Người Hà Nội sành chơi
Năm nào cũng vậy, từ ngày 23 tháng Chạp, người Hà Nội lại ngóng đợi chợ hoa xuân. Xưa ở Thăng Long ngày xuân thường có tục mở chợ hoa, chợ họp ngay bên Cầu Đông, kéo dài từ Hàng Đường lên tới tận đền Huyền Thiên (nay ở cuối phố Hàng Giấy). Tục này còn mãi đến bây giờ.
Người Hà Nội chơi đủ loại hoa xuân, mỗi loài lại mang một ngôn ngữ riêng. Tất cả tạo nên thế giới đa thanh, đa sắc. Nhưng trên hết thảy, người xứ kinh kỳ chuộng hơn cả là hoa đào, một loài đặc trưng cho ngày Tết của người miền Bắc nói chung. Lại nói về thú chơi đào cũng ẩn chứa nét đa sắc diệu kỳ. Chẳng hạn, đào bích - hoa đỏ thắm, cành xếp xít nhau, đào phai hoặc đào phớt - hoa kép màu phấn hồng, đào bạch - hoa đơn màu trắng… Ngoài những loại ấy ra còn có giống đào thất thốn (bảy tấc), hoa mọc đôi rất đặc biệt. Hiện nay giống đào này chỉ còn thấy ở một vài tư gia… Dù là loại nào, với người Hà Nội, đào luôn mang ý nghĩa dưỡng ấm khí dương xuân.
Nhìn thấy cành đào, mùa xuân như trỗi dậy. Cái đẹp của đào thể hiện ở chỗ gốc thì gân guốc, những cành nhánh thì gầy guộc, ấy vậy mà trên đó ươm lên bao chiếc lá xanh biếc man mác. Những nụ hồng tất thảy đều bám vào cành tựa những chiếc cúc tròn hồng ngọc đầy quý phái.
Người Hà Nội chơi đào cũng rất cầu kỳ. Ngay từ tháng chạp, nhiều người đã lên tận Nhật Tân và các khu vực lân cận để lựa một cây đào ưng ý rồi nhờ chủ vườn chăm sóc, đến giáp Tết mới đem về nhà trưng bày. Với người chơi đào thế thì việc lựa chọn hoặc cắt tỉa cây đào là một thú vui quanh năm chứ không chỉ ngày Tết. Tương tự như vậy, thú chơi quất cảnh cũng công phu không kém. Quất phải chọn cây có đủ quả xanh, quả chín, có lá non nhú lên trên cành, gọi là lộc quất. Theo giới phong thủy, người mệnh kim tốt nhất là chơi quất tán tròn, ngọn như tháp ngầm mang nghĩa “lưỡng kim đới hỏa”. Ngoài ra, do quất là loại thảo mộc nên thuộc mệnh mộc, hoa có màu trắng là thuộc kim, quả vàng là thuộc thổ… cứ như vậy có thể ngầm hiểu mộc vượng sinh hỏa, hội đủ ngũ hành và ngũ hành đều vượng. Quất càng sai, quả càng đẹp thì năm mới sẽ càng giàu có, đông vui.
Ngoài đào và quất là hai loài hoa chủ đạo nhất thì Tết của người Hà Nội không thể thiếu hoa thủy tiên. Ngày Tết, trên bàn thờ gia tiên và bàn tiếp khách, có những bình hoa thủy tiên thơm ngát hương, đó là cách chào xuân rất riêng và lạ. Để rồi, vào khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và mới, người chơi hoa ngồi chăm chú bên bình thủy tiên, đợi đến thời khắc hoa nở. Người ta cho rằng, nếu hoa thủy tiên nở đúng lúc giao thừa, gia đình sẽ gặp nhiều may mắn trong suốt cả năm.
Theo phong thủy chọn cây
Không ai phủ nhận quất, đào trở thành biểu tượng và là đại diện cho những cây cảnh tiêu biểu nhất trong những ngày xuân. Tuy nhiên, theo thời gian thú chơi cây cảnh ngày xuân giờ cũng ít nhiều biến đổi với nhịp sống và nhu cầu. Dễ thấy nhất trong đó là việc đa dạng hóa chủng loại và cách đặt tên cho cây lá luôn được cân nhắc để hướng đến yếu tố may mắn.
Chia sẻ về điều này, nghệ nhân Nguyễn Văn Nam (Hiệp hội Cây cảnh huyện Khoái Châu, Hưng Yên) cho biết: Hiện nay, những người chơi và mê cây cảnh Hà thành thường quy định bộ tứ linh thực vật gồm: đa – sung – sanh – si, hay bộ tam đa gồm 3 cây sung – lộc vừng – vạn thọ, ứng với hàm nghĩa mong cầu phúc – lộc – thọ.
Bên cạnh đó, với các loại bonsai giới trong nghề luôn lấy gốc làm trọng, rồi mới đến bộ rễ nổi và thân mềm. Hiện nhiều người chơi cây tạo dáng theo kiểu cách tân, có giá trị thẩm mỹ khá cao như cây được uốn theo thế hạn phụ thạch, có nghĩa là cây ôm đá hoặc như kiểu cây liền rễ, còn gọi là qua cầu… Có những dáng cây được tạo tác theo các nhóm biểu tượng trong văn hóa Việt Nam và phương Đông. Ngoài ra, không ít người hiện ưa thích những thế cây mang dáng vẻ của những con vật quý hiếm và gần gũi gắn với môi trường thiên nhiên như: Long, lân, quy, phụng. Bộ tứ linh này nhằm tượng trưng cho mong cầu về quyền lực, thành đạt, sống lâu, phú quý.