Kẻ đi “ngược dòng”…
Bạn bè bên Đức nay gặp lại Luật gia Nguyễn Trọng Cử chắc không nhận ra. Da dẻ rám nắng, quần áo tuềnh toàng, đúng chất lão nông tri điền. Bao nhiêu trắng trẻo, hồng hào bơ sữa coi như đã trả hết cho đất khách quê người.
Cử quê Đức Thọ, Hà Tĩnh. Thế nào mà sau khi tốt nghiệp lại “ăn cỏ đồng người”- lấy vợ Đức. Hai dòng máu Đức- Việt, một da trắng, một da vàng kết hợp sinh được 4 người con. Cũng không biết có phải vì nghề nghiệp hay còn vì cả tình yêu mà vợ Cử nói tiếng Việt rất giỏi. Nhưng rồi đến một ngày, nhớ mẹ già ở quê, nhớ xứ sở, cả nhà ông quyết định về nước. Trong ý thức, cả hai vợ chồng Cử mong muốn các con được trải nghiệm văn hóa Việt, không xa lạ với quê cha đất tổ.
Cử về Việt Nam đầu những năm hai nghìn. Mua căn nhà phố ở ngõ Thọ Xương, cách Bờ Hồ mấy bước chân. Ban đầu lão làm tư vấn đầu tư, kéo “bọn Đức” sang hợp tác làm ăn với những tập đoàn lớn của Việt Nam. Đội của Nguyễn Trọng Cử ở bên Đức thời kỳ đó là đội mạnh, đồng Mark giắt đầy lưng. Nhiều bạn bè nghe Cử rủ rê cũng về nước, rồi góp tiền cùng làm nhà máy. Đội Đức không hiểu sao không máu me buôn đất, có thể vì thế mà đến nay có vẻ mờ so với các soái Nga. Hồi ông Phạm Hùng làm Tổng Giám đốc Lilama, lâu lâu lại thấy Cử xuất hiện cùng mấy lão Tây, bàn toàn chuyện nồi hơi, tua bin, gạch chịu lửa…
Cử nguyên là dân chuyên văn Phan Bội Châu thời còn Nghệ Tĩnh sang Đông Đức học luật ở Trường Đại học tổng hợp Các Mác Leipzig học luật 1978, tốt nghiệp thuộc loại xuất sắc. Sau sự kiện bức tường Berlin sụp đổ, Cử trở thành một luật gia của Bô phận đặc trách ngoại kiều thành phố Leipzig – một công việc danh giá mà nhiều người Đức cũng mơ ước.
Nhưng sẵn gen cần cù, chịu khó của người Việt, kiến thức thu nạp mấy năm du học Đông Đức, lại đang độ tuổi vàng của năng lượng và sáng tạo, nên khi tiếp xúc với “văn minh” Tây Đức, Cử và nhiều bạn bè một thuở nhanh chóng tích luỹ được không chỉ tiền bạc mà còn là kinh nghiệm, trình độ làm ăn, kinh doanh. Bối cảnh kinh tế trong nước đầu những năm 2000 khi đổi mới đã đi được những bước thành công đáng kể, có thể coi là miền đất hứa cho những Việt kiều như Cử.
Thế nhưng, không dễ hài lòng với hoàn cảnh cũng là một nét tính cách “rất Cử”. Chả thế, đang “xuôi chèo mát mái” tự nhiên Cử bỏ phố lên rừng- một miền “khỉ ho cò gáy” cách thị trấn Sa Pa (Lào Cai) mười mấy cây số. Không phải lánh đời để tu luyện nhân tâm, mà là để bắt đầu một cuộc “khởi nghiệp” hoàn toàn mới, nghe có vẻ trái khoáy: Nuôi cá hồi, cá tầm ở… trên rừng.
Ông Nguyễn Trọng Cử |
Không khoan nhượng
Không ngoa khi gọi Cử là một trong những “thành hoàng” của làng nuôi cá nước lạnh Việt Nam. Sát cánh cùng Cử là các chuyên gia ở Trung tâm nghiên cứu Thuỷ sản nước lạnh và đặc biệt là là Udo Grob, người bạn Đức lâu năm, chuyên gia hàng đầu về cá nước lạnh.
Đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, từ cơ sở ban đầu ở Thác Bạc, Sa Pa đến nay hệ thống trại cá nước lạnh công nghệ Đức của Nguyễn Trọng Cử đã hiện diện khắp nước với nhiều trang trại cá tầm, cá hồi mới từ Thác Vàng (Sa Pa), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Đà Bắc (Hòa Bình) đến Thanh Hóa và cả Đà Lạt (Lâm Đồng). Mới đây Bộ Khoa học và Công nghệ còn tin tưởng giao cho Cử một Dự án sản xuất giống cá hồi vân tại Sa Pa để nội địa hóa giống cá hồi làm cơ sở phát triển bền vững cho ngành thủy sản nước lạnh non trẻ của Việt Nam.
Nhưng đời không phải lúc nào cũng “thuận” với những doanh nhân muốn làm ăn tử tế. Những “sóng gió” đến với Luật gia Cử trong thương trường tiếc là không phải đến từ sự cạnh tranh khốc liệt với những đối thủ xứng tầm mà lại đến từ đám buôn lậu, những kẻ chỉ muốn đứng trên pháp luật để làm giàu.
