Trong nhiệm kỳ cầm quyền sắp kết thúc, ông Trump đã thực thi nhiều điều chỉnh và thay đổi rất cơ bản trong chiến lược và chính sách đối với Trung Quốc. Mối quan hệ song phương này đã trở nên tồi tệ đến mức độ chưa từng thấy. Ngay cả trong những ngày cuối cùng ở nhiệm sở, ông Trump vẫn tiếp tục làm găng với Trung Quốc, thậm chí còn bắt đầu mở rộng phạm vi áp dụng những biện pháp trừng phạt tới những cá nhân trong các cơ quan lập pháp của Trung Quốc và nhằm cả vào đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trung Quốc buộc phải đáp trả phía Mỹ theo cách riêng.
Điều đáng chú ý ở đây là ông Trump có thể gây khó dễ cho ông Biden khi lên cầm quyền ở Mỹ bằng cách làm găng với một số đối tác và đối thủ của Mỹ trong những ngày tại vị cuối cùng, nhưng riêng liên quan tới Trung Quốc thì lại không phải như thế. Trái lại, ông Trump càng làm găng với Trung Quốc thì càng giúp ông Biden dễ bề xử lý hơn chuyện quan hệ của Mỹ với Trung Quốc sau khi chính thức nhậm chức.
Trong mọi phát ngôn công khai của ông Biden từ trước cũng như từ sau ngày bầu cử tổng thống năm nay ở nước Mỹ đều không hề có bất kỳ sự ám chỉ nào về khả năng ông Biden sẽ lật ngược những quyết sách của ông Trump đối với Trung Quốc hoặc ít nhất thì cũng điều chỉnh chính sách mà ông Trump đã thực thi với Trung Quốc.
Ông Biden không tuyên bố là sẽ gia tăng xung khắc thương mại với Trung Quốc nhưng cho biết sẽ không chấm dứt các biện pháp trừng phạt thương mại của Mỹ hiện đang được áp dụng đối với Trung Quốc. Ông Biden nhìn nhận sự thách thức của Trung Quốc trên mọi phương diện đối với nước Mỹ còn nghiêm trọng hơn cả ông Trump.
Người mới tiếp tục chính sách của người cũ đối với Trung Quốc không phải vì hai người này thật sự cùng hội cùng thuyền với nhau về ý thức hệ và chính trị mà đơn giản bởi lợi ích chiến lược cơ bản hiện tại cũng như lâu dài của nước Mỹ đã buộc ông Trump và giờ đến lượt ông Biden phải như vậy đối với Trung Quốc.
Thời ông Biden làm Phó Tổng thống của nước Mỹ trong 8 năm dưới thời ông Barack Obama thuộc phe Đảng Dân chủ, chiến lược và chính sách của chính quyền Obama/Biden đối với Trung Quốc là dùng quan hệ hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại và hoạt động đầu tư để “chuyển đổi Trung Quốc” theo hướng phù hợp với quan điểm và tiêu chí của Mỹ về dân chủ, nhân quyền, nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự cũng như khép Trung Quốc vào khuôn khổ và hành lang của luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương.
Thất bại của chiến lược này là điểm xuất phát của cuộc xung khắc thương mại mà ông Trump đã phát động với Trung Quốc cũng như sự gia tăng mạnh mẽ rõ rệt cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc trên mọi phương diện. Nói theo cách khác, phía Mỹ đã cảm nhận thấy bị Trung Quốc thách thức về chính trị, quân sự, an ninh, kinh tế, thương mại và kỹ thuật, công nghệ cao ghê gớm đến mức Mỹ phải có những quyết sách mới để đẩy lùi thách thức của Trung Quốc.
Cho nên từ ban đầu chỉ là xung khắc thương mại thuần tuý nhằm xử lý vấn đề thâm hụt trong cán cân trao đổi thương mại song phương, ông Trump đã thay đổi cơ bản chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc liên quan đến vấn đề Đài Loan và Hong Kong, vấn đề người theo đạo Hồi ở Tân Cương và doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động kinh doanh trên thị trường Mỹ, chuyện chính trị an ninh ở khu vực Đông Bắc Á và khu vực Biển Đông... Ông Biden sẽ không đảo ngược những quyết sách này của ông Trump mà sẽ tiếp tục, không thay đổi định hướng chiến lược mà chỉ cách thức thực hiện.