Người thầy 14 năm đến lớp trên xe ba bánh

Mỗi ngày đến lớp với thầy trò đều là một ngày vui
Mỗi ngày đến lớp với thầy trò đều là một ngày vui
(PLVN) - Người thầy đặc biệt này là thầy Trần Công Đông (35 tuổi, ngụ tại thôn Hiền Sĩ, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Suốt 14 năm qua ngày nào người dân thôn Hiền Sĩ cũng thấy hình ảnh người đàn ông đi chiếc xe 3 bánh miệt mài vượt 20km để đến với lớp dạy nghề điêu khắc mộc mỹ nghệ cho các em khuyết tật. 

Vượt qua số phận  

Anh Đông sinh ra trong gia đình có sáu anh chị em, có cha là thương binh. Năm lên 2 tuổi, sau trận sốt thập tử nhất sinh kéo dài, Đông bị biến chứng teo cơ liệt nửa người. Cha mẹ bán hết lúa gạo trong nhà để chạy chữa vẫn không khỏi, Đông bị teo một chân từ đó.

Từ nhỏ Đông đã chịu nhiều thiệt thòi vì đôi chân không thể đi được bình thường. “Năm học tiểu học, do không thể tự đạp xe nên tôi được người thầy giáo tận tụy ngày ngày chở đến lớp. Tôi nhớ lại, nhiều lúc cũng mặc cảm, tự ti vì khiếm khuyết của mình, nhìn bạn bè ngoài sân chơi đùa còn mình cứ ngồi mãi một chỗ, lắm lúc có bạn ác ý trêu “bại”, “què” là y rằng hôm đó về khóc ướt gối. Lớn lên, suy nghĩ dần khác đi, mình phải sống cho thật tốt thì cuộc sống sẽ tốt với mình, có buồn phiền, mặc cảm thì cũng không thể thay đổi được số phận”, thầy Đông hồi ức.

Sau nhiều năm cố gắng trên ghế nhà trường, học hết phổ thông, chàng trai xin học nghề tại một trung tâm dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật. Tìm được nghề đúng với sở trường đam mê, lại thêm năng khiếu mỹ thuật thiên bẩm, Đông học rất nhanh.

Từ những thanh gỗ không hình hài, các học viên dần biến thành tranh long lân quy phụng hay những bức tượng tinh xảo
Từ những thanh gỗ không hình hài, các học viên dần biến thành tranh long lân quy phụng hay những bức tượng tinh xảo

Thầy Đông nhớ lại: “Cha là người đã truyền động lực sống, truyền ý chí vươn lên cho tôi rất nhiều. Ông là thương binh, nhiều thương tích, một mắt mù, một mắt mờ, cụt cả hai tay, trên người chằng chịt vết sẹo lớn nhỏ. Vậy nhưng ông là người lạc quan mạnh mẽ, luôn cố gắng tự chăm sóc cho bản thân, vượt lên mọi nghịch cảnh”.

Vì vậy mà chàng trai càng quyết chí học hành để không phụ lòng người cha. Anh học rất nhanh và được đưa đi thi bàn tay vàng ở Hà Nội, nhận danh hiệu nghệ nhân năm 2013. Sau ba năm, Đông tốt nghiệp nghề điêu khắc mộc mỹ nghệ loại giỏi và học thêm về nghiệp vụ sư phạm, được giữ lại trung tâm để đứng lớp.

Những học viên tại lớp của thầy Đông chủ yếu là các thanh niên khuyết tật, câm điếc, một số bị thiểu năng trí tuệ; nhưng không vì thế mà thầy trò không tìm thấy được sự “đồng điệu” từ nhau. Trong lớp học, ngoài những tiếng đục đẽo miệt mài của học viên vang lên lóc cóc, luôn có tiếng cười của thầy và trò.

 

Niềm vui đến lớp

Việc dạy và học với người bình thường đã khó, với người khuyết tật còn khó hơn. “Mỗi em bị một khuyết tật khác nhau nên việc để các em hòa nhập là điều khó nhất. Với các em bị khuyết tật ở chân, việc đứng lâu để đục đẽo sẽ khá khó khăn; các em bị câm điếc thì không thể giảng giải mà cần phải ra dấu; nhiều em khó kiểm soát được hành động của bản thân. Việc dạy các em cũng giống như phải làm bạn với các em để các em dễ hòa nhập và không bị tự ti”, thầy Đông cho hay.

Những học viên khuyết tật thường dễ nổi giận, đập phá đồ đạc, người ngồi học, người lại đập phá, hét to. Những lúc như vậy, thầy giáo thường tìm cách “hạ hỏa”, chia sẻ, vỗ về giúp các em trở lại bình thường.

