Người tiêu dùng dễ chịu thiệt
Đang săn tìm một đôi giày thể thao, anh Nguyễn Hữu Trung, ngụ đường Tôn Đản, quận 4, TP HCM bắt gặp một cửa hàng bán giày trên mạng rất vừa ý, với giá giảm 20% so với giá gốc. Anh Trung lập tức chat với người bán hàng hỏi mua và chốt thông tin mua hàng. Để nhận được mức giá giảm, anh Trung đã đồng ý chuyển khoản trước số tiền 500 ngàn đồng để mua đôi giày có giá 1,2 triệu đồng.
Sau khi nhận giày, anh Trung phát hiện ra sản phẩm tuy nhìn khá giống trên hình nhưng chất lượng hoàn toàn khác. Đôi giày có nhiều lỗi về kiểu dáng, đường may, chất liệu... Sau khi tra trên mạng, anh được biết đây là giày nhái thương hiệu, được bán với giá chỉ... hơn 200 ngàn đồng/ đôi. Liên hệ shop giày nói trên để trả hàng, anh Trung nhận được câu trả lời là “shop gửi hàng giống như hình nên không thể đổi trả”. Sau nhiều lần tranh cãi, anh Trung đành bỏ cuộc.
Những trường hợp như anh Trung gặp phải không phải là hiếm, nếu không nói là bất cứ người mua hàng trực tuyến nào đều có thể một vài lần gặp phải. Trường hợp khách mua hàng được cam kết chính hãng, chất lượng cao... nhưng nhận về lại là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, khi liên hệ thì người bán phủi tay, không cho đổi trả, không chịu trách nhiệm đã trở nên khá phổ biến trên thị trường mua bán online.
Không chỉ thế, đối với những mặt hàng như thực phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng..., người mua khi giao dịch online còn đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng đến sức khỏe nếu như thực phẩm chế biến có nguồn gốc không rõ ràng, được sản xuất từ thực phẩm bẩn, thuốc men, mỹ phẩm giả, hết hạn... Đã có những trường hợp người mua bị ngộ độc thực phẩm, bị dị ứng... từ những sản phẩm giả, nhái, kém chất lượng trên mạng, nhưng không biết quy trách nhiệm cho ai vì một khi xảy ra sự cố thì người bán... trốn mất giữa thế giới mạng mênh mông.
Một tình trạng cũng khá dễ gặp phải khi mua hàng online là người tiêu dùng bị “bẫy” bởi những shop “ảo”, được lập ra với mục đích duy nhất để lừa đảo khách hàng. Những shop này cũng dựng lên trang bán hàng như thật, có đông đúc người tương tác, sản phẩm được đăng ảnh rất bắt mắt, bán với mức giá rẻ hơn thị trường. Với chiêu bài “chuyển khoản trước để được mức giá ưu đãi”, nhiều người mua hàng đã bị mắc bẫy, chuyển tiền, sau đó không bao giờ nhận được sản phẩm và cũng chẳng thể nào liên hệ với cửa hàng trực tuyến nói trên được nữa.
Số tiền mà mỗi khách hàng như thế bị lừa có thể là vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng. Nếu tính trên nhiều vụ việc lừa đảo như thế, sẽ là một số tiền rất lớn. Tuy nhiên, sự việc này diễn ra từ nhiều năm nay, nhiều khách hàng đã rất bức xúc, lên mạng bóc phốt, tố cáo sự việc đến cơ quan bảo vệ người tiêu dùng nhưng hầu như không đòi được tiền về.
Cạnh đó, tham gia vào thị trường Thương mại điện tử, người tiêu dùng còn đối diện với một nguy cơ lớn đó là bị xâm phạm về mặt thông tin cá nhân. Nhiều shop bán hàng trên mạng sau khi thu thập được thông tin của khách hàng, đã bán data khách hàng cho đơn vị chuyên thu mua, khiến nhiều khách hàng liên tục bị quấy rối, làm phiền bởi đủ các thứ dịch vụ. Không chỉ thế, một số cửa hàng thiếu ý thức về quyền cá nhân, có hành xử “chợ búa”, khi có mâu thuẫn với khách hàng trong quá trình mua bán, đã không ngại ngần đăng hình ảnh, tên tuổi, thông tin của khách hàng lên để bêu riếu, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của khách hàng.
Một thống kê trong năm 2022 cho thấy, từ đường dây nóng 18006838, Bộ Công Thương đã nhận được hơn 10.000 cuộc gọi phản ánh, khiếu nại tố cáo các vấn đề liên quan đến tranh chấp kinh doanh, vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong số đó, các khiếu nại tố cáo liên quan đến kinh doanh trên không gian mạng tăng lên rất nhanh và chiếm thứ hai trong tổng số lượng đơn thư (chiếm 15,4%). Các vấn đề bị khiếu nại xoay quanh chuyện người bán chậm trả tiền cho khách hàng, không chịu bồi thường cho hàng hóa, cung cấp sản phẩm không bảo đảm, cung cấp sản phẩm sai niêm yết, không bảo hành như quy định...
