Nguồn vốn nào cho cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh?

Một đoạn của cao tốc Bắc Giang – Chi Lăng (Lạng Sơn).
Một đoạn của cao tốc Bắc Giang – Chi Lăng (Lạng Sơn).
(PLVN) - Với việc hệ thống ngân hàng đang siết chặt việc cho vay thực hiện các dự án cao tốc, vốn đang là vấn đề nan giải của nhà đầu tư xây dựng cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh.

Tại sao động thổ cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh?

Dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) có chiều dài 115km, trong đó qua địa phận Lạng Sơn dài 52km, địa phận Cao Bằng dài 63km. Dự án vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là dự án đối tác công tư- PPP, tổng vốn thực hiện 20.939 tỷ đồng. 

Theo UBND tỉnh Cao Bằng, dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có ý nghĩa chính trị, xã hội quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cao Bằng. Bên cạnh đó, dự án thực hiện sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải kết nối trung tâm kinh tế, chính trị với các tỉnh miền núi phía Đông Bắc, các khu kinh tế, khu du lịch quốc gia, khu công nghiệp, phục vụ cho mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.

Qua theo dõi của PLVN, khoảng 2 năm qua, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng đã rất sốt sắng và trách nhiệm, cùng với Tập đoàn Đèo Cả chuẩn bị dự án. Dù còn nhiều thủ tục chưa hoàn thành, nhưng mới đây, UBND tỉnh Cao Bằng vừa phối hợp với Tập đoàn Đèo Cả tiến hành động thổ tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh.

Như vậy có thể ngầm hiểu, nhà đầu tư (NĐT) dự án sẽ là Tập đoàn Đèo Cả dù thủ tục đấu thầu chưa được thực hiện. Nói về điều này với PLVN, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cho biết, do 2 tiểu dự án kết nối với cao tốc đã đủ điều kiện khởi công nên trong ngày khởi công 2 dự án kết nối đã thực hiện động thổ tuyến cao tốc. “Đây mới chỉ là động thổ chứ không phải khởi công”, ông Hoàng nói.

Theo ông Hoàng, sau nghi thức động thổ sẽ tạo điều kiện tốt hơn thực hiện các bước tiếp theo như giải phóng mặt bằng, triển khai các đường công vụ kết nối… “Động thổ xong để làm công tác chuẩn bị là chính”, ông Hoàng nói và cho biết, do đây là dự án PPP nên thủ tục đấu thầu sẽ vẫn được triển khai bình thường.

“Không phải cứ đấu thầu là tìm được NĐT tham gia, như dự án cao tốc Bắc – Nam có những đoạn không tìm được NĐT nào”, ông Hoàng ví dụ với ý rằng dù có đấu thầu thì Đèo Cả nhiều khả năng sẽ vẫn là NĐT dự án?

Cũng theo Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, hiện dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh đang được tỉnh Cao Bằng lập F/S (nghiên cứu khả thi), phải mất ít nhất 6 tháng nữa mới xong thủ tục này. Sau đó mới đến bước thu xếp vốn…

Vốn đâu để thực hiện dự án? 

Tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh thực sự là mơ ước bấy lâu nay của nhân dân tỉnh Cao Bằng và một phần người dân tỉnh Lạng Sơn. Khi đường này hoàn thành, tuyến cao tốc sẽ thông suốt từ cửa khẩu Trà Lĩnh xuống đến Thủ đô, rút ngắn thời gian từ Cao Bằng về Hà Nội.

Việc Tập đoàn Đèo Cả xung phong là NĐT của dự án nhận được nhiều lời khen ngợi và cảm ơn của người dân địa phương hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Rõ ràng, việc làm đường cao tốc băng qua núi non hiểm trở không phải doanh nghiệp nào cũng dám làm như Đèo Cả.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận vào thực tế là vốn đâu để thực hiện dự án trong bối cảnh hệ thống ngân hàng đang siết việc cho vay xây dựng cao tốc và vốn chủ sở hữu của Đèo Cả không phải dồi dào?

Theo phê duyệt của Chính phủ, cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh có suất đầu tư là hơn 20.000 tỷ đồng. Như vậy, dù thực hiện dự án theo hình thức PPP thì NĐT ít nhất phải thu xếp được khoảng 10.000 tỷ đồng (cả vốn chủ sở hữu - ít nhất 20% và vốn tín dụng). Trong bối cảnh như hiện nay, việc xoay xở được số vốn lớn như vậy là khó khăn.

Nguyên nhân là do nhiều ngân hàng cho vay để thực hiện cao tốc hiện đã gần chạm đến hạn mức cho phép. Trong khi đó, nhiều dự án BOT trước đó vay vốn ngân hàng đang làm ăn không hiệu quả, khiến vốn cho vay BOT của một số ngân hàng không thể thu hồi theo kế hoạch, nhiều nợ có nguy cơ thành nợ xấu. Ngoài ra, hiện Bộ GTVT đang thực hiện 5 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông nhưng NĐT đang rất khó tiếp cận vốn vay tín dụng, đến mức dự án thành phần Nghi Sơn – Diễn Châu không tìm được NĐT.

Một thực tế khác, hiện nay Tập đoàn Đèo Cả vẫn chưa thực hiện xong dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn khi 43km đoạn Chi Lăng – Hữu Nghị chưa được triển khai. Vốn đoạn này khoảng 7.600 tỷ đồng. Nguyên nhân chính khiến đoạn này chưa thể thực hiện là NĐT chưa thể thu xếp vốn. Mới đây, Chính phủ cũng phải chuyển hình thức đầu tư đoạn tuyến này thành đầu tư PPP.

Như vậy có thể thấy, dù cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh đã được động thổ, nhưng giấc mơ bấy lâu nay của người dân Cao Bằng về tuyến cao tốc nối thẳng với Thủ đô không biết khi nào mới thành hiện thực? 

Đọc thêm

Hàng không tăng hơn 3.000 chuyến bay phục vụ Tết

Hàng không tăng hơn 3.000 chuyến bay phục vụ Tết
(PLVN) - Vietnam Airlines Group (gồm các hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) sẽ cung ứng thêm hơn 650.000 ghế, tương đương hơn 3.000 chuyến bay trên các chặng bay nội địa Việt Nam trong giai đoạn từ ngày 13/1 đến 12/2/2025 (tức 15 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến 15 tháng Giêng năm Ất Tỵ).

Tìm kiếm 2 nạn nhân rơi theo xe rác xuống sông

Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực tìm kiếm 2 người trên xe chở rác mất tích khi rơi xuống sông.
(PLVN) - Chiều 21/11, lực lượng chức năng huy động tối đa lực lượng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn vụ ô tô chở rác đâm lan can cầu treo Bình Thành (Thừa Thiên Huế) rồi lao xuống sông khiến hai người mất tích.

Dựng barie chắn ngõ nhỏ tại Hà Nội: Cần xử lý hợp tình, hợp lý

Barie chắn đầu ngõ 126 Thượng Đình giờ cao điểm. (Nguồn: MXH)

(PLVN) - Trong giờ cao điểm, nhiều người tận dụng những ngõ nhỏ giao cắt làm đường tắt để rút ngắn thời gian di chuyển nhưng chính hành động này không chỉ gây phiền toái cho người dân sống trong các ngõ nhỏ mà còn trực tiếp gây ùn tắc giao thông, gia tăng khó khăn cho lực lượng Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ phân luồng, điều tiết.