Tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư Phạm Đồng Nai vào năm 2001, chuyên ngành Ngữ Văn và về giảng dạy tại Trường THCS Đại Phước, đến năm 2005 thầy được chuyển công tác về trường THCS Phước Thiền. Đầu học kỳ I năm học 2005-2006, được Ban giám hiệu nhà trường tín nhiệm làm Tổng phụ Trách đội của trường.
Ngay trong năm học đầu tiên về trường THCS Phước Thiền, thầy đã được giao kiêm nhiệm vụ làm công tác Đoàn, Đội tại trường. Kể từ đó đến nay cái nghiệp làm tổng phụ trách Đội vẫn gắn với thầy như một duyên phận.
Nói về công việc của một tổng phụ trách Đội, thầy hào hứng cho biết: đối với bậc Trung học, các giáo viên tổng phụ trách Đội được xem là người chịu trách nhiệm chỉ huy các hoạt động bề nổi của nhà trường, duy trì nề nếp cho học sinh, qua đó góp phần hỗ trợ cho công tác giáo dục.
Say mê với công việc, với tình cảm dành tất cả những gì có thể cho đội viên, đặt mình vào các em để suy nghĩ và mong muốn rồi lại cố gắng làm vì các em, luôn bám sát kế hoạch hoạt động của nhà trường, có những tham mưu và đề xuất với BGH những ý kiến phù hợp với tình hình thực tế, được các giáo viên chủ nhiệm những Phụ trách đội ở các lớp ủng hộ. Thầy đã tổ chức nhiều hoạt động mới mẻ và sáng tạo: “Đôi bạn cùng tiến”, “Hoa điểm mười”, “Vở sạch chữ đẹp” là chất xúc tác để cuốn hút các học sinh hăng say học tập nâng cao thành tích của mình.
Ngoài việc cuốn hút học trò một yếu tố rất quan trọng nữa là phối hợp với các giáo viên chủ nhiệm. Trong cơ cấu tổ chức của Đội, mỗi giáo viên chủ nhiệm được coi là một huynh trưởng. Đây là những người trực tiếp gần gũi với các em, xây dựng nề nếp và giảng dạy ở các lớp.
Bên cạnh đó, thầy cũng thường xuyên vận động các mạnh thường quân đồng hành cùng học sinh nghèo vượt khó qua các hoạt động hỗ trợ xe đạp và tiền trợ cấp hằng tháng cho các học sinh nghèo vượt khó. Cụ thể, mỗi tháng 6 em học sinh nghèo có thành tích học tập tốt trong sẽ được trợ cấp 300.000 đồng/1 tháng để các em có thêm một phần kinh phí để trang trải việc học tập. Ngoài ra, các hoạt động nhân đạo từ thiện như: “Vòng tay bè bạn”, Nuôi heo đất, Quỹ thiếu nhi nghèo vượt khó, vận động các em học sinh ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam, người khuyến tật … cũng luôn được thầy quan tâm và thực hiện có hiệu quả.
Mặt khác, thầy luôn chủ động phối hợp với các giáo viên chủ nhiệm làm tốt công tác giáo dục học sinh cá biệt. Tổ chức chỉ đạo, triển khai và theo dõi phong trào thi đua ở các chi đội, các lớp một cách chặt chẽ, giúp cho các giáo viên nắm được sự tiến bộ của chi đội, của lớp mình phụ trách. Nhờ thế mà hoạt động Đội của Liên đội không đơn độc.
Thầy Lộc luôn quan tâm giúp đỡ các em học sinh nghèo vượt khó |
Nhận xét về Thầy Nguyễn Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường THCS Phước Thiền – Cô Phan Mỹ Linh cho biết: Là một giáo viên, Tổng phụ trách Đội lâu năm nên thầy Lộc có rất nhiều kinh nghiệm trong công tác Đội, thầy luôn năng nổ, sáng tạo, luôn tìm ra những cái mới, vì vậy đã góp phần đưa phong trào công tác Đội của nhà trường đi lên.
Em Võ Thảo Mi - Liên đội trưởng Trường THCS Phước Thiền chia sẻ: Đối với chúng em, thầy Lộc rất gần gũi, thầy dạy cho em cách làm một liên đội trưởng tốt, cách để điều hành, chỉ huy liên đội; thầy dạy cho chúng em điều hay lẽ phải trong cuộc sống, rèn cho chúng em nhiều kỹ năng…
Chính từ những cách nghĩ, cách làm đó mà trong suốt 13 năm qua, những Liên đội do thầy làm tổng phụ trách luôn được xếp là Liên đội tiên tiến xuất sắc cấp Huyện, cấp tỉnh.
Với những đóng góp trong công tác Đội và phong trào thanh thiếu nhi, Thầy đã được các cấp, các ngành tặng nhiều phần thưởng như: Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục, kỷ niệm chương vì thế hệ trẻ, Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS TPHCM, danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, bằng khen UBND tỉnh, Phụ Trách Đội giỏi cấp tỉnh, danh hiệu Phụ trách Đội giỏi cụm Miền đông nam bộ, danh hiệu Phụ trách Đội tiêu biểu, danh hiệu cánh én hồng của tỉnh Đồng Nai. Hiện nay là thành viên hội đồng huấn luyện kỹ năng đội của tỉnh Đồng Nai.
Đã ở độ tuổi ngoài bốn mươi ở cái tuổi tưởng chừng không còn phù hợp với công việc Tổng phụ trách đội nữa, nhưng ở thầy tâm hồn vẫn trẻ trung như lời tâm sự của thầy với tôi: “Một ngày tôi không được gần với các em là tôi nhớ lắm, đến với các em là tôi thấy mình yêu đời, yêu nghề hơn”./.