Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) là một trong những việc mà Đảng và Nhà nước ta đã, đang làm trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhằm giúp cho người nông dân được hưởng cuộc sống no đủ hơn, yên tâm hơn đối với cây trồng, vật nuôi của mình ... BHNN cần thiết với người nông dân như “con trâu, cái cày” nhưng thực tế, họ lại thờ ơ, tại sao?.
TS.Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, ông Lượng trao đổi xung quanh vấn đề.
- Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Hội nghị T.Ư 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ: “Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, ngày 01/3/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 315/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm BHNN giai đoạn 2011-2013.
Theo đó, các doanh nghiệp được tham gia thí điểm BHNN bao gồm: TCty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng CTCP Bảo Minh và Tổng CTCP Tái bảo hiểm quốc gia – Vinare và sắp tới sẽ có thêm sự tham gia của Tổng CTCP Bảo hiểm nông nghiệp (ABIC).
|
Ông Nguyễn Duy Lượng-Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam |
- Có thể nói, thời gian qua, mặc dù BHNN đã được thí điểm ở nhiều địa phương, nhưng “tiếng nói”giữa doanh nghiệp bảo hiểm và người nông dân vẫn “lạc nhau”, tại sao thưa ông?
- BHNN là cơ chế mới, phức tạp, chưa có tiền lệ, cơ chế chính sách ban hành chưa hoàn chỉnh. Ngay cả các cơ quan ban ngành ở trung ương, địa phương và các doanh nghiệp bảo hiểm cũng có những khó khăn khi triển khai nghiệp vụ này, bởi phạm vi đối tượng, địa bàn hoạt động của loại hình bảo hiểm này khá rộng; sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, manh mún, lại chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, mưa lũ, hạn hán, dịch bệnh... Bản thân các DN bảo hiểm tham gia chương trình này cũng thừa nhận, sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp vẫn chưa hấp dẫn là lý do khiến số hộ nông dân tự nguyện mua không nhiều, chỉ những hộ được hỗ trợ mới tham gia.
Theo phản ánh từ các địa phương, nhiều yêu cầu của người dân không phù hợp với các nguyên tắc của bảo hiểm, đơn cử, người dân mong muốn bảo hiểm tất cả các loại thiên tai, dịch bệnh, cả những tổn thất không phải do rủi ro thì về nguyên tắc, bảo hiểm chỉ bảo hiểm rủi ro, không bảo hiểm sự chắc chắn. Hay trong khi nguyên tắc bảo hiểm là trung thực tuyệt đối, người nông dân vẫn không muốn cung cấp các chứng từ có liên quan, thực hiện các thủ tục cần thiết, dù đã được tiết giảm khá nhiều.
Thậm chí, người dân thì mong mỏi số tiền bảo hiểm được cao hơn nhưng phí bảo hiểm thấp, điều này rất khó thực hiện được.
Đơn cử, theo quy định hiện hành, với cây lúa chỉ có bảo hiểm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen, dịch rầy nâu ... nhưng còn một số bệnh quan trọng khác như bạc lá, sâu cuốn lá; hay như chuột gây hại rất lớn trên đồng ruộng thì lại chưa có bảo hiểm. Mặt khác, phí bảo hiểm còn cao. Một vụ lúa phải nộp 20 nghìn đồng/sào, cả năm là khoảng 40 nghìn đồng, tương đương 10 cân thóc của xã viên. Hiện nông dân đang đóng góp nhiều khoản, như làm đường thôn xóm, trường… cách đóng góp đều dựa vào số hộ, đầu sào, khiến người nông dân đắn đo khi tham gia BHNN.
- Trước phàn nàn của người nông dân về mức phí và đối tượng được bảo hiểm, các Bộ ngành đã vào cuộc để “gỡ vướng”. Xin ông cho biết cụ thể?
- Trước kiến nghị của các địa phương về những điểm còn chưa hợp lý khi triển khai loại hình bảo hiểm mới này, Bộ Tài chính đã tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tháo gỡ tất cả những khó khăn phát sinh nhằm đẩy nhanh tiến trình của công tác này.
