Người trẻ và nguyện vọng hiến tạng: Cho những điều lấp lánh mãi còn…

Hiến mô, tạng với thông điệp “Cho đi là còn mãi!”.
Hiến mô, tạng với thông điệp “Cho đi là còn mãi!”.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Những năm gần đây, phong trào “Cho đi là còn mãi” với hành động hiến tạng cứu người đã và đang lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng người trẻ. Với một người hiến tạng, có thể cứu sống được 8 đến 10 người khác. Cho, hiến tạng là sự chia sẻ cao quý, là hành động cao nhất của tấm lòng từ thiện.

Cho đi là còn mãi!

Vào đầu năm 2018, câu chuyện bé Hải An 7 tuổi trước khi qua đời vì bệnh ung thư đã đồng ý hiến giác mạc, tặng lại ánh sáng cho người khác đã làm thổn thức hàng triệu trái tim. Rất nhiều người đã không cầm nổi nước mắt khi nghe câu chuyện về tình yêu, về tấm lòng nhân hậu của hai mẹ con bé Hải An. Hai người mù đã được nhận giác mạc của bé sau ca ghép tại Bệnh viện Mắt Trung ương đều đã nhìn thấy ánh sáng trở lại. Hải An như thiên thần nhỏ đã bay về trời, nhưng em đã để lại thông điệp vô giá về tình yêu thương cho những người ở lại.

Thông điệp đó càng được lan tỏa, khi vào năm 2019, một lần nữa cả xã hội lại xúc động trước câu chuyện Thiếu tá Lê Hải Ninh hiến tạng cứu sống sáu người một cách kỳ diệu. Từ đó, rất nhiều người đến Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để đăng ký hiến tạng. Số lượng cuộc gọi tới Đường dây nóng và thư gửi tới email của Trung tâm để xin tư vấn về thủ tục đăng ký hiến tạng cũng tăng gấp nhiều lần bình thường. Và cứ thế, hai “ngọn lửa” của bé Hải An và Thiếu tá Lê Hải Ninh đã thực sự làm lay động trái tim của hàng vạn người.

Cho đến nay, thông điệp “Cho đi là còn mãi!” vẫn được lan tỏa mạnh mẽ và nhận được sự hưởng ứng của nhiều người, nhất là các bạn trẻ. Nếu như nhiều năm trước chuyện hiến xác cho nghiên cứu khoa học, cho y học hay đồng ý hiến mô tạng là chuyện còn khá xa lạ và hoàn toàn chưa phổ biến trong đời sống xã hội thì ngày nay khi xã hội càng hiện đại và tiến bộ, suy nghĩ, quan điểm của các bạn trẻ về sự sống và cái chết, về việc hiến tạng đã trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều so với thế hệ trước.

Theo một cuộc khảo sát trên cộng đồng trẻ cho thấy tỉ lệ bạn trẻ đồng ý hiến tạng lên đến 67-70%, đây là một con số khả quan. Dù mới chỉ là khảo sát, trên thực tế chưa thống kê được cụ thể nhưng những con số đó đã cho thấy rằng giới trẻ hiện nay rất cởi mở về vấn đề này. Bạn A.Thơ (20 tuổi, Hà Tĩnh) sau khi biết được câu chuyện của mẹ con bé Hải An đã cảm động trước việc làm nhân văn đó. Ngay khi tròn 18 tuổi, A.Thơ đã đăng ký hiến 5 bộ phận là giác mạc, thận, tim, gan, phổi vào đúng ngày sinh nhật của mình.

Nữ sinh viên cho rằng, chết là hết nhưng cho đi là còn mãi, việc hiến tạng chính là nguyện vọng cả đời của mình và phải thực hiện lúc đủ 18 tuổi. “Cuộc đời này nếu như em đã trải nghiệm được mọi thứ và đến lúc phải đi thì em mong những thứ tốt đẹp mà em để lại sẽ ươm mầm sức sống trên cơ thể khác, ai cũng có thể làm được điều tử tế ngay cả khi bản thân ra đi”, nữ sinh viên tâm sự.

Tuy nhiên, mẹ của A.Thơ đã phản đối kịch liệt quyết định hiến tạng của con gái. A.Thơ cho biết, bố đã mất khi cô còn rất bé, chỉ có hai mẹ con nương tựa nhau sống. Nên nhiều lần cô đã định từ bỏ quyết định hiến tạng của mình vì mẹ không cho phép, bạn bè ngăn cản. Nhưng sau nhiều lần thuyết thục, mẹ cô đã đồng ý và A.Thơ đã thực hiện được nguyện vọng của mình.

Trường hợp của A.Thơ cũng giống như nhiều bạn trẻ hiện nay, có nguyện vọng hiến tạng nhưng không được gia đình ủng hộ. Đó là điều dễ hiểu, bởi bố mẹ nào mà chẳng thương con, ai cũng muốn con mình dù có chết đi cũng vẫn sẽ “vẹn toàn”. Cùng với quan niệm người Việt Nam bao đời, không chấp nhận bản thân mình chết đi với cơ thể không còn vẹn nguyên… đã thật sự là rào cản lớn trong việc triển khai vận động hiến mô, tạng. Thậm chí, có những người đã đồng ý hiến tạng song lại chịu áp lực, những rào cản từ chính gia đình, họ hàng, những người xung quanh mà đành rút lại nguyện vọng.

Dù nhận được sự phản đối như vậy nhưng nhiều bạn trẻ vẫn không từ bỏ nguyện vọng. Các bạn đã ngày ngày kiên trì thuyết phục gia đình, cha mẹ rằng có rất nhiều người cần tạng hiến như thế nào, rằng ý nghĩa cao cả của hành động này ra sao, rằng cho đi là nhận lại và đó là nguyện vọng xuất phát từ sâu thẳm tấm lòng.

Dẫu biết rằng không phụ huynh nào dễ dàng chấp nhận nhưng với thời gian và sự chân thành, nhiều bạn trẻ đã thuyết phục thành công gia đình mình. “Chỉ mất 1 tháng để có thể hiến tạng nhân đạo. Nhưng mình đã phải mất 3 năm để bày tỏ nguyện vọng với gia đình và được chấp thuận”, bạn N.Ly (24 tuổi, Gia Lai) chia sẻ.

Bên cạnh đó, vẫn có nhiều bạn may mắn khi được sự ủng hộ, động viên tuyệt đối từ bố mẹ, chồng con cũng như bạn bè. Đó chính là nhờ những năm gần đây, công tác tuyên truyền, vận động đã được phổ biến rộng rãi hơn đến với người dân, không chỉ người trẻ mà nhận thức của thế hệ trước về vấn đề hiến mô, tạng đã có sự chuyển biến rõ rệt theo chiều hướng tích cực.

Đến thời điểm hiện tại, thông điệp “Cho đi là còn mãi!” vẫn đang được các bạn trẻ tích cực lan tỏa đến mọi người xung quanh. Không chỉ quyết định đăng ký hiến tạng mà nhiều bạn trẻ còn trở thành tình nguyện viên của các trung tâm cộng đồng, tuyên truyền về ý nghĩa cao đẹp, thiêng liêng của việc hiến tặng tạng.

Trên các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok cũng xuất hiện những hashtag như #hientangnhandao #hientangtuthien #chodilaconmai thu hút đến gần 10 triệu lượt xem với hơn 100 nghìn bài viết chia sẻ hành trình hiến tạng nhân đạo của các bạn trẻ. Và cứ thế, hành trình đưa thông điệp “Cho đi là còn mãi!” đến với mọi người, mọi gia đình vẫn đang tiếp tục được các bạn trẻ thực hiện.

Ngày càng nhiều bạn trẻ có nguyện vọng hiến tạng nhân đạo.

Ngày càng nhiều bạn trẻ có nguyện vọng hiến tạng nhân đạo.

