Phó đô đốc Hopper là người luôn có tư duy đổi mới. Một trong những câu nói đầy cảm hứng của bà là: “Con người dị ứng với sự thay đổi. Họ thích nói: ‘Chúng tôi luôn làm theo cách này’. Tôi cố gắng chống lại điều đó. Đó là lý do tại sao tôi có một chiếc đồng hồ treo tường chạy ngược chiều”.
Quyết tâm gia nhập Hải quân
Hopper (1906-1992) sinh ra ở thành phố New York. Bà là con cả trong gia đình có 3 người con. Ông cố của cô, Alexander Wilson Russell là đô đốc trong Hải quân Hoa Kỳ, đã chiến đấu trong Battle of Mobile Bay (là một trận đánh trong Nội chiến Hoa Kỳ).
Hopper từ nhỏ đã có tính tò mò. Năm 7 tuổi, bà đã tìm hiểu cách thức hoạt động của một chiếc đồng hồ báo thức và tháo dỡ bảy chiếc đồng hồ báo thức trước khi mẹ bà nhận ra mình đang làm gì. Nhiều lần bà đã bị cha mẹ mắng vì quá nghịch ngợm làm hỏng một số đồ vật trong nhà.
Hopper ban đầu đã bị từ chối cho nhập học sớm Cao đẳng nữ Vassar (New York) ở tuổi 16 bởi điểm kiểm tra tiếng Latinh của bà quá thấp, nhưng bà đã được nhận vào năm sau. Bà ấy đã tốt nghiệp Vassar năm 1928 với bằng cử nhân Toán học và Vật lý, sau đó lấy bằng Thạc sĩ tại đại học Yale vào năm 1930, cùng năm đó bà đã kết hôn với Giáo sư Vincent Foster Hopper.
Năm 1934, dưới sự hướng dẫn luận án của thầy Øystein Ore, Hopper lấy bằng Tiến sĩ Toán học ở Đại học Yale và được công nhận Phó Giáo sư năm 1941. Hopper đã cố gắng nhập ngũ vào Hải quân trước Chiến tranh Thế giới II. Bà đã bị từ chối vì khi đó bà đã 34 tuổi, độ tuổi quá tuổi để nhập ngũ cùng số đo cân nặng chỉ 40kg trong khi tiêu chuẩn thấp nhất là 54kg. Nhưng Hopper vẫn được nhận vào và cho đi đào tạo tại Trường Hải quân dự bị Midshipmen.
Bà Grace Murray Hopper bên bàn điều khiển UNIVAC I, năm 1960. |
Trong cuộc chiến năm 1943, Hopper xin nghỉ phép ở Vassar và tham gia Trường Hải quân dự bị Midshipmen. Bà được nhận vào và cho đi đào tạo tại Trường Hải quân dự bị Midshipmen. Năm 1944, Hopper ra trường với cấp bậc Trung úy.
Trong khoảng thời gian này Hopper là một trong những lập trình viên đầu tiên của chiếc máy tính Harvard Mark I của IBM - chiếc máy tính quy mô lớn đầu tiên ở Mỹ và bà đã viết một cuốn hướng dẫn vận hành hỗ trợ rất nhiều cho những người làm việc trên chiếc máy tính này sau đó.
Đột phá trong lập trình máy tính
Hopper và Aiken là đồng tác giả của ba bài báo về Mark I. Yêu cầu chuyển sang Hải quân chính quy của Hopper vào cuối cuộc chiến đã bị từ chối do tuổi đã 38. Bà tiếp tục phục vụ trong Lực lượng Dự bị Hải quân. Hopper vẫn làm việc tại Phòng thí nghiệm Tính toán Harvard cho đến năm 1949, từ chối hoàn toàn chức vụ Giáo sư tại Vassar để chuyển sang làm nghiên cứu viên theo hợp đồng Hải quân tại Harvard.
Năm 1949, Hopper trở thành nhân viên của Tập đoàn máy tính Eckert với tư cách là một nhà toán học cấp cao và tham gia nhóm phát triển UNIVAC I (thiết kế máy tính số điện tử đa dụng đầu tiên dành cho ứng dụng kinh doanh được sản xuất tại Hoa Kỳ). Hopper cũng từng là giám đốc UNIVAC về Phát triển Lập trình Tự động cho Remington Rand. UNIVAC là máy tính điện tử quy mô lớn đầu tiên có mặt trên thị trường vào năm 1950 và có khả năng xử lý thông tin cạnh tranh hơn so với Mark I.
Khi Hopper khuyến nghị phát triển một ngôn ngữ lập trình mới sử dụng hoàn toàn từ tiếng Anh, bà “rất nhanh chóng được thông báo rằng không thể làm điều này vì máy tính không hiểu tiếng Anh”. Dù vậy, bà vẫn cố giải thích: “Hầu hết mọi người đều dễ dàng viết một câu tiếng Anh hơn là sử dụng các ký hiệu. Vì vậy, tôi quyết định các bộ xử lý dữ liệu phải có thể viết các chương trình của chúng bằng tiếng Anh và các máy tính sẽ dịch chúng thành mã máy”.