Trong lớp học, bên tiếng lóc cóc đục đẽo những bức phù điêu tinh xảo là tiếng lộc cộc từ đôi nạng của thầy tới chỗ ngồi từng học viên, tận tình hướng dẫn, chỉnh sửa, nắn nót từng nét trên các thớ gỗ. Từ những thanh gỗ không hình hài, các học viên dần biến thành tranh long lân quy phụng hay những bức tượng tinh xảo.

“Học ở đây em thấy rất vui, được thỏa sức làm những sản phẩm mà mình thích, được cùng các bạn vui đùa, làm việc. Thầy Đông hay pha trò chọc cười để bớt mệt, chỉ bảo rất tận tình và thương chúng em lắm”, học viên Nguyễn Minh Quân (18 tuổi) chia sẻ.

Thầy giáo chống nạng tận tình hướng dẫn từng học viên
Thầy giáo chống nạng tận tình hướng dẫn từng học viên

Thầy Đông cười: “Thấy các em vui thì mình cũng vui. Mỗi khi mệt mỏi, tôi lên lớp, được gặp học viên, nhìn các em với những hành động dễ thương là lại thấy mình vui lây. Hay những lúc nhận được cuộc điện thoại đã tìm được việc hay mở được cửa hàng riêng từ những học viên đã ra nghề, lúc đó mình lại hết mệt ngay”.  

Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật tỉnh Thừa Thiên – Huế nhận xét: “Thầy Đông không chỉ có trình độ mà còn là một người thầy tâm huyết và rất chịu khó, nhiều năm qua đã tạo ra nhiều thành tích cho cá nhân nói riêng và trung tâm nói chung. Sự  tâm huyết với nghề, tận tụy hết lòng với học trò đã giúp nhiều lớp học viên hòa nhập với cuộc sống, ra nghề và có cuộc sống ổn định”.

Nhiều năm qua, người thầy giáo khuyết tật yêu nghề không kể nắng mưa cứ ngày ngày miệt mài sáng đi tối về 40km. Thầy Đông đã được trao tặng nhiều giấy khen, bằng khen về những thành tích vượt khó vươn lên trong lao động học tập, có thành tích xuất sắc trong công tác bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi.  

Đọc thêm

Các trường 'điểm' tuyển sinh ra sao khi bỏ thi tuyển vào lớp 6?

Ảnh minh họa
(PLVN) - Theo Bộ GD&ĐT, từ 2025, tuyển sinh THCS sẽ được thực hiện theo phương thức xét tuyển. Đối với các trường chất lượng cao, trường tư có tỷ lệ chọi lớn, địa phương có trách nhiệm hướng dẫn các trường thực hiện dựa vào tình hình thực tế trên cơ sở phù hợp nhất.

Giáo dục thích ứng trong kỷ nguyên số

Phụ huynh, học sinh, người lao động cần tìm hướng đi đúng đắn. (Ảnh minh họa - Nguồn: Hocmai)
(PLVN) - Sự bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là AI đang định hình lại môi trường làm việc một cách nhanh chóng và nhu cầu về những kỹ năng mới cũng ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030: Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực

Ảnh minh họa
Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030 đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có hệ thống giáo dục tiên tiến trong khu vực châu Á. Với trọng tâm phát triển toàn diện con người, nâng cao chất lượng giáo dục ở mọi cấp và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, chiến lược này đặt nền móng vững chắc cho một xã hội hiện đại, công bằng và văn minh.

Nhìn lại những quyết sách phát triển giáo dục năm 2024

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi về dự thảo Luật Nhà giáo tại Quốc hội. (Ảnh: MOET )
(PLVN) - Xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, thúc đẩy chuyển đổi số đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thành chu trình đầu của chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018, kết thúc kỳ thi cuối cùng của CT GDPT 2006... là những dấu ấn nổi bật của ngành Giáo dục năm 2024 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố.

Đi học… hạnh phúc

Cô giáo xuất hiện trong bức ảnh đẹp nhất mùa khai giảng. (Ảnh: NVCC)
(PLVN) - “Người thấy được hạnh phúc của việc học sẽ làm được nhiều việc lớn lao” - là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại Hội thảo “Hạnh phúc trong giáo dục 2024” do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức.

Những vật dụng cấm mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT 2025

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó có quy định rõ về trách nhiệm của thí sinh và những vật dụng không được phép mang vào phòng thi.

Đối tượng nào được miễn thi tốt nghiệp THPT 2025?

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định rõ những đối tượng được miễn thi tất cả các môn, miễn thi Ngoại ngữ, miễn thi Ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT...