Người Việt ở đâu cũng hướng về quê nhà đang “bịnh”

Mong sớm gặp lại những nụ cười sau dịch bệnh
Mong sớm gặp lại những nụ cười sau dịch bệnh
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những ngày này, không chỉ trong nước mà người Việt khắp nơi trên thế giới đều hướng về nguồn cội. Trong khả năng của mình, ai cũng làm một điều gì đó thiết thực cho đồng bào mình khi khó khăn, hoạn nạn. Dù là ở bên kia bán cầu nhưng dường như họ vẫn luôn gần ở bên khi cần, giản dị như lo cho người thân của mình vậy…

Câu chuyện vaccine

Giáo sư Y khoa Nguyễn Văn Tuấn - Đại học New South Wales, người gốc Việt đầu tiên được bầu vào Viện Hàn lâm Y học Úc, chia sẻ câu chuyện về việc “chờ vaccine”. Ông kể, bạn tôi ở Việt Nam mới hỏi rằng anh có nên chờ vaccine Pfizer, tôi trả lời ngay “không nên chờ”. “Chờ vaccine xịn an toàn hơn không?”, anh hỏi. Tôi nói: “Những vaccine như AstraZeneca, Moderna và Pfizer đều rất an toàn”.

Anh sau đó dường như vẫn lăn tăn. Anh có thể chưa hoàn toàn an tâm, như tâm lý tôi đang thấy ở một số người. Một số bạn bè, người quen ở Việt Nam cho tôi biết, có những người trong cộng đồng đang nói với nhau rằng vaccine Pfizer và Moderna đắt tiền hơn, có hiệu quả cao hơn AstraZeneca. Nhất là họ cho rằng, AstraZeneca có lẽ ít an toàn, gây nhiều phản ứng không mong muốn. Và vì thế, có người đã hoãn tiêm AstraZeneca mặc dù họ trong nhóm được tiêm. Các bạn nên tiêm một trong ba loại vaccine hiện nay khi có cơ hội. Đừng chần chừ hay tìm cách hoãn tiêm, đừng chờ vaccine “xịn”. Đơn giản vì không có khái niệm “vaccine xịn” và không thể so sánh hiệu quả giữa các vaccine.

Một bộ phận công chúng nghĩ rằng Pfizer và Moderna hiệu quả cao hơn AstraZeneca. Kết quả nghiên cứu công bố trên các tập san y khoa cho thấy vaccine Pfizer hiệu quả 95%, Moderna 94%, và AstraZeneca 72%. Như tôi đã giải thích, khi nói vaccine có hiệu quả 90% thì điều đó không có nghĩa là giảm 90% số ca nhiễm mà là: người được tiêm đầy đủ giảm 90% nguy cơ nhiễm.

Nhưng các bạn có thể dựa vào đó mà nói rằng AstraZeneca hiệu quả thấp nhất hay không “xịn” bằng vaccine của Mỹ? Câu trả lời dứt khoát là “không”. Có rất nhiều lý do không thể so sánh hiệu quả các vaccine như vậy. Đơn cử, ngay trong cùng một trường dữ liệu, hai mô hình phân tích có thể cho ra hai kết quả khác nhau. Và tỷ lệ nhiễm virus rất khác biệt giữa các quần thể thử nghiệm - yếu tố ảnh hưởng đến sự khác biệt về hiệu quả vaccine. Số ca nhiễm khác nhau dẫn đến kết quả và độ tin cậy cũng khác nhau.

Tóm lại, dữ liệu từ nghiên cứu hiện nay không cho phép chúng ta kết luận vaccine nào hiệu quả hơn hay vaccine nào hiệu quả thấp. Mỗi người chẳng hưởng nhiều lợi ích từ mũi tiêm vaccine, nhưng qua việc tiêm chủng, mỗi chúng ta đóng góp cho cộng đồng để tạo nên miễn dịch cộng đồng. Đó là ý nghĩa đích thực của chiến dịch tiêm chủng, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh.

Và thời gian này, khi dịch bệnh bùng phát thì nhiều người thay vì e sợ đã “nóng lòng được tiêm”. Ở một góc độ khác, nói về câu chuyện công bằng tiêm vaccine, bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội cũng chia sẻ: “Người bạn mới nhờ tôi tìm chỗ tiêm vaccine Covid-19 dịch vụ. Bạn nói, “rất nóng lòng được tiêm cho cả gia đình, gồm bố mẹ già mắc bệnh nền, hai vợ chồng, hai đứa con đang học phổ thông”. Và rằng chấp nhận bỏ ra cả chục triệu để tiêm dịch vụ.

Người quen khác, trước đó đã va phải F1, tự cách ly tại nhà. Anh sợ ngày nào đó phải cách ly tập trung và dễ bị lây nhiễm. Anh đang tìm chỗ tiêm cho cả gia đình mình và sếp. Người bạn khác có con gái đang theo chương trình du học ở Mỹ, giờ bắt buộc phải tiêm vaccine để bay sang học tiếp, cũng nhờ tôi trợ giúp.

“Hãy chờ đợi vaccine của Chính phủ theo chương trình đại trà”, tôi khuyên. Tôi lấy ví dụ để bạn hiểu. Mỗi khi đi máy bay, tiếp viên sẽ giới thiệu với bạn cách xử trí trong tình huống khẩn cấp. Một trong những chi tiết rất quan trọng là khi áp suất trong khoang máy bay giảm đột ngột, mặt nạ dưỡng khí rơi xuống, nếu đi cùng trẻ em, bạn phải đeo mặt nạ dưỡng khí cho mình trước rồi mới đeo cho trẻ. Nguyên tắc xử lý trong chăm sóc hỗn loạn đòi hỏi người khỏe nhất phải bảo vệ mình rồi mới có thể giúp người yếu hơn. Khi đó, cả hai cùng có cơ hội an toàn.

Bởi thế, theo bác sĩ Phúc, công bằng ở đây chính là thứ tự ưu tiên, cách chia phần để thoát khỏi thảm họa ít thiệt hại nhất. Lợi ích mà cộng đồng nhận được, dù có nhiều người sẽ được tiêm sau, là sự bảo toàn được lực lượng tuyến đầu, giữ được thành trì chống dịch, tiết kiệm nguồn lực, qua đó giúp ổn định tâm lý và an sinh xã hội. Công bằng cũng thể hiện trong khâu tổ chức tiêm. Các bước từ đăng ký tiêm đến phê duyệt,... phải sắp xếp đảm bảo an toàn, trật tự, tôn trọng phẩm giá con người. Tôi muốn nhấn mạnh đến phẩm giá con người bởi vì đâu đó trong dịch bệnh đã xuất hiện những “tội đồ” mà thực chất họ chỉ là nạn nhân của Covid-19.

“Ơn nghĩa này không biết bao giờ trả hết”

Hacker Dương Ngọc Thái có lẽ là cái tên quen thuộc với cộng đồng mạng Việt Nam. Xuất thân từ một xóm nghèo tại quận 4, TP Hồ Chí Minh nhưng với tinh thần cầu tiến, quyết tâm và đam mê, anh Thái hiện đang là Kỹ sư bảo mật cấp cao của Google, một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới.

Anh chia sẻ những ân tình, cảm động khi đứng ra quyên góp tiền hỗ trợ đồng bào trong tâm dịch Sài Gòn. Không chỉ người Viêt mà bạn bè quốc tế đều sẵn lòng chia sẻ: “Khi chúng tôi quyên góp giúp bà con Sài Gòn đang khó khăn, bất ngờ nhất là tiền đến từ khắp nơi trên thế giới. Trong bảy ngày, nhóm người Việt chúng tôi ở Thung lũng Silicon, Mỹ đã quyên góp được 114 nghìn USD và 84 triệu đồng để gửi về Sài Gòn.

Trang, “tay hòm chìa khóa” của nhóm bảo, ngày nào mở mắt dậy kiểm tra tài khoản, khóe mắt cũng cay cay. Bà mẹ của ba đứa con nhỏ vẫn luôn trực chiến theo dõi tiến độ, trả lời e-mail, gửi hóa đơn đóng góp cho các nhà hảo tâm. Vì phần lớn tiền đóng góp được đối ứng bởi các công ty, mất một thời gian mới được giải ngân, Trang lấy tiền nhà ra ứng trước “để gửi về Việt Nam cho kịp”.

Anh Bình, chủ xị dự án, sửa tới sửa lui lời kêu gọi quyên góp sao cho thật chân thành và tường minh mới chịu. Khi đăng lên mạng xã hội, có người nhắn ngay “ai viết mà dễ thương quá vậy?”. Người đàn ông trung niên này đã rời Sài Gòn du học mấy chục năm trước, nhưng nhìn cách anh ấy tìm kiếm, kêu gọi, rồi cảm ơn từng người đóng góp mới thấy dù ở đâu, làm gì, anh vẫn là người Việt.

“Năm ngoái, dù phải sống trong nhà mấy tháng trời vì “bão Covid” ở Mỹ, chúng tôi vẫn tổ chức quyên góp ủng hộ những người bán hàng rong, thầy, cô giáo và nạn nhân bão lụt miền Trung. Các chị em còn tổ chức nấu ăn từ thiện, bán được bao nhiêu tiền gửi hết cho Việt Nam, còn bỏ thêm tiền túi. Lần này, chúng tôi đặt mục tiêu quyên góp 24 nghìn USD, tương đương với 3.000 phần quà, mỗi phần dự kiến gồm 5 cân gạo, một chai dầu ăn, một chai nước mắm và một lốc cá hộp.

Thế rồi, tổng cộng hơn 500 người đóng góp, trong đó có những người bạn, đồng nghiệp không “dây mơ rễ má gì” với Việt Nam. “Là người con Sài Gòn, tôi có cảm giác như chính gia đình mình gặp đại họa để rồi bao nhiêu người dưng nước lã nhào vào, mỗi người phụ một tay. Ơn nghĩa này không biết bao giờ mới trả hết”, Thái cảm động bày tỏ.

Trang nói sau đợt này phải viết lời cảm ơn “thật đàng hoàng” gửi những người đã đóng góp, trong đó có nhiều người chưa từng đến Việt Nam. “Và từ bên kia địa cầu, chúng tôi phải cảm ơn những người Sài Gòn đang hy sinh tự do cá nhân và sinh kế vì cái chung. Những người dân lam lũ nhận món quà nhỏ bé của chúng tôi kỳ thực chính là người đã đóng góp lớn nhất. Chính họ nhắc nhở chúng tôi, những đứa con xa nhà, về một Sài Gòn luôn “bao” thương”, Thái viết.

Và ở Việt Nam, trong một nhóm Facebook có tên “Giúp nhau mùa dịch” (đã có tới hơn 235.000 thành viên). Người cần giúp, chủ yếu là kêu cứu vì tình trạng sức khỏe của người thân chuyển biến xấu. Người có khả năng giúp, chủ yếu là các y, bác sĩ, dược sĩ và cả các chuyên gia tâm lý. Họ tư vấn các phương pháp nhận biết phân biệt bệnh nhân nhiễm Covid-19 hay bệnh khác. Họ tư vấn cách sơ cứu, các thuốc hỗ trợ hô hấp hiệu quả, cách tăng sức đề kháng, hoặc sẵn sàng làm dịu cơn căng thẳng, sợ hãi.

Ở đó, có rất nhiều cảnh ngộ khó khăn cần giúp đỡ vật chất, cũng nhiều không kém là những bàn tay sẵn sàng trao đi những món quà. Trong đó, thật đặc biệt xúc động với một chia sẻ tìm người tặng sữa của một bà mẹ. Chị sinh con được hơn 2 tháng, khỏe mạnh và chị muốn “gửi tặng ít sữa mẹ đến các bé đang cần”. Kèm bài viết là ảnh những bịch sữa căng đầy, được gói vô trùng, để thùng mát cẩn thận. Chưa tới 1 giờ sau bài đăng, người mẹ ấy thông báo đã hết sữa có thể tặng. Và không dừng lại ở đó, hàng trăm bà mẹ khác, những người nhiều sữa và nhiều hơn cả là tình yêu thương trong khó khăn hoạn nạn.

Người Việt mình ở đâu cũng vậy, luôn bên nhau, đùm bọc và kiên cường đến rưng rưng như thế! Sức mạnh ân tình ấy, cho chúng ta những ngày sống đẹp, như chúng ta được nhận những món quà khi trao đi những yêu thương, những chan chứa vì nhau. Vì một ngày mai đẩy lùi dịch bệnh…

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.