Tăng trưởng cao và ổn định
Chủ trì phiên họp với các sở, ban, ngành mới đây, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho biết, cùng với khó khăn chung của cả nước, năm 2022 tiếp tục là một năm cực kỳ khó khăn của Vĩnh Phúc khi dịch COVID-19 diễn ra phức tạp ngay sau thời điểm Tết Nguyên đán; giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao; thời tiết diễn biến bất thường...
Song, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Vĩnh Phúc đã kịp thời triển khai thực hiện nhiều nhóm giải pháp đồng bộ để nhanh chóng khắc phục các khó khăn, đồng thời thực hiện hiệu quả “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ”. Nhờ vậy, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có bước phát triển khá. Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản cơ bản duy trì ổn định; sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao, tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh; các ngành dịch vụ phục hồi mạnh mẽ; an sinh xã hội được bảo đảm; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Đặc biệt các chỉ số kinh tế có nhiều khởi sắc, 17/17 chỉ tiêu đạt và vượt nghị quyết HĐND tỉnh giao. Trong đó, nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,54%, là mức tăng cao nhất trong 5 năm gần đây, vượt xa chỉ tiêu chung của toàn quốc và chỉ tiêu của HĐND tỉnh giao. Với kết quả này, Vĩnh Phúc nằm trong Top các tỉnh có chất lượng tăng trưởng ổn định và cao của cả nước…
Ông Thành nhấn mạnh: “Quan trọng hơn là Vĩnh Phúc vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định trong nghiều năm, suốt trong thời kỳ chống dịch. Thực tế có những địa phương tăng trưởng cao hơn, nhưng có sự trồi - sụt, Với kinh nghiệm trong điều hành, chúng tôi cho rằng duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định là một trong những nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, bởi một nền kinh tế trồi - sụt sẽ biến động đến đời sống xã hội rất nhiều…”.
Cùng với đó, GRDP bình quân đầu người và thu nhập bình quân đầu người trong năm 2022 của Vĩnh Phúc cùng đứng thứ 9 toàn quốc.
Đặc biệt thu ngân sách của tỉnh cán mốc mới, vượt mốc 40 ngàn tỷ đồng, đạt mục tiêu của nhiệm kỳ. Cơ cấu thu chủ yếu từ sản xuất đạt trên 80%, chi ngân sách đạt mục tiêu đề ra;. Cơ cấu tín dụng chủ yếu cho vay sản xuất; nợ xấu chiếm 0,71% tổng dự nợ…
Tháo gỡ nhiều “điểm nghẽn” cho sản xuất kinh doanh
Lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định năm 2022 là năm tỉnh tập trung tháo gỡ những “điểm nghẽn”, khơi thông các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt tháo gỡ nút thắt về đất đai, tăng cường giải phóng mặt bằng, cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp… Có những việc tồn đọng hàng chục năm nay đã được tháo gỡ trong năm 2022. Trong đó nổi bật nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Sau 2 năm Vĩnh Phúc đã giải phóng trên 2.000ha đất tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án.
Đặc biệt, năm 2022, cải cách hành chính thực sự đi vào chiều sâu (Chỉ số PCI xếp thứ 5, Chỉ số Par- Index xếp thứ 5, chuyển đổi số xếp thứ 12… toàn quốc), là một trong 3 địa phương được VCCI tặng giải thưởng địa phương xuất sắc trong khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo năm 2022.
Cùng với đó, thu hút đầu tư đạt kế hoạch đề ra ở mức cao, sau 2 năm đạt 1,6 tỷ USD, gần đạt mục tiêu của cả nhiệm kỳ (từ 2 - 2,5 tỷ USD).
“Chỉ tiêu thu ngân sách năm 2022 rất đáng lo, nhưng đến giờ phút này phải khẳng định không phải xấp xỉ 40 nghìn tỷ đồng nữa mà phải quyết liệt các giải pháp để đạt được 40 nghìn tỷ đồng…” - ông Lê Duy Thành quả quyết.
Theo ông Thành, trong 40 nghìn tỷ đồng trên, tỷ lệ thu thuế nội địa của Vĩnh Phúc đạt trên 33 nghìn tỷ đồng. Nếu phân tích kỹ về cơ cấu thu, thì thu từ SXKD là trên 80%.
“Quan điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh là không khuyến khích tăng quá cao nguồn thu từ đất, tài nguyên, môi trường. Mặc dù thu ngân sách chỉ đạt 40 nghìn tỷ đồng nhưng chúng tôi rất tự hào vì thu từ SXKD của chúng tôi đạt 80 - 90%…” - Chủ tịch Lê Duy Thành nói.
“Có rất nhiều việc Vĩnh Phúc đã làm được trong năm 2022 nhưng vẫn còn rất nhiều việc Vĩnh Phúc cần tiếp tục tháo gỡ trong năm 2023 với tinh thần khẩn trương, quyết liệt hơn, tạo thuận lợi hơn nữa cho SXKD… Bởi nguồn thu từ SXKD mới là nguồn thu bền vững…” - Chủ tịch Lê Duy Thành khẳng định với PLVN.
Trong năm 2022, Vĩnh Phúc đã ban hành 44 cơ chế, chính sách; trong đó chủ yếu các cơ chế, chính sách thúc đẩy nâng cao đời sống, thu nhập và phúc lợi cho nhân dân; các chính sách rất sát, đúng và hướng tới người dân (nghị quyết về giáo dục, y tế, văn hoá và con người Vĩnh Phúc).
Đổi mới công tác đánh giá cán bộ, Vĩnh Phúc đã phân công, phân quyền, giao nguồn lực, gắn trách nhiệm với người đứng đầu cơ quan, tổ chức; thực hiện giao việc và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm đối với 43 người đứng đầu các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc Tỉnh ủy; MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; các sở, ban, ngành; Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố đã tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức, trách nhiệm và mang lại hiệu quả cao.