Thông tin từ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an thành phố Hà Nội, trong tháng 9/2023, đơn vị liên tiếp nhận trình báo của nhiều công dân trên địa bàn thành phố bị chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn trên. Nếu như trước đây, nạn nhân thường bị chiếm đoạt 20-50 triệu đồng thì hiện nay, hầu hết nạn nhân bị chiếm đoạt số tiền lớn hơn, từ 200-500 triệu đồng.
Theo đơn trình báo, chị H (trú tại Hà Nội) nhận được tin nhắn từ tài khoản Facebook của con gái với nội dung chuyển tiền để con đóng học ở nước ngoài. Tin tưởng đó là con mình, chị đã chuyển 03 lần với số tiền hơn 400 triệu đồng. Cả 3 lần giao dịch chuyển tiền, chị H đều gọi cho con và chỉ nghe thấy máy “ù ù”. Sau đó, tài khoản Facebook của con gái nhắn tin lại cho chị H: “Mẹ ơi, máy điện thoại con vừa bị rơi, không nghe rõ đâu. Mẹ nhắn tin cho con!”.
Sau khi liên lạc được với con, chị mới biết tài khoản Facebook của con đã bị hack nên đã đến cơ quan Công an trình báo.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo, chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo, sau đó nhắn tin cho người thân, bạn bè của chủ tài khoản có trong danh sách Facebook, Zalo để vay tiền hoặc nhờ chuyển tiền nhằm chiếm đoạt tài sản là thủ đoạn không mới đã được các đơn vị chức năng cảnh báo rất nhiều, tuy nhiên, nhiều người sử dụng mạng xã hội vẫn mắc bẫy.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đề nghị người dân cảnh giác khi “bỗng dưng” nhận được tin nhắn đề nghị vay, mượn, chuyển tiền qua mạng xã hội. Khi nhận được yêu cầu chuyển tiền, cần phải xác minh thông qua việc gọi điện thoại trực tiếp đến người vay bằng số điện thoại đã được lưu trong danh bạ, không kiểm tra qua các ứng dụng mạng xã hội Zalo, Facebook… Khi phát hiện trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.