Cổ vật người Thái đang “chảy máu”
Từ Hà Nội, chúng tôi vượt gần 300km để đến với các bản làng người Thái của huyện Quan Hóa (Thanh Hóa). Nơi đây, bà con vẫn còn sống hoang sơ bởi đa phần là các nhà sàn. Chính vì sự hoang sơ của nó nên trong các gia đình vẫn còn giữ lại rất nhiều đồ cổ quý hiếm như chiêng, sanh, liễn, niêu… có niên đại hàng nghìn năm lịch sử. Các cổ vật này đều làm bằng đồng thau và có in hình hoa văn.
Trước kia do cuộc sống đói nghèo nên nhiều gia đình phải cắn răng đem bán những món đồ cổ gia truyền từ nhiều đời mà họ vốn coi như một phần máu thịt của mình để đổi lấy miếng cơm, manh áo. Xưa kia trong cộng đồng người Thái ở Quan Hóa, các đồ vật chỉ truyền qua các thế hệ, hoặc trao đổi trâu bò với nhau chứ ít khi đem bán nên đồng bào thậm chí không biết chúng có giá trị trao đổi lớn.
Nắm bắt được điều đó, giới buôn bán đồ cổ họ đã tìm đến các bản làng để săn lùng, trả giá cao so với thu nhập ít ỏi của đồng bào nhưng thực ra lại thấp hơn nhiều so với giá trị thật của các món đồ cổ. Rất nhiều cổ vật có giá trị như sanh, chiêng, xà tích, vòng tay, vòng cổ, nanh hùm... những cổ vật mà xưa kia chỉ nhà “quan lang” mới có đã bị “chảy máu” từ cơn lốc săn lùng đó.
Từng là cán bộ Tuyên giáo, Trưởng ban Văn hóa của huyện Quan Hóa nên hơn ai hết, ông Cao Bằng Nghĩa hiểu rất rõ các giá trị văn hóa, nhân văn của đồ cổ trong đời sống tinh thần của người dân và bản thân ông rất nặng tình với nền cổ vật của dân tộc.
Nhận thấy cổ vật của dân tộc đang bị “chảy máu” nên ông Nghĩa phải vào tận các bản làng để khuyên can.
Các bộ chiêng đồng cổ được ông Nghĩa treo ở trong nhà. |
Ông Nghĩa bảo: “Mình nghèo thì nghèo nhưng vẫn chịu được chứ đừng có bán đồ cổ, vì nó là vật dụng tạo nên “hồn cốt” và dáng đứng của dân tộc”. Cũng bởi nặng tình với nền cổ vật của dân tộc nên vợ chồng ông Nghĩa thường xuyên cãi vã. Nguyên nhân cãi vã là do ông Nghĩa thường xuyên đem tiền nhà đi mua đồ cổ. Hiện cổ vật đang mai một nên ông Nghĩa vẫn giữ vững lập trường đi sưu tầm để cứu vãn lại những gì đã mất.
Theo người dân, có một thời gian hàng loạt niếng cổ trong các bản làng bị kẻ trộm lấy cắp. Thời gian đó nhiều gia đình chủ quan, để niếng ở gần cầu thang bếp cho tiện đồ cơm. Ban đêm kẻ trộm lẻn vào chái bếp, thế là chúng ôm mất niếng cổ của nhiều hộ. Trên thành những cái niếng đều có hoa văn, chất liệu được đúc bằng đồng thau. Kể từ đó bà con đã biết cảnh giác, hiện nhiều gia đình không còn bị mất cắp đồ cổ nữa.
Việc trộm cắp cũng là một nguyên nhân khiến đồ cổ bị “chảy máu”. Ông Nghĩa đi nhiều nên thấy nơi nào có hiện tượng mai một là ông lại đến tận nơi để tuyên truyền, phân tích cho bà con hiểu về giá trị các cổ vật trong đời sống của gia đình mình. Đi đôi với việc bảo tồn cổ vật trong đời sống của đồng bào, ông Nghĩa còn đi tiên phong trong việc khôi phục các giá trị văn hóa như trang phục và các phong tục…
Sưu tầm đồ cổ là niềm đam mê
Ngôi nhà sàn của ông Nghĩa nằm trọn trên một con dốc của thị trấn, tựa như bảo tàng thu nhỏ để trưng bày các hiện vật cổ được ông sưu tầm. Theo ông Nghĩa, hiện trong gia đình đã có 4 bộ chiêng, hai bộ ấm rồng, trị giá của nó có thể lên đến vài trăm triệu đồng. Ngoài niềm đam mê sưu tầm đồ cổ, ông Nghĩa còn có tài thổi kèn và rất am hiểu các loại nhạc cụ của đồng bào dân tộc, như sáo Mông, khèn lá, khèn bè…
Ngoài sở thích sưu tầm hiện vật cổ, ông Nghĩa rất am hiểu nhạc cụ dân tộc. |
Trong bảo tàng thu nhỏ của gia đình, ông Nghĩa tâm sự: “Những năm 1970 tôi mới bắt đầu sưu tầm đồ cổ. Thời kỳ đó đồng bào ta bán nhiều quá nên thấy tiếc, mình không mua thì người khác họ cũng đến để mua. Thời gian đó tôi mua được rất nhiều hiện vật. Trong đó có nhiều hiện vật trị giá lên đến vài trăm triệu đồng”.
