Học chữ từ bảng hiệu
Cái tin người thợ sửa khóa câm, điếc biết tiếng Anh lan nhanh đến nỗi, giờ nhắc đến cái tên Bùi Bách Tường ai ai sống quanh con hẻm, nơi người thợ sửa khóa đặt cái thùng đồ nghề, đều biết đến.
Ngày xưa, khi ông chào đời, cha mẹ đặt cho ông cái tên Bách Tường với mong ước đứa con hiểu rộng, biết nhiều, nhưng cuộc đời cũng lắm trái ngang, ông lại bị câm điếc bẩm sinh. Tuổi thơ của ông Tường là chuỗi ngày tháng cô đơn quanh góc nhà nhỏ bé trong con hẻm 462 đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3, buồn bã nhìn đám bạn đồng trang lứa hò hét, nô đùa, thường xuyên bị trêu chọc bởi bị câm, điếc và mù chữ. Lớn lên từ những nỗi đau, nhưng có lẽ vì thế sức sống từ con người ấy lại càng mãnh liệt.
Bắt đầu bước ra đời kiếm sống từ năm 16 tuổi với nghề sửa khóa, sau ba năm thử thách trong nghề, ông Tường nhận ra rằng, với một người câm, điếc chỉ có con chữ mới là “chìa khóa” giúp ông mở cánh cửa đến với cuộc đời.
Ông Tường bắt đầu trở lại việc học chữ với bảng chữ cái và tập viết. Đi đâu ông cũng lăm lăm cây viết, mắt nhìn, tay “vẽ” lại những ký tự trên các bảng hiệu ở nhà hàng, quán ăn, tiệm cà phê,… rồi tập đọc thầm, tập hiểu nghĩa của nó. Bất cứ lúc nào có mảnh giấy trắng trong tay ông cũng hí hoáy tập viết.
Chỉ hơn hai năm sau, ông Tường đã có thể diễn đạt suy nghĩ của mình ra giấy một cách nhuần nhuyễn, tất nhiên bằng tiếng Việt. Cũng nhờ biết chữ mà khách đến sửa khóa ngày một nhiều hơn. Cho đến giờ, khách của ông Tường chủ yếu là người quen lâu năm. Người ta đến với ông không chỉ vì ông sửa khóa giỏi, vui tính mà còn mến phục nghị lực học chữ của ông.
Nhắc đến ông Tường, ông Đỗ Văn Viên, bảo vệ một ngân hàng ở 621 Cách Mạng Tháng Tám cười ha hả: “Ổng sửa khóa hay lắm, giỏi nhất ở đây. Khách nước ngoài lại là ổng viết tiếng Anh “nói chuyện”.
Gần chục năm nay, cái góc nhỏ số 617 trên đường Cách Mạng Tháng Tám của người thợ sửa khóa lành nghề, vui tính đã quá quen thuộc mọi người xung quanh. Bước gần cái tuổi sáu mươi, đáng lẽ ông Tường đã được nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu, ông vẫn hàng ngày miệt mài bên tủ đồ sửa khóa, bên những trang sách giúp ông kết nối với mọi người, với thế giới xung quanh.
“My name is Tuong”
Lúc gặp ông đang cặm cụi bên những trang giấy, trên bàn sửa khóa để cuốn từ điển Anh – Việt của NXB Trẻ. Tôi chưa kịp chào hỏi, ông Tường vội lấy trong túi quần ra hai đồng tiền xu của Mỹ, qua cách ông ra dấu bằng tay và gật gật đầu, chúng tôi hiểu hai đồng xu này đối với ông rất quý giá. Ông sưu tập tiền xu? Ông nhoẻn cười, gật gật đầu rồi viết vội ra giấy rằng ông còn những đồng xu khác đang cất ở nhà.
Nói xong, ông đã vội vã xô ghế đứng lên, leo lên chiếc xe đạp rồi thoăn thoắt đạp đi. Tôi đang ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì xảy ra, ông đã quay trở lại với một tấm bìa cứng có in hình các đời Tổng thống Mỹ và một vốc những đồng tiền xu. Đoạn, ông chỉ cho tôi xem cách ông học tiếng Anh qua những đồng xu đó. Những đồng tiền xu này ông tìm mua từ một người quen ở đường Nguyễn Kim, quận Gò Vấp. Ông cho biết, những đồng xu này khá hiếm.
Bắt đầu làm quen với tiếng Anh từ năm 2007, đến nay đã bảy năm, ông Tường cho hay giờ mình tự tin có thể “chat” (nói chuyện bằng chữ viết – PV) với người nước ngoài. Mọi thứ trở nên dễ dàng hơn kể từ khi người con gái lớn mua cho ông chiếc máy tính và hướng dẫn cách lên mạng giao tiếp với mọi người.
Đến giờ trong “friend list” (danh sách bạn bè – PV) của ông đa phần là người nước ngoài. Thỉnh thoảng một vài người khách Tây đi ngang tiệm sửa khóa, ông mau mắn lôi giấy viết ra rồi hai bên bắt đầu làm quen với nhau qua từng con chữ.
Mỗi ngày, tranh thủ lúc vắng khách, ông lôi từ điển ra học từ vựng. Ngày nào ông cũng dành ba giờ để học từ mới và ôn từ cũ. Tài sản quý nhất của ông Tường chính là những quyển từ điển. Trong số chục cuốn từ điển, có những cuốn đã quá cũ, có cuốn sờn gáy, bìa rách nát. Cầm trên tay một cuốn từ điển đã ố vàng, quăn góc, bìa sách rơi mất, qua cử chỉ ông cho biết đó là cuốn từ điển ông quý nhất.
Nhưng cơn mưa chiều nọ đã làm nó ướt hết do ông để quên ở ngoài. Đặt tay lên tim ông ra dấu rằng ông buồn lắm. Nói rồi ông lục lọi trong tủ đồ nghề của mình, lấy ra cái bao nilông rồi cẩn thận bao cuốn từ điển lại.
Một ngày kiếm được gần trăm bạc từ tiệm sửa khóa, lâu lâu, ông để dành tiền “đầu tư” từ điển và giáo trình rồi tự học. Trong hộc tủ “kiếm cơm” của mình, ông dành hẳn một ngăn cho hàng chục cuốn từ điển, tài liệu học tập hơn nửa đời người tích góp của mình.
“Không xin ai là thầy giáo, tôi chỉ chịu khó cố gắng tự tập viết chữ và học tiếng Anh”, ông Tường chìa những dòng chữ viết trên trang giấy trắng trước mặt tôi.
Trước khi tạm biệt ra về ông Tường còn nhét vào tay tôi miếng giấy nắn nót dòng chữ “My name is Tuong. My phone no. 01669 127…”.