêu hợp lý.
Với thực trạng nguồn nước hiện tại như trên và thông tin dự báo khí tượng thủy văn nắng nóng có thể kéo dài một tuần nữa, không có mưa và gió Tây Nam xuất hiện sớm; thì hạn hán nguy cơ sẽ xảy ra trên diện rộng, bất lợi cho sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt năm nay nhuận hai tháng Tư (âm lịch) nên tình trạng hạn hán được dự báo khả năng xảy ra nặng nề hơn.