Người phụ nữ vượt qua nỗi đau để làm giàu

Người phụ nữ vượt qua nỗi đau để làm giàu
(PLO) - Đã từng có những tháng ngày mồ hôi hòa cùng nước mắt mặn đắng, nhưng chị Hoàng Thị Khoa, dân tộc Tày, thôn Khuôn Pồng, xã Trung Hà (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) vẫn kiên cường vượt qua. 

Đã hơn 10 năm kể từ ngày người chồng mà chị yêu thương ra đi vì tai nạn, một mình chị nuôi 3 người con ăn học, phát triển kinh tế gia đình. Giờ nhìn lại thành công cùng cơ ngơi khang trang mà chị đang sở hữu, ai cũng phải khâm phục ý chí và nghị lực “thép” của chị.

Hoạn nạn bất ngờ

Năm 2006, chồng chị bị điện giật mất mạng, để lại chị cùng 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn, con cả mới vào cấp 3, còn con út mới học tiểu học. Khóc cạn nước mắt thương anh, chị cũng thương cho các con, thương cho mình và lo cho tương lai của cả gia đình. Chị tự nhủ với bản thân, từ nay phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa, vừa làm mẹ, vừa làm cha để gia đình được yên ấm, thuận hòa, để các con được ăn no, mặc ấm, được đến trường không phải thua kém bạn bè.

Năm anh ra đi cũng là năm đầu tiên vườn cam của gia đình cho ra những lứa quả thương phẩm sau biết bao nỗ lực chăm bón của hai vợ chồng. Vườn cam hơn 100 gốc năm ấy quả sai trĩu mà sức chị thì có hạn, muốn mang cam đi bán là một hành trình vô cùng gian nan. Khuôn Pồng cách trung tâm xã hơn 10km, đường sá lầy lội rất khó đi, mà quãng đường xe ô tô đi từ trung tâm xã ra đến đường lớn để xuôi về thành phố cũng dài tới 30km. Biết mình phụ thuộc vào thương lái, họ đã tới tận thôn để thu mua cho dù đi lại khó khăn nên chị cũng không quản ngại vất vả dậy từ sáng sớm cắt rồi gánh cam tới tận xe hàng.

Vất vả lắm, đường đất trơn trượt, gánh cam cứ nặng trĩu, những ngày đông lạnh mà mồ hôi chị vẫn rơi suốt cả chặng đường gần 1km gánh cam. Nước mắt chị cũng rơi trong những ngày nhọc nhằn ấy. Mãi đến giữa vụ, khi bắt đầu thu được tiền bán cam chị mới thuê thêm người về phụ giúp. Chị kể, lúc ấy các con thương mẹ, đòi đến giúp nhưng chị không cho, sợ các con bỏ lỡ chuyện học hành. Chị cũng chỉ học đến hết lớp 5, biết đọc là đã thôi học rồi nên chị không muốn các con cũng như mình.

Năm 2006, từ bán cam, chị thu về hơn 80 triệu đồng. Số tiền này đã giúp chị có thêm vốn để đầu tư trồng thêm cây cam và mở rộng quy mô kinh tế của gia đình. Cuối năm 2007, chị đã có vườn cam hơn 1.000 gốc trên diện tích hơn 2ha, chị cũng bắt đầu thử nghiệm trồng một số loại cây mới như quýt vỏ giòn, bưởi diễn và đầu tư chuồng trại chăn nuôi trâu và lợn. Khi kể cho chúng tôi nghe về quyết định đầu tư làm kinh tế, chị bảo: “Lúc ấy tôi cũng không biết mình lấy đâu ra nhiều dũng khí đến như vậy, chỉ có một mình lo toan mà cái gì cũng muốn làm. Có lẽ, chính các con là động lực thúc đẩy tôi tiến về phía trước. Khi tôi trồng cam thì các con theo sau, đứa giúp mẹ dọn cỏ, đứa phụ tưới nước, cứ thế 4 mẹ con cùng nhau chuyện trò, lao động. Mỗi buổi tối nghe các con kể chuyện trường, chuyện lớp là tôi lại quên đi hết những mệt nhọc. Dù bố mất sớm nhưng các con rất mạnh mẽ, chúng luôn ủng hộ, ở bên tôi trong những lúc khó khăn nhất trong cuộc đời”.

Vượt lên số phận

“Mẹ tôi là một người mà không khó khăn nào có thể làm mẹ gục ngã. Kể từ ngày bố mất, mẹ đã luôn làm tất cả cho chúng tôi và vì chúng tôi”. Đó là lời chia sẻ chân thành, đầy xúc động mà anh Hà Văn Bin, con trai út của chị Khoa nói về mẹ của mình.

Anh Bin cho biết, giờ đây thu nhập của gia đình đã đạt gần 500 triệu đồng một năm, tất cả là nhờ vào sự tần tảo, chịu khó của mẹ. Không chỉ trồng cam giỏi, mẹ còn là một người rất “mát tay” trong chăn nuôi. Năm nay, do giá lợn sụt giảm nên gia đình đang tạm ngừng nuôi, những năm trước lứa lợn nào cũng thành công, bán được giá giúp cả nhà có thêm một khoản thu không nhỏ.

Mỗi một mùa cam, từng chuyến xe lại vào ra tấp nập, mẹ anh có một người quen ở Hải Phòng nên năm nào họ cũng về thu mua cam ngay tại vườn. Cam ở Trung Hà quả to, màu sắc đẹp lại có vị ngọt đậm đà nên rất được ưa chuộng, họ thường đặt mua cam ngay từ khi mới đậu quả nên giờ đầu ra không còn là nỗi lo nữa. Nhà nước cũng đã hỗ trợ để con đường vào Khuôn Pồng được trải nhựa, thuận cho người dân giao lưu, buôn bán.

Năm 2014, chị Khoa đầu tư mua thêm đất ở thôn Khuôn Nhòa để mở rộng diện tích trồng cam với mong muốn sẽ đưa cây cam trở thành một loại cây thế mạnh ở địa phương và tạo thêm việc làm cho một số lao động ở xã lúc nông nhàn. Trong những buổi họp thôn, chị đều động viên hộ nghèo cố gắng phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, mình có sức khỏe, có đôi bàn tay, yêu lao động thì không có gì là không thể vượt qua. Những ai cần cây giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc cam chị đều sẵn lòng giúp đỡ. Chị đã giúp cho mọi người vay phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đến khi nào thu hoạch, bán được cam thì trả lại cho chị.

Ông Ma Doãn Lưu, Chủ tịch UBND xã Trung Hà nhận xét về chị Khoa như sau: “Ở chị Khoa có những phẩm chất đáng quý của người phụ nữ Việt Nam, giàu đức hy sinh và nghị lực phi thường. Vừa là mẹ, vừa là cha, là trụ cột gia đình, với vai trò nào chị cũng làm rất tốt”. Những cán bộ ở xã thường hay nói vui với nhau rằng, chị Khoa là người có bộ sưu tập bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành nhiều nhất trong xã, có thể treo kín cả một bức tường lớn. Đặc biệt, năm 2012 gia đình chị được UBND huyện Chiêm Hóa khen thưởng “Gia đình tiêu biểu làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. 

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.