Ngày 12/1, Hương, 29 tuổi, ở Hà Nội cùng anh trai đi ô tô về thăm bố mẹ tại phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Sau khi test nhanh âm tính và được xác định "đến từ vùng có nguy cơ", Hương được trung tâm y tế phường yêu cầu cách ly 7 ngày tại phòng riêng, không được tiếp xúc với người thân và phải ký bản cam kết thực hiện cách ly cho người tiếp xúc gần F1.
"Họ nói, nếu gia đình không đủ điều kiện cách ly tại nhà (không có phòng riêng) sẽ phải đi cách ly tập trung", Hương kể và cho biết thêm, trước khi về cô đã hỏi rõ các quy định phòng dịch tại phường, thậm chí gọi điện thoại đến đường dây nóng của Sở Y tế tỉnh và được trả lời "thực hiện như hướng dẫn phòng dịch hiện hành của tỉnh".
Theo tìm hiểu của Hương, những người đến/về Ninh Bình phải khai báo y tế, thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, làm xét nghiệm và có kết quả sàng lọc SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh âm tính với COVID-19, sẽ được trở về gia đình.
"Nhưng không có văn bản nào quy định người về từ nơi cấp độ 3 (vùng cam), đã tiêm đủ hai mũi vaccine, có test nhanh âm tính sẽ phải cách ly như F1 - người tiếp xúc trực tiếp với F0", Hương nói và tỏ ra không thể hài lòng với sự thiếu đồng bộ giữa công văn chỉ đạo của tỉnh và cấp xã, phường. Hiện, cô làm việc online tại nhà và đếm từng ngày đến ngày giải tỏa cách ly.
Bản cam kết cách ly tại nhà đủ 7 ngày khi trở về từ quận cấp độ 3 của Hà Nội, được Hương ký hôm 12/1. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
"Không phải tất cả những người về từ Hà Nội đều phải cách ly y tế. Khi về, người dân phải xuống trạm y tế phường để khai báo, căn cứ vào điều kiện thực tế về nơi điểm, tiêm vaccine sẽ có các quy định cụ thể", lãnh đạo UBND phường Thanh Bình trả lời phóng viên VnExpress sáng 17/1.
Khi được hỏi về trường hợp của Mai Hương và một số người khác, khi từ một quận vùng cam ở Hà Nội về quê phải cách ly như F1 dù không có cơ sở nào cho thấy họ đã tiếp xúc với F0, lãnh đạo phường nói sẽ rà soát và thông tin sau.
Lo sợ phải cách ly, vợ chồng chị Minh Thuỳ, 40 tuổi, trú tại huyện Mê Linh cũng chưa dám về. Dò hỏi, chị biết người ở nơi cấp độ 2 (vùng vàng) và cấp độ 3 (vùng cam) về huyện Gia Viễn phải cách ly tại nhà 7 ngày, dù có kết quả test nhanh hoặc PCR âm tính trong 72 giờ.
"Nhưng muốn biết chắc chắn tôi vẫn phải về tận xã, nên gia đình dự tính sát tết được nghỉ thì về cách ly luôn, còn giờ thì không dám liều", chị Thuỳ nói.
Không chỉ chị Thuỳ, nhiều người khác cũng bày tỏ sự hoang mang khi trong cùng tỉnh, quy định phòng dịch mỗi nơi một khác. "Thiếu tính đồng bộ và nhất quán khiến người dân xa xứ phải dè chừng", người phụ nữ 40 tuổi than thở.
"Chúng tôi không có quy định cách ly người về từ Hà Nội. Khi về địa phương người dân chỉ cần khai báo với trung tâm y tế phường và có kết quả test nhanh âm tính sẽ được về nhà theo dõi sức khoẻ. Chỉ người có kết quả dương tính mới phải cách ly", ông Đinh Văn Thứ, Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình, nói.
Theo ông Thứ, với người lưu trú dài ngày, cứ hai ngày sẽ được yêu cầu test nhanh một lần cho đến ngày thứ 7, để theo dõi sức khoẻ, đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, các quy định với người về từ vùng dịch của Ninh Bình liên tục thay đổi khiến người xa quê mệt mỏi. Ngày 16/12, tỉnh này ra văn bản cách ly tạm thời người đến từ Hà Nội, nhưng một ngày sau đã thu hồi. Thay vào đó là quy định yêu cầu người từ Hà Nội và một số tỉnh có nguy cơ cao khi đến địa phương cần khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm phù hợp với các vùng dịch tễ. Những trường hợp xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 48h hoặc có hộ khẩu tại Ninh Bình đi và trở về trong ngày không cần xét nghiệm.
Đến ngày 15/1, tỉnh tạm dừng hoạt động các chốt kiểm soát dịch, với người và phương tiện vào Ninh Bình, thực hiện phòng chống dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.
"Bỏ chốt nhưng nhập nhằng trong quy định cách ly cũng chẳng khác gì. Mỗi lần về tôi lại hoang mang về các quy định", Tùng, anh trai Hương, thở dài.
Anh Tùng khẳng định bản thân và gia đình luôn tuân thủ tuyệt đối các quy định cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế hoặc của tỉnh. Nhưng cần có sự đồng nhất, mạch lạc, tránh gây phiền nhiễu cho người dân.
"Nếu biết trước phải cách ly tại nhà 7 ngày tôi sẽ sắp xếp công việc để về, thay vì bị ép buộc ở nhà như hiện tại. Còn giờ đã ký cam kết ở nhà, nếu trốn đi chẳng khác nào tôi đang phạm luật", chị Hương thở dài.
Ngày 17/1, trong hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 128 về "thích ứng an toàn", Bộ Y tế yêu cầu các địa phương không chỉ định xét nghiệm với việc đi lại của người dân; chỉ xét nghiệm với người từ địa bàn dịch cấp độ 4 (vùng đỏ, nguy cơ rất cao), hoặc vùng phong tỏa, trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ từ địa bàn có dịch cấp độ 3 (vùng cam, nguy cơ cao).
Theo luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng luật sư Chính Pháp, việc cách ly y tế có thể được thực hiện tại nhà hoặc cách ly tập trung, những phải phù hợp với văn bản của chính phủ, phù hợp với luật do Quốc hội ban hành. Nếu địa phương tự đưa ra quy định về phòng chống dịch bệnh không phù hợp với văn bản của trung ương, người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm, nếu gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng, sức khỏe của người dân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật
"Trường hợp địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh một cách cực đoan, không tuân thủ quy định pháp luật, người vi phạm sẽ bị kỷ luật, bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự", luật sư Cường nhận định.