Luật sư Bùi Đức Nhã - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Tại khoản 1 Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 quy định nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau: Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Theo quy định nêu trên, thì khi đến hạn trong hợp đồng vay thì bên vay có nghĩa vụ trả đủ tiền gốc và lãi suất theo thỏa thuận của hai bên trong hợp đồng vay.
Trường hợp nếu bên vay không thực hiện hoặc không thực hiện đúng nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng vay thì bên nhận thế chấp (tức ngân hàng) có quyền yêu cầu bên thế chấp giao tài sản đó cho mình để xử lý tài sản thế chấp theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành.
Bên cạnh đó, quyền của bên nhận thế chấp được quy định cụ thể tại Điều 323 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau: Xem xét, kiểm tra trực tiếp tài sản thế chấp, nhưng không được cản trở hoặc gây khó khăn cho việc hình thành, sử dụng, khai thác tài sản thế chấp.
Yêu cầu bên thế chấp phải cung cấp thông tin về thực trạng tài sản thế chấp. Yêu cầu bên thế chấp áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo toàn tài sản, giá trị tài sản trong trường hợp có nguy cơ làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản do việc khai thác, sử dụng.
Thực hiện việc đăng ký thế chấp theo quy định của pháp luật. Yêu cầu bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản thế chấp giao tài sản đó cho mình để xử lý khi bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
Giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác. Xử lý tài sản thế chấp khi thuộc trường hợp quy định tại Điều 299 của Bộ luật này.
Như vậy, bên nhận thế chấp có các quyền theo căn cứ nêu trên. Theo đó, bên ngân hàng sẽ có quyền xử lý tài sản thế chấp của bạn khi: Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bạn không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Bạn phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thoả thuận hoặc theo quy định của luật. Trường hợp khác, do các bên thoả thuận hoặc luật có quy định.
Tiếp đó, trường hợp đã đến hạn thực hiện trả tiền theo hợp đồng vay mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện nghĩa vụ không đúng thoả thuận thì tài sản thế chấp được xử lý theo phương thức do các bên đã thoả thuận hoặc được bán đấu giá theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ. Bên nhận thế chấp được ưu tiên thanh toán từ số tiền bán tài sản thế chấp.
Tiền bán tài sản thế chấp được sử dụng để thanh toán nghĩa vụ cho bên nhận thế chấp sau khi trừ chi phí bảo quản, bán tài sản và các chi phí cần thiết khác có liên quan để xử lý tài sản cầm cố. Trong trường hợp nghĩa vụ được bảo đảm là khoản vay thì thanh toán cho bên nhận thế chấp theo thứ tự nợ gốc, lãi, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại nếu có. Nếu tiền bán còn thừa thì phải trả lại cho bên cầm cố. Nếu tiền bán còn thiếu thì bên thế chấp phải trả tiếp phần còn thiếu đó.
Theo đó, nếu khi đến hạn trả nợ trong hợp đồng vay mà bạn không có khả năng trả nợ thì tài sản thế chấp sẽ được xử lý như trên. Trong trường hợp sau khi đã xử lý tài sản thế chấp mà giá trị tài sản thế chấp nhỏ hơn giá trị tài sản vay thì bên cho vay có quyền yêu cầu bạn thanh toán nốt phần còn thiếu.
Nếu bạn không thực hiện thì họ có quyền làm đơn khởi kiện ra Tòa án yêu cầu bên vay trả nợ. Khi có bản án, quyết định của Tòa án người vay phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Nếu người vay không thực hiện thì có thể yêu cầu cơ quan thi hành án thực hiện thi hành án.
Tiếp đó, nếu hết thời gian tự nguyện thi hành án mà các bên không thực hiện thì cơ quan thi hành án sẽ ra quyết định cưỡng chế thi hành án, kê biên tài sản, buộc chuyển giao vật,... để thi hành án. Trong trường hợp bạn không có tài sản để trả nợ thì cơ quan thi hành án sẽ áp dụng các biện pháp như khấu trừ thu nhập hàng tháng để thực hiện nghĩa vụ trả nợ.