Lụa tơ sen được mệnh danh là kim cương của vải vóc
“Bóng chiếc thoi đưa ánh mắt long lanh/ Trời đất Hà Tây tay em dệt lụa…/Sông Tích, sông Đà giăng lụa mênh mông…”.
Qua những câu hát trong bài Hà Tây quê lụa của cố nhạc sỹ Nhật Lai, một vùng đất Hà Tây xưa hiện lên sống động, đẹp đẽ, sơn thủy hữu tình. Đời sống con người cũng gắn liền với lụa, sông nước uốn quanh hay cánh đồng thẳng tắp cũng mang hồn của lụa. Nhắc đến Hà Tây, người ta luôn phải nhắc đến lụa.
Thế nhưng nghề dệt, tinh hoa đất Hà Tây xưa dù không đầu hàng nhưng cũng đành chịu lép vế trước những ngành nghề mới nổi, sản phẩm dệt phải “vật lộn” để giữ cho mình một góc nhỏ trên thị trường. Cũng vì thế, phần nhiều những con thoi, khung cửi đã phải nằm im, lùi vào dĩ vẵng, nghề dệt lụa tồn tại thoi thóp, có những nghệ nhân dù tâm huyết giữ nghề nhưng cũng lực bất tòng tâm.
Làng Phùng Xã (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cách trung tâm thành phố Hà Nội chừng 40km về phía nam. Nghề dệt lụa cổ truyền ở đây không nổi tiếng như ở làng Vạn Phúc nhưng cũng đã có lịch sử hàng trăm năm tồn tại. Không tránh khỏi xu thế, nghề dệt lụa tơ tằm ở Phùng Xã cũng đang dần mai một, mất sức cạnh tranh trên thị trường. Vì thế mà khi lớp nghệ nhân già không còn được mấy người, những người trẻ thì không còn động lực để mặn mà với nghề nghiệp cha ông truyền lại.
Sinh ra ở Phùng Xã trong một gia đình có nhiều đời làm nghề dệt, nghệ nhân Phan Thị Thuận tự gánh lên vai mình trách nhiệm bảo tồn nghề dệt tinh hoa của tổ tiên truyền lại. Năm nay đã gần thất thập, nhưng người nghệ nhân vẫn không ngừng nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm của mình để mở một lối đi mới cho “cái nghề muôn năm cũ” đang gần như phải dừng bước trên những lối mòn quá khứ.
Thu sợi tơ từ cuống sen. |
Tơ sen là một loại sợi tự nhiên như tơ tằm. Từ xưa, nhiều nghệ nhân đã cố gắng nghiên cứu cách dệt tơ sen thành lụa nhưng kỹ thuật vẫn chưa hoàn thiện. Quyết tâm tìm một hướng đi mới cho nghề dệt, nghệ nhân Thuận đã bỏ hàng năm trời, dồn tâm huyết, tài lực để nghiên cứu kỹ thuật dệt tơ sen. Cuối cùng thì những tấm lụa từ loại tơ hảo hạng này cũng hoàn thành, sản phẩm mới được thị trường ưa chuộng, mở ra triển vọng cho nghề dệt cổ truyền.
Tơ sen dù nhiều nhưng lại khó lấy. Tơ chỉ có thể thu hoạch trong những cuống sen tươi, nếu cuống sen để qua ngày thì đành đổ bỏ vì tơ lúc này không còn đạt phẩm chất cần thiết. Công đoạn lấy tơ cũng rất khó khăn, vì sợi tơ mảnh, rất dễ bị đứt đoạn. Mỗi ngày một thợ lành nghề thu hoạch tơ được nhiều lắm cũng chỉ độ hơn 200 cuống sen.
“Ưu tiên những cuống non, vì sợi tơ từ những cuống này có phẩm chất tốt nhất, thơm, mịn, sáng. Cuống cũng phải tươi, không được để qua ngày. Cuống sen thu hoạch lên phải rửa thật sạch, bỏ hết gai để tránh ảnh hưởng đến chất lượng tơ. Người xe tơ phải chuyên tâm, tỉ mỹ và đều tay để sợi tơ luôn đều, không dày, không mảnh”, nghệ nhân Thuận mô tả.
Ngắm nhìn những người thợ đang xe tơ, khó có ai có thể rời mắt, mỗi công đoạn trong quá trình làm ra dải lụa cũng đều mang đậm màu nghệ thuật. Người thợ dùng con dao nhỏ khứa đều một vòng xung quanh cuống sen, vết cắt không nông quá cũng không sâu quá. “Nếu cắt nông quá thì khi bẻ cuống sen sẽ không gãy dứt khoát, còn nếu sâu quá thì sợi tơ bên trong cũng sẽ bị cắt đứt”, một người thợ giải thích.
