Bản án do TAND tỉnh tuyên, thi hành án cấp huyện tổ chức bán đấu giá tài sản để thi hành án. Sau khi bán đấu giá thành, người trúng đấu giá không thể nhận tài sản bởi người có tài sản bị mang bán đấu giá khiếu nại gay gắt…
Đó là trường hợp của vợ chồng ông Ngô Đình Đạt (SN 1962) và bà Trần Thị Tâm Hiền (SN 1968), thường trú tại số 20 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 8, TP. Đà Lạt.
Căn nhà 20 Xô Viết Nghệ Tĩnh của ông Đạt - bà Hiền đang bị bán đấu giá |
“Phớt lờ” yêu cầu “cấp trên”!
Để bảo đảm cho việc thi hành bản án, sau ngày 29/10/2010, ông Đạt, bà Hiền không thanh toán số tiền theo thỏa thuận thì ông Đạt, bà Hiền và bà Nguyễn Thị Lệ Liễu phải giao toàn bộ tài sản thế chấp căn nhà tại 20 XVNT và căn nhà của bà Liễu cho Cục THADS tỉnh Lâm Đồng kê biên xử lý, phát mãi theo quy định pháp luật về THADS. Ngoài ra, ông Đạt, bà Hiền còn phải thi hành một số vụ, việc tại Chi cục THADS TP. Đà Lạt nên Cơ quan này đã kê biên toàn bộ tài sản nhà, đất của ông Đạt, bà Hiền tại XVNT – là tài sản đã thế chấp để thi hành cho các bản án, quyết định có hiệu lực trước đó và ký hợp đồng bán đấu giá (ngày 25/2/2011).
Sau khi bán đấu giá thành, ông Đạt, bà Hiền có đơn khiếu nại và tố cáo chấp hành viên Chi cục THADS TP. Đà Lạt bán đấu giá tài sản không đúng quy định pháp luật; Đưa các bản án mà ông không phải thi hành làm cơ sở kê biên; Thẩm định giá không chính xác và không đúng quy định… Bởi, riêng bản thân ông chỉ thi hành một phần nhỏ, trong khi giá trị tài sản của ông lớn hơn nhiều lần. Chưa hết, Chi cục THADS TP. Đà Lạt còn không thụ lý đơn khiếu nại của ông bà với lý do hết thời hiệu. Không đồng ý với cách trả lời của Chi cục, ông Đạt, bà Hiền tiếp tục có đơn khiếu nại, tố cáo gửi Cục THADS Lâm Đồng và các cơ quan chức năng.
Trước việc khiếu nại gay gắt của ông Đạt, bà Hiền, ngày 14/3/2011, Cục THADS tỉnh Lâm Đồng có văn bản yêu cầu Chi cục THADS TP. Đà Lạt tạm dừng việc chi trả tiền đả giải quyết khiếu nại, tố cáo của ông Đạt, bà Hiền. Cũng cần nhắc rằng, liên quan đến vụ việc này, trước đó Cục THADS cũng đã có văn bản 88/THA ngày 10/1/2011, yêu cầu Chi cục THADS TP. Đà Lạt báo cáo quá trình và hướng giải quyết vụ việc nhưng Chi cục THADS Đà lạt không chấp hành việc báo cáo. Đến ngày 1/3/2011, thì Chi cục THADS Đà Lạt mới có báo cáo toàn bộ vụ việc sau khi đã bán xong tài sản thế chấp (bán đấu giá ngày 25/2/2011) mà không có ý kiến của Cục THADS tỉnh, trong khi đó khối tài sản này Cục THADS tỉnh đang thụ lý theo thẩm quyền mà TAND tỉnh Lâm Đồng đã tuyên.