Trong Dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm nông nghiệp cũng đang được sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Cụ thể, sẽ mở rộng đơn vị được bảo hiểm theo hướng đơn vị được bảo hiểm có thể là thôn hoặc hợp tác xã hoặc cánh đồng (tùy theo đặc thù từng địa phương); giảm diện tích lúa bị hại trong thời gian cấy sạ để được hưởng bồi thường chi phí gieo trồng lại xuống 5 ha (thay vì 20% diện tích lúa thực tế trong xã bị thiệt hại theo quy tắc hiện hành); Bỏ quy định hiện hành về quy mô chăn nuôi trang trại, điều kiện số lượng vật nuôi tham gia bảo hiểm và mức miễn thường không khấu trừ đối với rủi ro dịch bệnh; số tiền bảo hiểm đối với bò sữa là 60 triệu đồng thay vì 35
triệu đồng.
Ngoài ra, trên cơ sở đề nghị của các địa phương về việc nâng mức năng suất được bảo hiểm, Dự thảo cũng sẽ nâng mức năng suất được bảo hiểm đối với các tỉnh Đồng Tháp, An Giang là 90%, các tỉnh còn lại là 85%. Về tỷ lệ phí bảo hiểm cây lúa, sẽ điều chỉnh giảm 5% phí bảo hiểm cho tất cả tỉnh thành và áp dụng tỷ lệ phí tương đồng với 3 miền Bắc, Trung, Nam. Cụ thể, miền Bắc (Nam Định, Thái Bình) 4,97%, miền Trung (Bình Thuận, Nghệ An, Hà Tĩnh) 4,53% và miền Nam (An Giang, Đồng Tháp) 2,19%. Đồng thời, giảm phí bảo hiểm đối với tất cả vật nuôi, cụ thể, trâu bò (3,6%/năm), lợn nái – lợn đực giống (4%/năm), gà thịt (3%/chu kỳ chăn nuôi), gà đẻ trứng (4%/năm)
Thêm nữa, được biết, Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ kinh phí cho các địa phương và Bộ NN&PTNT để thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp là 25,9 tỷ đồng và sẽ được cấp trong hai năm 2012 và 2013. Cụ thể, mỗi tỉnh Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bình Định, Bình Thuận, An Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau được hỗ trợ 1,5 tỷ đồng (1 tỷ đồng cho năm 2012 và 500 triệu đồng cho năm 2013).
Riêng Nghệ An, do thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đối với cây lúa và trâu bò, lợn, gia cầm nên được hỗ trợ 3 tỷ đồng (cấp 2 tỷ đồng năm 2012 và 1 tỷ đồng năm 2013). Các địa phương được điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50% là Hải Phòng, Bắc Ninh, Đồng Nai được ngân sách hỗ trợ 750 triệu đồng.
- Để nông dân hiểu rõ hơn vấn đề này, theo ông công tác tuyên truyền như thế nào để bà con nhận thức được quyền lợi của mình.
- Thiết nghĩ, để BHNN “đến gần” với nông dân, Hội Nông dân Việt Nam nhận thấy BHNN là vấn đề mới không chỉ với nông dân mà ngay cả cán bộ hội các cấp chưa hiểu sâu sắc và cặn kẽ. Vì vậy, để nông dân hiểu rõ mục đích và lợi ích khi tham gia BHNN, cần có sự tham gia ngay từ đầu của Hội Nông dân các cấp trong việc tuyên truyền, vận động nông dân tham gia BHNN cũng như giám sát quá trình thực hiện BHNN đảm bảo công bằng, hiệu quả.
Đặc biệt, mục tiêu xuyên suốt quá trình triển khai và thực hiện BHNN phải đặt lợi ích của nông dân lên hàng đầu. Đồng thời, cần sự phối kết hợp của chính quyền địa phương trong việc rà soát, thống kê các đối tượng hộ dân có chính sách, diện tích cây trồng, tổng đàn gia súc, vật nuôi ... như các chỉ số năng suất, giá trị kinh tế để làm căn cứ cho việc tính phí BHNN cũng như xác định điều khoản hợp đồng và giải quyết bồi thường ...
- Trân trọng cảm ơn ông!
PVKT (thực hiện)