Người tiêu dùng dễ bị xâm phạm quyền lợi khi tham gia thị trường thương mại điện tử. (Ảnh minh họa) |
Vì sao khó xử lý?
Có thể nói, đặc điểm của thương mại điện tử là không có sự tiếp xúc giữa người mua, người bán; đơn vị bán hàng không cần thuê địa điểm, thậm chí không cần hàng hóa lưu kho...; người mua không cần ra khỏi nhà, chỉ cần thao tác trên thiết bị điện tử là có thể mua hàng dễ dàng nhanh chóng. Đó chính là lợi ích lớn của việc mua bán trực tuyến, nhưng đó cũng lại là nguyên nhân sinh ra biết bao vấn đề tồn tại.
Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng Bộ Công Thương, hiện còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật; hoặc vì mục tiêu lợi nhuận mà cố tình cung cấp hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí lừa đảo người tiêu dùng nhằm chiếm đoạt tài sản, tiền bạc. Và thực tế cho thấy, người tiêu dùng luôn ở vị thế “yếu” trong các giao dịch online, có sự bất cân xứng thông tin với người bán.
Với đặc điểm “chỉ giao dịch qua mạng”, không tiếp xúc trực tiếp, người bán hoàn toàn có thể ẩn danh, làm giả tên tuổi, thông tin, từ đó lừa đảo người tiêu dùng. Cạnh đó, rất nhiều cửa hàng trên mạng chỉ bán online, không có cửa hàng trực tiếp, cũng như không niêm yết địa chỉ, tên tuổi, nếu có tình huống không hay xảy ra, người tiêu dùng cũng chẳng biết tìm ở đâu để “bắt đền”. Trong khi đó, giao dịch qua trực tuyến hầu như chỉ dựa vào “niềm tin” của người mua với người bán, không dựa trên những cam kết có giá trị, không có ràng buộc thực tế về quyền, lợi ích... thế nên, tỉ lệ rủi ro cũng cao hơn mua bán trực tiếp là điều đương nhiên.
Về mặt xử lý vi phạm, mặc dù các cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng đã nhận không ít phản ánh, tố cáo, tuy nhiên, có rất nhiều vụ việc “ngoài tầm kiểm soát”. Ví dụ, nếu giao dịch được thực hiện giữa khách hàng đối với các cơ sở kinh doanh có website đã đăng kí qua Bộ Công Thương, có tư cách pháp nhân, hoặc thông qua sàn thương mại điện tử thì còn đỡ, có thể truy ra nguồn gốc, xử lý đúng đối tượng. Tuy nhiên, nếu là giao dịch với các cá nhân bán lẻ tự phát tràn lan trên mạng xã hội thì vô cùng khó xử lý, như “tìm kim đáy biển”.
Tất nhiên, xuất phát điểm của tình trạng này, chung quy lại vẫn là việc thị trường thương mại điện tử trong nước chưa ổn định, quy định pháp luật chưa đủ rõ ràng, chưa đủ mạnh để có thể siết chặt quản lý, xử lý các hành vi vi phạm.
Trong những năm qua, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng đã triển khai nhiều hoạt động như tổ chức cho các sàn thương mại điện tử ký cam kết chia sẻ trách nhiệm, minh bạch thông tin doanh nghiệp trong trường hợp người tiêu dùng có khiếu nại; đẩy mạnh phối hợp lực lượng chuyên ngành để tăng cường hoạt động chia sẻ thông tin, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tuyên truyền, phổ biến pháp luật; cảnh báo, khuyến cáo cho người tiêu dùng về các hành vi, phương thức kinh doanh có khả năng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Thời gian tới, cạnh việc hoàn thiện hành lang thật vững vàng để có thể bảo vệ toàn diện người tiêu dùng trên không gian mạng, còn cần liên tục tuyên truyền, nâng cao ý thức của người mua lẫn người bán. Với người mua, sự thận trọng, rà soát thông tin, thanh toán an toàn là nguyên tắc cần thiết để tránh rủi ro. Về phía lực lượng người bán hàng, đây chính là nhân tố quan trọng trong việc xây dựng một môi trường kinh doanh trực tuyến trong sạch. Nếu mỗi một người kinh doanh có thể xác định được giá trị đạo đức cốt lõi trong việc kinh doanh, đem đến những cam kết về uy tín, chất lượng, sự chăm sóc tốt nhất, sẽ dần dà củng cố niềm tin cho người tiêu dùng. Từ đó, môi trường kinh doanh online sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đem lại nhiều lợi ích cho cả xã hội.