Người mẹ cùng khổ và xấp vé số nuôi 11 đứa con

Gia đình chị Loan bán vé số từ đời bố mẹ, tới đời chị, rồi đời con
Gia đình chị Loan bán vé số từ đời bố mẹ, tới đời chị, rồi đời con
(PLO) - Dẫu cuộc sống mưu sinh vất vả nhưng chưa bao giờ chị Loan có ý định rời xa con mình hoặc mang con cho người khác. Chị nói: "Lúc trước có nhiều người hỏi xin mấy đứa, nhưng tôi nhất quyết không cho. Dù có nghèo, có khổ đến mấy tôi cũng cam chịu. Con của mình dứt ruột đẻ ra, sao nỡ đem cho người khác cơ chứ".

Sài Gòn vào mùa khô, nhiều tháng nắng hạn, ấy vậy mà hôm đến nhà chị Hoàng Thị Loan (43 tuổi, tạm trú quận Gò Vấp, TP HCM), trời bất chợt đổ cơn mưa. Mưa trái mùa hay sự mủi lòng của ông trời khi nghe câu chuyện về chị Loan, người mẹ đơn thân, bị chồng bỏ, không nhà, không “một chữ bẻ đôi” phải nuôi 11 con.  

Bán nhà chạy chữa bệnh cho cha mẹ

Đến đoạn đường Lê Đức Thọ - Thống Nhất (quận Gò Vấp, TP HCM), hỏi những người buôn bán vỉa hè “chị Loan bán vé số, bị chồng bỏ, có 11 con” hầu như ai cũng biết và biết cả chỗ ở. Dò hỏi, PV tìm đến một con hẻm nhỏ chỉ lọt một chiếc xe máy nằm hun hút giữa hai bức tường của hai ngôi nhà cao tầng. Con hẻm tối om như cuộc đời chị Loan chỉ có hai căn phòng trọ. Chị thuê căn đầu để ở cùng sáu con, còn năm đứa lớn, mỗi đứa một phương, không công ăn việc làm, bạ đâu ở đó.

Chị Loan phải liên tục thay đổi chỗ ở bởi đứa con trai lớn nghiện ngập, thường gây chuyện nên các chủ nhà trọ ngán ngẩm, không muốn dính líu. Trong mấy tháng qua, chị chuyển chỗ đến ba lần và sắp bị “đuổi” thêm lần nữa.

Căn phòng tối om, mấy đứa con chị đang ngủ, nằm sắp hàng dài. Không còn chỗ chen chân, chị và khách đưa nhau ra đầu hẻm, đứng vội vào mái hiên một căn nhà, vừa trò chuyện, vừa trú mưa. Thấy khách, đứa con thứ chín của chị mới 10 tuổi lon ton theo mẹ.

Vừa chải tóc cho con, chị vừa kể chuyện về cuộc đời, số phận bi đát của chị: “Tôi là dân Sài Gòn chính hiệu. Cha mẹ sinh được mỗi mình tôi, từng có nhà ở phường 15, quận Gò Vấp. Nhưng nhà nghèo, tôi không được đến trường ngày nào. Hằng ngày, tôi theo mẹ bán vé số để kiếm sống. Ấy vậy mà trời không thương, bắt gia đình tôi phải dọn ra ngoài, chịu cảnh màn trời chiếu đất, ở thuê ở mướn. Cha mất sớm, rồi đến mẹ lâm bệnh ung thư. Bệnh nặng nên đành bán nhà lấy 50 triệu chạy chữa. Nhưng rồi tiền hết, mẹ cũng theo cha về nơi chín suối”.

Một mình, không người thân, chị tiếp tục cái nghiệp bán vé số kiếm sống qua ngày. Năm 1993, chị gặp người đàn ông quê Tiền Giang lên Sài Gòn làm thợ hồ. “Lúc đó, tôi khoảng 19 tuổi, người đó thường mua vé số rồi chọc ghẹo. Tôi yêu lúc nào không hay. Cả hai dọn về nhà sống chung, không hôn thú, không cưới xin. Vợ bán vé số, chồng thợ hồ, nương nhau sống qua ngày. Ấy vậy mà chồng tôi có thói cờ bạc, đỏ đen. Nhiều lần đổ nợ, người ta truy sát, ông ấy vẫn không chừa”, chị kể.