Thời điểm 2014-2014, Cử khốn khổ với đám buôn lậu trứng cá tầm, cá hồi xuyên quốc gia. Cử kể, ở phía Bắc hệ thống nuôi cá tầm, cá hồi của ông ở Sa Pa, Hòa Bình đối diện với nguy cơ bị “nhấn chìm” bởi đường dây chuyên buôn thủy hải sản, cá tầm lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Trong khi ở phía Nam, những cơ sở cá nước lạnh đang được ông đầu tư mở rộng lại rơi vào tình trạng bị “đánh sập” bất cứ lúc nào với đường dây buôn lậu trứng cá từ Đông Âu “xách tay” về Lâm Đồng.
Để bảo vệ nghề nuôi cá nước lạnh non trẻ có thể sống sót và tồn tại trước vấn nạn buôn lậu, luật gia Cử cùng Hiệp hội Cá nước lạnh Việt Nam đã không quản ngại va chạm, nguy hiểm gõ cửa nhiều cơ quan chức năng: Từ Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y, Tổng cục Hải quan… và cả Báo Pháp luật Việt Nam để lên tiếng, tìm sự hỗ trợ, đưa ra công luận những tổ chức, cá nhân tiếp tay, bao che cho các đối tượng buôn lậu.
Đến nay, tình trạng buôn lậu cá tầm, cá hồi được chấn chỉnh và lắng xuống phần nào nhưng vẫn còn đó những nỗi lo với những người tâm huyết, nghiêm túc biết lo cho tương lai ngành thủy sản nước lạnh như Luật gia Cử. “Việc buông lỏng quản lý, thậm chí tiếp tay cho đường dây buôn lậu giống cá ngoại lai đang thực sự đe dọa ngành thủy sản nước lạnh còn non trẻ của Việt Nam. Tôi là người trong cuộc và trước vấn nạn này chẳng có lý do nào để tôi im lặng cả..”- Luật gia Cử nói.
Người kết nối
Trong một lần trò chuyện với tác giả, vị luật gia thích nuôi cá này nói rằng, với thông điệp “Mô hình cá sạch từ trang trại đến bàn ăn”, ông muốn nói về một lẽ sống: Một người đàn ông chân chính phải tạo ra được sản phẩm thật cho xã hội bằng lao động của chính mình. Cá tầm cá hồi là một trong những sản phẩm chất lượng nhất tạo nên trí tuệ và sức khỏe của nhân loại, nó phải có mặt trên mâm cơm gia đình Việt Nam.
Một nhà văn nổi tiếng khi biết về mô hình “Cá sạch từ trại nuôi đến bàn ăn” đã đặt cho Nguyễn Trọng Cử một tên rất vui tai: “Cá Cử“. Cơ sở 46 An Dương, Tây Hồ, Hà Nội được mang tên “Nhà hàng Cá Cử“. Nhưng tham vọng hơn, Luật gia Cử còn mong muốn xây dựng nơi đây không chỉ là một không gian ẩm thực sạch mà còn là một không gian giao lưu văn hoá – nghệ thuật. Những đêm thơ, buổi ra mắt sách, đêm "Âm vang di sản dân ca Việt Nam", Nhạc Bolero đầu tiên đã được tổ chức và nhận được nhiều sự tán thưởng từ giới văn hóa – nghệ thuật đất Hà thành. Đặc biệt 9 loại hình nghệ thuật dân ca Việt Nam đã được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể của nhân loại sẽ được giới thiệu tại dây cho các ngoại giao đoàn và khách quốc tế.
Ông Phạm Ngạc, một cán bô ngoại giao thâm niên từng là Đại sứ Việt Nam tại Bắc Âu và Liên Hợp quốc rất tâm đắc từ “ngoại giao nhân dân” của Cử khi tham gia buổi giao lưu ấn tượng của Đoàn đại biểu Nông nghiệp Đức với đại diện Hội Nghề cá Việt Nam, Sứ quán Đức, Viện Goethe do Cử tổ chức ở 46 An Dương vào cuối tháng 2/2018.
Mô hình “Ngoại giao nhân dân” cũng từng được ca ngợi khi tháng 2/2017, Phó Thủ tướng Cộng hoà Uzbekistan kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Uzbekistan, ngài Mirzaev Zoiyr cùng Đoàn công tác của nước bạn đã dành trọn một ngày lên Sông trại Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình, thăm một trong những cơ sở nuôi cá của ông và kí biên bản hợp tác nuôi cá tầm.
Với sản phẩm "cây nhà lá vườn" - “Caviar made in Vietnam“, một bữa tiệc được tổ chức ngay trên Sông trại Đà Bắc để thết đãi những vị khách quý đến từ phương xa. Cử dí dỏm: “Ngoại giao nhân dân” gồng gánh “bang giao quốc gia”. Người đi nuôi cá đi làm “ngoại giao” bằng chuyên môn của mình”.
Nói về Cử, Anh hùng Lao động Phạm Hùng chỉ dùng một chữ "kết nối". Theo ông Hùng, đây là năng lực tuyệt vời của Nguyễn Trọng Cử: kết nối văn hóa Đông – Tây, kết nối hai dòng máu Đức Thọ và Đức "Tây", kết nối nông nghiệp Việt với công nghệ Đức và đặc biệt là kết nối bạn bè...
Đó là một góc nhìn, còn từ những thành tựu hôm nay nhìn lại hành trình "ngược dòng" của Nguyễn Trọng Cử, có thể phần nào giải mã chìa khoá nguồn năng lượng lao động không mệt mỏi của người đàn ông này- chính là tình yêu gia đình, quê hương đất nước, xứ sở.