Sau khi khứa, những người thợ sẽ xếp từng bó chừng 5 cuống sen rồi cầm hai tay bẻ đôi, kéo hai phần ra xa nhau để lộ ra những sợi tơ. Những sợi tơ mảnh sau đó được xe lại để bền hơn, không bị đứt. Công đoạn xe sợi yêu cầu người thợ phải luôn đều tay để sợi tơ được đều, mịn.
Sợi sau khi xe được quấn thành ống, mắc lên khung cửi để dệt thành những tấm lụa hảo hạng. Phải cần tới chừng năm nghìn cuống sen thì mới đủ sợi để dệt một tấm vải nửa mét vuông. Để làm một chiếc khăn quàng cổ thì một người thợ phải mất gần một tháng.
Thu hoạch sợi tơ sen khó khăn vô cùng, công đoạn dệt cũng vất vả. Lụa sen được coi là kim cương trong thế giới của vải vóc không chỉ vì thơm, mềm đặc trưng mà còn vì sự vất vả, khó khăn trong quá trình làm ra nó.
Sẵn sàng truyền nghề cho bất kỳ ai muốn học
“Ngày đó, nhà không có ruộng sen, vì tính làm lâu dài, để vừa chủ động, vừa tiết kiệm nên tôi đã mua lại một đám ruộng sen ở trong thôn để lấy nguyên liệu. Phải mất hai năm nghiên cứu tỉ mỷ từng công đoạn, vì tơ sen là một loại nguyên liệu đỏng đảnh, luôn yêu cầu sự tỉ mỉ, công phu”, nghệ nhân Thuận nhân tâm sự về những ngày đầu nghiên cứu loại lụa mới.
Dù tốn kém tiền của, tốn công phu, tâm huyết nhưng người nghệ nhân già khẳng định rằng, chỉ cần ai muốn học, có tâm huyết học thì bà sẵn sàng truyền nghề. Tuy nhiên, người thợ phải chuyên tâm và phải làm việc có nguyên tắc rõ ràng.
Trong xưởng dệt của nghệ nhân Thuận có chừng 20 thợ, già có, trẻ có, mới có, cũ có. Mỗi người một công đoạn, riêng nghệ nhân thì thường đi khắp xưởng để vừa chỉnh tay nghề, vừa kiểm tra sản phẩm ở mọi công đoạn. Bà thường nán lại lâu hơn ở những người thợ mới đến, chỉ bảo tận tâm, tận tình nhưng rất nguyên tắc và nghiêm khắc.
Người thợ già nhất trong xưởng cũng chỉ thua bà Thuận gần chục tuổi, cũng đã gắn bó với xưởng ngót chục năm. Những người thợ đến đây thường được giao học và làm một công đoạn, được bà Thuận cầm tay chỉ việc cho đến khi thành thạo mới thôi. Dù vậy, để thành thạo đến mức độ nghệ nhân, thành thạo ở tất cả các khâu thì không chỉ yêu cầu thời gian, tư chất mà người thợ phải tâm huyết, có khi phải nghĩ đến việc sống chết với nghề.
Bà Thuận cũng mộc mạc như những khung cửi trong xưởng dệt, bao năm nay vẫn vậy, không hề thay đổi. Bà cũng nổi tiếng là người kỹ tính từ thời còn là con gái, đã làm là phải làm đến cùng và phải chuẩn chỉ. Có lẽ nhờ tính cách đó đã giúp bà không ngừng cố gắng để nghiên cứu ra sản phẩm lụa sen để đời của riêng mình.
Bà thừa nhận mình là người nghiêm khắc, bà không chấp nhận bất cứ sự hời hợt nào trong sản phẩm. Đã không làm thì thôi, một khi đã động tay vào sợi tơ sen, mọi quy trình phải theo khuôn phép và cẩn thận. “Tơ sen mỏng manh lắm, nên bàn tay người thợ nếu không mềm mại, không chỉn chu sẽ chẳng thể làm nổi những sản phẩm đẹp và tinh tế”, người nghệ nhân nói.
Bất kỳ ai mắc lỗi bà đều chỉ bảo ôn tồn, nhẹ nhàng, nếu là lỗi chung thì bà sẽ nhắc để mọi người cùng nhớ, nếu lỗi riêng thì bà sẽ chỉ nói nhỏ từng người. Tuy nhiên, nguyên tắc của bà không chấp nhận ai phạm một lỗi đến hai lần.Nghệ nhân Thuận kỳ vọng việc sản xuất lụa tơ sen sẽ tạo ra hướng đi mới, nâng cao giá trị lao động của nghề dệt vải, khôi phục và phát triển nghề dệt thủ công cổ truyền đang dần mai một.