Pháp luật bảo vệ quyền, lợi các bên
Như vậy, về thẩm quyền xử lý tài sản, việc Chi cục THADS kê biên tài sản là không có gì sai trái. Tuy nhiên, việc ký hợp đồng bán tài sản khi chưa có ý kiến của Cục THADS tỉnh (Cơ quan cấp trên trực tiếp liên quan đến vụ việc) và người có tài sản cùng ngân hàng cũng chưa có ý kiến về việc Chi cục hay Cục bán theo quyết định của TAND tỉnh Lâm Đồng. Do đó, việc Chi cục THADS bán tài sản là không đúng theo trình tự thẩm quyền quy định.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 21/6/2011, Cục THADS tỉnh cũng đã có văn bản yêu cầu Chi cục THADS TP. Đà Lạt giải quyết vụ việc theo đúng thẩm quyền án tuyên, cũng như các quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản. Trong văn bản gửi Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Lâm Đồng, Cục THADS tỉnh cho rằng, trong quá trình ký hợp đồng bán đấu giá tài sản không hoàn toàn thuộc “trách nhiệm, thẩm quyền” của Chi cục THADS TP. Đà Lạt; Hơn nữa người có tài sản (ông Đạt, bà Hiền) cũng không đồng ý và khiếu nại gay gắt đối với Chi cục THADS TP. Đà Lạt và đề nghị Cục THADS vào cuộc xem xét giải quyết.
Ở đây, người trúng đấu giá tài sản luôn được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, “câu chuyện bán đấu giá” mà chúng tôi vừa đề cập trên, cụ thể, ông Nguyễn Đình Hiến là người trúng đấu giá tài sản thuộc sở hữu của ông Đạt, bà Hiền. Tiếc rằng, sau khi ông Hiến trúng đấu giá, nhưng Chi cục THADS TP. Đà Lạt không thể giao tài sản cho ông, bởi Chi cục bán tài sản mà Cục THADS tỉnh lại đang trong quá trình xử lý, giải quyết theo bản án Tòa tuyên trong thẩm quyền của mình. Được biết, hiện vụ việc đã được Cục THADS ký hợp đồng thẩm định giá và tổ chức bán tài sản nhằm thực thi bản án của TAND tỉnh đã tuyên, âu đó cũng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên theo luật định.
Chúng tôi cho rằng, trong vụ việc này, các cơ quan làm đúng trách nhiệm, thẩm quyền của mình sẽ bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, hạn chế khiếu nại kéo dài. Hơn nữa, pháp luật còn “ưu tiên” cho người có tài sản bị bán đấu giá quyền “chuộc” lại tài sản. Việc “ưu tiên” này là hợp tình, hợp lý, bởi một khi người bị bán tài sản “bức xúc, cố thủ” thì khó khăn cực nhiều trong THA, âu đó cũng nhằm hạn chế án khó thi hành, “tồn đọng”, bức xúc trong dân!
Xin hoãn: Lúc được, lúc không(!?)
Trong vụ việc này, ông Đạt bà Hiền nghi vấn “dấu hiệu tiêu cực” giữa đơn vị bán đấu giá tài sản và người mua tài sản và không loại trừ Chi cục THADS(!?). Cụ thể, ngày 22/02/2011, ông bà đến Chi Cục THADS nguyện vọng “xin hoãn phiên bán đấu giá để nhờ cơ quan chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì được chấp thuận, hướng dẫn ông bà viết đơn xin tạm hoãn bán đấu giá tài sản; Và đã được cơ quan này lưu vào nhật ký “thư đến” ngày 23/02/2011. Bất ngờ chiều ngày 24/02/2011, Chi cục THADS lại mời ông bà làm việc với nội dung: “Tiến hành bán đấu giá tài sản của ông bà vào ngày 25/02/2011, với lý do chưa thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án và các chí phí khác”. Theo đó, sáng ngày 25/02/2011, vợ chồng ông xin được nộp vào tài khoản của Chi Cục THADS 1,6 tỷ đồng để đảm bảo việc xin hoãn thi hành án đến ngày 14/3/2011, nhưng không được chấp nhận với lý do: Việc xin hoãn THA là không có căn cứ. Trong khi lý do chúng tôi xin tạm hoãn bán đấu giá là chính đáng, phù hợp, lẽ ra được Cơ quan THADS tạo điều kiện thực hiện – ông Đạt bức xúc. |
Trần Tố