Ông Nghĩa là cán bộ nên bà con trong các làng bản rất tin tưởng, làm theo. Ông Nghĩa bộc bạch: “Những đồ mà tôi mua về chỉ treo ở trong nhà chứ tuyệt đối không bán cho ai. Tôi muốn giữ lại nó để sau này con cháu lớn lên chúng còn biết đồ của dân tộc mình. Hiện nay đồ cổ còn rất ít, tôi thấy nhiều nhà họ chỉ còn lại vài bộ chiêng đồng”.
Trong lúc nói chuyện, ông Nghĩa khoe: “Vừa rồi tôi sưu tầm được một cái bát cổ của người Thái Lan. Chiếc bát này đặc biệt ở chỗ, mình chỉ cần xoay dùi theo miệng bát là nó tự phát ra một thứ âm thanh rất kỳ lạ”.
Ông trăn trở: “Mình sưu tầm là giữ lại hiện vật cổ cho huyện, sau này có nhà truyền thống thì tôi sẽ đem ra trưng bày. Hiện ở nhiều huyện Nhà nước đã xây dựng Nhà văn hóa, nhưng tôi chưa thấy trưng bày các hiện vật cổ của dân tộc.
Ở huyện Hoằng Hóa cũng chỉ treo mấy bức ảnh phong cảnh ở địa phương chứ chưa mang ý nghĩa đầy đủ. Có nhiều huyện lại treo ảnh của cán bộ Trung ương đến thăm chứ không có hiện vật. Nếu sau này huyện có bảo tàng văn hóa, chắc chắn tôi sẽ đem những cổ vật này ra để trưng bày”.
Chiếc ấm là “báu vật” được giới buôn bán đồ cổ trả giá rất cao |
Được biết, ông Nghĩa là người Quan Hóa tiên phong trong lĩnh vực sưu tầm hiện vật cổ. Trước đây có anh Phạm Niêu, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa cũng có nhiều cổ vật nhưng không phải đi sưu tầm mà là vật gia bảo bởi gia đình anh thuộc dòng dõi quan lang. Ông Nghĩa thì chỉ xuất thân từ gia đình bần nông nhưng lại nặng lòng với văn hóa cổ nên miệt mài đi sưu tầm cổ vật để gìn giữ văn hóa.
Ông Nghĩa nhớ lại: “Ngày đó tôi thấy một chiếc sanh đồng nho nhỏ bốn quai của anh bán đồng nát, giá của nó là ba mươi nghìn đồng, bằng cả tháng lương của tôi, tôi muốn mua lắm nhưng ngặt nỗi khi đó trong túi không có đủ tiền nên đành phải ngậm ngùi để cho người ta đi mà tiếc ngơ tiếc ngẩn. Nếu chiếc sanh này mà rơi vào những “tay” chơi đồ cổ thì đó lại là một tác phẩm để đời”.
Với ông Nghĩa, tất cả những hiện vật cổ của mình đều vô giá.
Vị cựu cán bộ văn hóa cười sảng khoái: “Giờ trong túi không có một xu nhưng có những món đồ của tôi được trả giá hàng trăm triệu đồng mà tôi nhất quyết không bán đấy”. Gia tài khiến ông giàu có là những ấm cổ, gươm, đồng tiền, giấy thông hành, chóp nóng của lính khố xanh, khố đỏ và rất nhiều vật dụng cổ tưởng chừng như rất đỗi bình thường.
Nhưng chính những giá trị văn hóa, giá trị nhân văn của những món đồ tưởng như bình thường đó đã khiến ông chủ Cao Bằng Nghĩa trở nên cực kỳ giàu có về mặt tinh thần và được mọi người nể phục…/.