Phó đề đốc Hải quân Hoa kỳ Grace Murray Hopper trong phòng máy tính năm 1978. |
Năm 1950, bà đã phát minh ra chương trình dịch (compiler) cho phép dịch ngôn ngữ tiếng Anh thông thường thành ngôn ngữ máy tính, nghĩa là các lập trình viên chỉ việc dùng ngôn ngữ thông thường khi viết các đoạn mã máy tính, trình dịch sẽ giúp “phiên dịch” để máy tính hiểu được. Phát minh này giúp giảm một khối lượng công việc khổng lồ cho các nhà lập trình, họ có thể lập trình dễ dàng hơn và ít lỗi hơn.
Năm 1952, bà có một trình tải liên kết hoạt động, lúc đó được gọi là trình biên dịch. Khi ấy không ai tin điều đó, không ai tin có một trình biên dịch đang chạy. Họ vẫn cho rằng máy tính chỉ có thể làm số học.
Nhưng bà kiên quyết khẳng định rằng trình biên dịch “đã dịch ký hiệu toán học thành mã máy. Thao tác ký hiệu là tốt cho các nhà toán học nhưng nó không tốt cho những người xử lý dữ liệu không phải là người thao tác ký hiệu. Rất ít người thực sự là người thao tác ký hiệu. Hầu hết mọi người viết một câu lệnh tiếng Anh dễ hơn nhiều so với việc sử dụng các ký hiệu. Vì vậy, tôi quyết định bộ xử lý dữ liệu phải có thể viết chương trình của họ bằng tiếng Anh và máy tính sẽ dịch chúng thành mã máy”.
Đó là sự khởi đầu của COBOL, một ngôn ngữ máy tính cho bộ xử lý dữ liệu. Người sử dụng có thể ra lệnh: “Trừ thuế thu nhập từ lương” thay vì cố gắng viết điều đó bằng mã bát phân hoặc sử dụng tất cả các loại ký hiệu. COBOL là ngôn ngữ chính được sử dụng ngày nay trong xử lý dữ liệu. COBOL được lấy từ các chữ cái đầu của từ Common Business-Oriented Language.
COBOL có rất nhiều chức năng để xử lý tập tin, nhất là theo cách xử lý hàng loạt (batch processing - xử lý theo lô). COBOL rất dễ viết, dễ đọc lại dễ sửa hoặc viết thêm vào. Hiện tại COBOL là ngôn ngữ chạy nhiều nhất trên các máy tính Mainframe. Năm 2006, công ty nghiên cứu thị trường công nghệ thông tin Gartner thông báo: hiện tại 60% các chương trình máy tính chuyên nghiệp được viết hằng ngày bởi ngôn ngữ COBOL.
Năm 1954, Hopper đã được chọn làm Giám đốc đầu tiên của Công ty lập trình máy tính, bà và cộng sự đã cho ra sản phẩm ngôn ngữ lập trình đầu tiên như MATH-MATIC và FLOW-MATIC. Hopper cũng là một trong những người đã đưa ra các ý tưởng ngôn ngữ lập trình và phát triển các phần mềm ứng dụng khác. FLOW-MATIC chính là trình dịch thứ hai do Hopper phát minh, góp phần quan trọng trong việc sản xuất máy tính thương mại UNIVAC I và II.
Năm 1959, Hội nghị về hệ thống dữ liệu ngôn ngữ (CODASYL) đã quy tụ các chuyên gia máy tính từ ngành công nghiệp và chính phủ, Hopper là một trong những người dự hội nghị và thuyết trình về ngôn ngữ lập trình máy tính. Vào những năm 1970, Hopper đã vận động để Bộ Quốc phòng Mỹ thay thế hệ thống máy tính tập trung bằng mạng lưới nhỏ các máy tính, tiện lợi cho người sử dụng hơn.
Từ năm 1967 đến năm 1977, Hopper là Giám đốc Văn phòng Thông tin quy hoạch hệ thống Hải quân và năm 1973 Hopper được thăng cấp Đại úy và phát triển ngôn ngữ lập trình COBOL, từ đó Hopper có biệt danh “Amazing Grace” (Grace kinh ngạc) và biệt danh khác là “bà COBOL”.
Năm 1985 bà được phong cấp bậc Chuẩn Đô đốc và nghỉ hưu (tự nguyện) từ ngày 14/8/1986. Tại một buổi lễ được tổ chức tại Boston vào dịp bà về hưu, Hopper đã được trao Huân chương của Quốc phòng Mỹ. Ngoài ra bà còn nhận được 40 bằng danh dự của nhiều trường đại học trên thế giới.