Phòng trọ không còn chỗ chen chân, chị Loan ra đầu hẻm, đứng vào mái hiên một căn nhà, vừa dỗ con vừa trò chuyện với PV
Phòng trọ không còn chỗ chen chân, chị Loan ra đầu hẻm, đứng vào mái hiên một căn nhà, vừa dỗ con vừa trò chuyện với PV

Chị Loan cho hay “không hiểu tại sao mình đẻ nhiều đến vậy, loay hoay đã thấy có 11 đứa con ra đời”. Do không hôn thú, chồng không có giấy tờ nên cả 11 đứa đều lấy họ của chị. Đứa lớn nhất hiện nay 23 tuổi, đứa nhỏ nhất mới bốn tuổi. Có chồng cũng như không vì cái tính chồng chị bị cho là hay cờ bạc. Làm được bao nhiêu, chồng chị lại nướng sạch vào trò đỏ đen, đá gà, bóng đá...

“11 đứa con nhưng chỉ mình tôi tự làm tự nuôi. Tất cả đều được nuôi bằng tiền lời bán vé số và đều không được đến trường. Bởi thế, mấy đứa lớn mới hư hỏng, nghiện ngập. Mấy đứa nhỏ phải theo tôi bán vé số, chúng chỉ mới được đi học cách nay ba năm”, chị Loan kể.

Ba năm trước, thấy chị quá nghèo, một nhà thờ gần nơi chị sống đề nghị chị đưa bốn đứa con nhỏ vào lớp học tình thương. Thế là bốn con chị được đến trường. Chị bảo, cho chúng học đặng biết viết, biết đọc chứ chả mong làm ông nọ bà kia. Đời chị khổ vì không biết chữ, mấy đứa con lớn cũng khổ vì không có giấy tờ tùy thân nên không xin được việc làm. Chị dồn hết mọi hi vọng vào mấy đứa nhỏ.

Chị lại ngậm ngùi thương mình dù “có chồng như không”, nhưng nếu trong nhà cũng có người đàn ông, mấy đứa con sợ uy, người khác không hiếp đáp. Vậy mà chồng chị Loan cách đây ba năm, khi đứa con út con còn ẵm ngửa, đã bỏ nhà về Tiền Giang. “Ông ấy thua cá độ, người ta đòi tiền nên về quê trốn nợ. Một thời gian, ông ta bảo tôi và các con về theo nhưng về đó làm gì ăn. 13 miệng ăn không một tấc đất, không nghề nghiệp. Ở Sài Gòn, còn bám víu vào những đồng lời bán vé số”, chị nói.

Và rồi chồng chị ở dưới quê, có thêm vợ mới, không đoái hoài gì đến mẹ con chị Loan. Từ mấy năm qua, ông bị cho là không một lời thăm hỏi, không một đồng xu chu cấp cho chị có thêm tiền nuôi con. Một mình chị vẫn phải đạp xe rong ruổi, bán từng tờ vé số nuôi con.

Do bốn đứa nhỏ đi học, bốn đứa lớn đi nơi khác sinh sống tự làm tự ăn, còn lại hai đứa ở giữa theo chị bán vé số phụ mẹ.

Hai con “đi nhầm” vào trung tâm bảo trợ  

Bi kịch vẫn chưa kết thúc với chị, đứa con lớn hư hỏng, nghiện ma túy, mấy lần chị nhờ công an phường đưa đi cai nhưng không được. Đến nay, đứa con này vẫn cứ hay “phiền” đến chị, thường hay vòi tiền hoặc khiến cuộc sống của chị và các em bị đảo lộn, di chuyển. Tiếp đến, tháng 10/2017, hai đứa con nhỏ chị bị đưa vào trung tâm xã hội.

Trời bỗng đổ cơn mưa trái mùa khi chị Loan tâm sự về số phận cùng khổ của mình
Trời bỗng đổ cơn mưa trái mùa khi chị Loan tâm sự về số phận cùng khổ của mình

Số là do chị đi bán vé số, các anh chị vắng nhà, đứa thứ 10 mới bảy tuổi là Hoàng Văn Huy và Hoàng Văn Hơn mới bốn tuổi, trốn mẹ đi chơi game ở siêu thị, tới giờ siêu thị đóng cửa nhưng không về nhà mà chỉ đứng khóc. Thấy vậy người dân đã trình báo công an phường 10, quận Gò Vấp. Do các bé không nhớ nhà ở đâu nên công an phường đã đưa các bé vào Trung tâm Bảo trợ và Nuôi dưỡng trẻ em Gò Vấp.

“Do sự thiếu thốn, không có người trông nom, hai đứa thường bỏ đi chơi khắp nơi, tôi có dặn dò nhưng chúng còn nhỏ, không ý thức được”, chị phân trần. Thấy hai con không về, chị Loan chạy đi tìm kiếm. Biết hai con đang ở công an phường 10, Gò Vấp, chị về nhà lục lại giấy tờ, chỉ có khai sinh của cháu Hoàng, còn cháu Hơn thì không có. Chị mang lên công an phường trình bày nhưng không được chấp nhận. Phía công an phường yêu cầu chị phải có giấy khai sinh hoặc đi thử ADN mới cho nhận cháu Hơn về nhà, theo đúng quy định pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Chiến, cán bộ tiếp nhận trường hợp của chị Loan tại UBND phường 10, quận Gò Vấp cho biết hoàn cảnh chị Loan cực kỳ khó khăn. Ngay sau khi hai bé Huy và Hơn đi lạc, phía phường cũng đã liên hệ với chị Loan đề nghị đem giấy tờ lên nhận lại con nhưng chị Loan không có khai sinh của bé Hơn.

"Chúng tôi cũng đã hướng dẫn chị Loan đi xét nghiệm ADN để nhận lại bé nhưng chị Loan cứ chần chừ. Sau khi tìm hiểu, thấy hoàn cảnh của chị Loan hiện còn nuôi bảy đứa con mà đa phần còn rất nhỏ, chị lại hay bỏ đi bán vé số tối ngày, không chăm sóc tốt cho tụi nhỏ, nên chúng tôi quyết định chuyển hai bé vào Trung tâm bảo trợ xã hội quận Gò Vấp để được nuôi dưỡng tốt hơn. Hiện hai bé đã được làm giấy khai sinh, đặt tên mới, hai bé cũng hòa nhập rất tốt với môi trường ở đây", ông Chiến nói.

Chị Loan ngậm ngùi kể: “Nghe phía chính quyền giải thích, tôi thấy rất hợp lý. Mặc dù thương con, không muốn chúng xa rời vòng tay mẹ, nhưng tôi chưa đủ điều kiện đưa cả hai đứa ra. Chúng ở trong trung tâm có cơ hội học hành, vui chơi nhiều hơn là theo tôi. Vì thế, tôi quyết định để hai đứa ở trong đó. Mỗi tháng, tôi chỉ xin trung tâm cho hai lần thăm con, gặp mặt đặng bớt đi nỗi nhớ con”.

Thế nhưng có người lại cho rằng nếu chị Loan thường xuyên tiếp xúc với hai cháu sẽ làm xáo trộn cuộc sống của hai cháu trong trung tâm nên chỉ cho phép chị đứng từ xa nhìn, quan sát, nắm tình hình cuộc sống hai con. Chị Loan nói: “Tôi phải chấp nhận đứng từ xa nhìn con vì không còn cách nào khác. Mỗi ngày bán được 120 tờ vé số, tôi cố dành dụm để có thể đưa con ra ngoài vào một ngày không xa”.

Dẫu cuộc sống mưu sinh vất vả nhưng chưa bao giờ chị Loan có ý định rời xa con mình hoặc mang con cho người khác. Chị nói: "Lúc trước có nhiều người hỏi xin mấy đứa, nhưng tôi nhất quyết không cho. Dù có nghèo, có khổ đến mấy tôi cũng cam chịu. Con của mình dứt ruột đẻ ra, sao nỡ đem cho người khác cơ chứ".

Mọi sự giúp đỡ của bạn đọc hảo tâm cho nhân vật trong bài viết, vui lòng liên hệ tác giả bài viết theo số điện thoại 094.924.2102 để được hướng dẫn chi tiết.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.