Ngày 1/4, trả lời câu hỏi của báo chí: Gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động, điển hình như vụ ở dự án Đường sắt trên cao (Hà Nội), dự án Formosa Hà Tĩnh... Xin người Phát ngôn Chính phủ cho biết phải chăng công tác quản lý, giám sát thi công của Việt Nam có vấn đề dù đã được cảnh báo từ lâu hay do các chủ đầu tư nhận thầu với giá thấp nên công tác thi công, an toàn không được bảo đảm?
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Người phát ngôn Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết: Hệ thống văn bản pháp luật về an toàn lao động đã được ban hành khá đầy đủ, như: Nghị định 45/2013/NĐ-CP điều tiết về an toàn lao động, vệ sinh lao động; Quy chuẩn QCVN 18:2014/BXD về an toàn trong xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Theo chức năng nhiệm vụ, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn thường xuyên kiểm tra an toàn lao động trên công trường. Chẳng hạn, tại dự án Formosa Hà Tĩnh, trong năm 2014 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh và Sở Xây dựng Hà Tĩnh đã nhiều lần kiểm tra công tác bảo đảm an toàn lao động tại đây và đã xử phạt trên 1 tỷ đồng.
Theo pháp luật trong mọi trường hợp, chủ đầu tư và nhà thầu phải chịu trách nhiệm chính về vấn đề an toàn lao động, không phụ thuộc vào giá bỏ thầu. Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Thông tư số 04/2010/TT-BXD về hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, trong đó có chi phí quản lý về an toàn lao động.
Ngay sau khi xảy ra các sự cố, tai nạn lao động ở dự án đường sắt trên cao, sập đường hầm thủy điện Đạ Dâng ở Lâm Đồng, dự án Formosa Hà Tĩnh, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan tập trung khắc phục sự cố; kiểm tra, đánh giá, xác định nguyên nhân cụ thể để xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật.
Để tăng cường quản lý về chất lượng, hạn chế các sự cố, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014, trong đó quy định cụ thể, chi tiết việc quản lý chất lượng công trình. Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, thanh tra, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định về an toàn lao động, chất lượng công trình.
Bộ Xây dựng đang tích cực thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị bổ sung một số giải pháp sau: Cơ quan chuyên môn về xây dựng sẽ tăng cường kiểm soát an toàn vệ sinh lao động kết hợp với kiểm tra chất lượng công trình xây dựng; tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiên quyết xử phạt nghiêm vi phạm về an toàn lao động trong hoạt động xây dựng; công khai thông tin các nhà thầu và vi phạm của nhà thầu trong hoạt động xây dựng; cấm đấu thầu hoặc trừ điểm trong quá trình đấu thầu nếu vi phạm về an toàn lao động; ban hành các quy định kiểm định nghiêm ngặt đối với các thiết bị, máy, vật tư trong thi công xây dựng trong đó có hệ thống giàn giáo.
Trước đó, như PLVN đã đưa tin, ngày 31/3 Công an Hà Tĩnh đã có buổi làm việc với các ngành chức năng để thống nhất phương án, điều tra làm rõ nguyên nhân xảy ra tai nạn và trách nhiệm của các bên liên quan.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các ngành đã nghe Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh báo cáo kết quả điều tra ban đầu, các tài liệu, chứng cứ thu thập được từ công tác khám nghiệm hiện trường…
Sau khi phân tích các tài liệu, chứng cứ, lãnh đạo các ngành liên quan xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm hình sự, cần khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ.
Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu được, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án liên quan đến hành vi "Vi phạm các quy định về an toàn lao động" theo Điều 227 – Bộ luật Hình sự nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam./.