Truyền cảm hứng sống hạnh phúc giúp phụ nữ không bị tổn thương bởi bạo lực và kỳ thị
Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên được biết đến là một nhà hoạt động có nhiều nỗ lực trong đấu tranh bảo vệ quyền của những người yếu thế, trẻ em, phụ nữ bị tổn thương bởi kỳ thị và bạo lực trong xã hội.
Xuất thân là một phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, bà có nhiều sáng kiến trong truyền thông về các vấn đề liên quan đến phụ nữ bị tổn thương bởi kỳ thị và bạo lực. Bà cũng là người đầu tiên tại Việt Nam khởi xướng đường dây nóng về bạo lực gia đình.
Với mong muốn giúp đỡ được thêm thật nhiều phụ nữ, trẻ em và những người yếu thế trong xã hội, năm 2001, bà Nguyễn Vân Anh đã phát triển hotline này thành Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới – Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA).
Bằng thế mạnh truyền thông, bà và CSAGA đã khéo léo sử dụng các hình thức nghệ thuật như nhiếp ảnh, hội họa hay múa như là chiếc cầu nối uyển chuyển để truyền tải những thông điệp về phòng chống bạo lực gia đình, cũng như bình đẳng giới. Đồng thời bà cũng hợp tác cùng các đối tác khác nhau để hỗ trợ nhóm phụ nữ và trẻ em gái chịu ảnh hưởng bởi kỳ thị và bạo lực giới...
Thực tế cho thấy, dù phụ nữ hiện nay đã ý thức được quyền của mình khi tham gia vào tất cả các hoạt động xã hội với các điều kiện không thua kém gì nam giới, song theo bà Nguyễn Vân Anh, trong xã hội vẫn tồn tại nhiều định kiến trọng nam khinh nữ. Nhiều người vẫn quan niệm rằng vai trò của phụ nữ là chăm lo cho gia đình, còn nam giới mới là người có vai trò xã hội. Chính những định kiến về vai trò đã kìm hãm sự phát triển của phụ nữ, khiến nhiều người dù có khao khát, có ước vọng nhưng không thực hiện được. Nặng nề nhất là quấy rối tình dục và bạo lực gia đình, bạo lực giới vẫn là một vấn nạn khiến cho phụ nữ trở thành nạn nhân.
“Sự chuyển biến trong nhận thức về bạo lực giới hiện nay đã thay đổi. Nếu như trước kia, nạn nhân chỉ im lặng chịu đựng và không ý thức được rằng đó là quyền của họ. Thì ngày nay nạn nhân đã biết quyền của mình, lên tiếng nhiều hơn và có pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên những khuôn mẫu giới, định kiến vẫn ngăn trở phụ nữ. Và đây cũng chính là vấn đề mà CSAGA nói riêng và các tổ chức khác nói chung đang nỗ lực để thay đổi”,, bà Nguyễn Vân Anh nói.
Sau nhiều năm hoạt động và lên tiếng vì những người yếu thế, phụ nữ và trẻ em gái, người sáng lập ra CSAGA nhận ra rằng, để chấm dứt ‘bóng ma’ bạo lực, kỳ thị thì giải quyết vấn đề bên ngoài thôi là chưa đủ. Cần những chiếc lược dài hơi, giúp nạn nhân mạnh mẽ hơn từ trong nội tâm để tự đứng dậy bảo vệ mình.
“Trong những năm gần đây chúng tôi đã thay đổi về sứ mệnh. Nếu như trước đây chúng tôi tiếp cận từ góc độ những phụ nữ bị tổn thương bởi bạo lực và kỳ thị. Thì hiện nay chúng tôi tiếp cận bằng cách muốn truyền đi những cảm hứng sống hạnh phúc cho phụ nữ để họ không bị tổn thương bởi bạo lực và kỳ thị”, Giám đốc CSAGA nêu rõ.
Coi công việc là 1 phần của cuộc sống, tìm thấy niềm vui trong công việc
Suốt gần 3 thập niên năm theo đuổi sứ mệnh bảo vệ quyền của những người yếu thế, phải thường xuyên tiếp xúc với những mặt tiêu cực của cuộc sống, đối diện với nguy cơ “phơi nhiễm” tổn thương từ các nạn nhân, nhưng bà Nguyễn Vân Anh chưa bao giờ có những cảm xúc tiêu cực trong công việc. Mỗi ngày, bà đều tìm thấy những điều mới mẻ, từ trong chính con người bà, từ những phương pháp được áp dụng và cả từ những nạn nhân tìm đến với CSAGA.
“Điều hạnh phúc nhất đối với cán bộ, nhân viên CSAGA đó là nhìn thấy những nụ cười sau những giọt nước mắt của những người mà chúng tôi giúp đỡ. Có thể trước đó họ khóc rất nhiều, nhưng đến khi nhìn thấy họ tự tin để sống cuộc đời của mình, hạnh phúc và mỉm cười với quãng đời mới, thành công mới thì chúng tôi cảm thấy rất vui. Tôi coi công việc như một phần trong cuộc sống của mình và điều đó không khiến tôi cảm thấy áp lực, nặng nề mà luôn thôi thúc tôi phải học hỏi thêm rất nhiều”, bà Nguyễn Vân Anh bày tỏ.
Quan niệm sứ mệnh của mình là người giúp những nạn nhân vượt qua tổn thương chứ không phải đắm chìm trong câu chuyện cuộc đời của họ, Giám đốc CSAGA luôn biết cách để giúp mình và đồng nghiệp phòng ngừa “phơi nhiễm đau khổ” từ công việc. Bà chia sẻ: “Tại CSAGA, chúng tôi chia sẻ cho nhau những kỹ thuật để thay đổi trạng thái của mình. Ví dụ, đối với những người trực hotline, hàng ngày họ phải nghe rất nhiều câu chuyện đau khổ nên chúng tôi phải luân chuyển họ sang những công việc như khác đi học, đi giảng dạy. Đa số những người trực hotline đều nhảy rất giỏi, đây chính là cách giúp họ giải phóng cơ thể và tinh thần. Ngoài ra họ tham gia rất nhiều hoạt động khác. Đặc biệt, họ chia sẻ rằng họ tìm thấy niềm vui ở trong công việc này, khi thấy mình có thể giúp đỡ được cho rất nhiều người”.
Những nỗ lực không ngừng nghỉ suốt nhiều năm của bà Nguyễn Vân Anh đã được cộng đồng ghi nhận. Năm 2007, bà được Women’s eNews, hãng tin chuyên đăng tải những thông tin về phụ nữ và em gái để tạo dựng thế giới công bằng hơn ở Mỹ, vinh danh là 1 trong 21 phụ nữ xuất sắc của thế kỷ 21. Giám đốc CSAGA cũng từng được tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn Top 50 Phụ nữ Ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017.
Bà Nguyễn Vân Anh là một trong những người sáng lập và thúc đẩy các mạng lưới DOVIPNet và GBVnet của Việt Nam. Bà cũng là thành viên của mạng lưới Global Network of Women’s Shelters and Asian Network of Women’s Shelters.