“Hành động cao nhất của tấm lòng từ thiện”

Việc hiến tặng mô, tạng cho những người bị suy tạng là một món quà vô giá. Bởi đây không chỉ là một nghĩa cử cao đẹp mà còn giúp nối dài sự sống cho những người bệnh tưởng chừng như đã tắt hết hy vọng với cuộc đời. Với tinh thần nhân ái, sẻ chia, nhiều người đã quyết định hiến tạng để góp phần thay đổi cuộc sống của những người bệnh kém may mắn đang chờ đợi nguồn tạng hiến.

Thống kê cho thấy, tại Việt Nam hiện có khoảng 10.000 người suy gan, thận cần ghép tạng thay thế, khoảng 300.000 người mắc bệnh lý giác mạc và hàng ngàn người mắc bệnh suy tim. Dù những năm gần đây, Việt Nam liên tục ghi các dấu ấn mới vào bản đồ ghép bộ phận cơ thể người của thế giới như ghép tim, phổi, chi thể… Đây là những kỹ thuật khó mà không phải quốc gia nào cũng đạt được.

Thế nhưng, khó khăn nhất hiện nay của ngành ghép tạng không còn ở kỹ thuật khó mà bởi sự khan hiếm nguồn mô tạng hiến. Vì thế vẫn còn rất nhiều người bệnh đang phải vật lộn duy trì sự sống từng ngày, chờ đợi từng phút để được ghép tạng.

Hiến tặng mô tạng sau khi qua đời vốn không còn là điều xa lạ trên thế giới nhưng tại Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ. Tuy nhiên, từ sau những trường hợp hiến tạng như bé Nguyễn Hải An, Thiếu tá Lê Hải Ninh… đã tạo nên “cơn địa chấn” trong cộng đồng. Từ đó, phong trào hiến tạng bắt đầu được nhiều người biết đến và hưởng ứng.

Phong trào đăng ký hiến tặng mô, tạng tại Việt Nam trong những năm qua đã tăng lên đáng kể so với trước đây. Tính đến ngày 19/11/2021, số lượng đăng ký hiến tạng đạt 45.341 người. Từ phong trào này, nhiều bệnh nhân đã được cứu sống nhờ kịp thời được ghép mô, tạng.

Theo số liệu cập nhật từ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia (đến ngày 30/9/2021), cả nước đã thực hiện 6.113 ca ghép tạng, trong đó có 5.729 ca ghép thận, 316 ca ghép gan, 54 ca ghép tim, 1 ca ghép khối thận - tụy, 1 ca ghép khối tim - phổi, 8 ca ghép phổi, 2 ca ghép ruột và 2 ca ghép chi trên.

Một đốm lửa nhỏ dù tắt đi vẫn có thể nhóm lên sự sống cho nhiều ngọn lửa và mỗi người chúng ta đều có thể tạo nên phép màu cho nhiều mảnh đời khác. Đó là hành động cao quý, không chỉ thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc mà còn thể hiện tinh thần tương thân, tương ái cao cả.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng xúc động chia sẻ: “Việc cho, hiến tạng để cứu sống người khác là hành động cao nhất của tấm lòng từ thiện. Chết là trở về với cát bụi nhưng cho đi là còn mãi. Tôi tin rằng, mỗi khi nhìn thấy ánh mắt, nhịp đập trái tim của người thân mình vẫn hiển hiện… Đó chính là hạnh phúc vô bờ của người ở lại”.

Có thể thấy rằng, việc hiến tạng sau khi qua đời, trao tặng cho người khác món quà quý giá của sự sống đã bắt đầu “đâm chồi nảy lộc”, lan tỏa trong nhận thức của nhiều con người Việt Nam với tâm niệm “Cho đi là còn mãi!”. Và sự lan tỏa đó sẽ giúp có thêm nhiều đôi mắt sáng, thêm nhiều trái tim ấm áp vẫn tiếp tục đập những nhịp yêu thương…, để sự sống được tái sinh từ cái chết.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.