Ở VN, nơi thị trường thời trang chậm phát triển hơn rất nhiều so với các thị trường khác thì việc người mẫu các nước đến đây chẳng khác nào thực hiện một chuyến du lịch thú vị mà thôi. Ở một thị trường thời trang non trẻ như VN, người mẫu Tây đến rồi đi như một tất yếu. "Bởi ngoài đam mê, chúng tôi còn phải sống" - Katya chia sẻ.
Hồ Ngọc Hà và Eduart - người mẫu trong nhiều video clip của nữ ca sĩ này. |
Đến để rồi đi Khi hỏi về ý định lưu lại làm việc ở VN, Katya bảo "cao lắm là một năm". Như vậy, Katya chuẩn bị rời đi vì thời hạn cô ở lại VN cũng đã gần một năm. Nguyên nhân của sự rời đi không phải vì cô thấy chán mà vì "một năm đã đủ để có được những trải nghiệm cần thiết. Và tôi lại bắt đầu một hành trình mới, có thể ở Bangkok hay bất kỳ nơi nào đó ở một đất nước khác. Tôi sẽ trở về Nga nhưng chỉ để thăm gia đình rồi sau đó lại đi. Tôi còn trẻ và cái tuổi 19 cho phép tôi cứ đi để có những trải nghiệm riêng của mình"- Katya chia sẻ. Nói là vậy nhưng thực tế, Katya vẫn thừa nhận ở VN không có nhiều điều kiện phát triển nghề như nhiều nước châu Á khác. Cô bảo: "So với Nga và nhiều nơi khác, mức lương tôi được nhận cho mỗi sô diễn ở VN cũng không thua kém. Nhưng công việc ít quá, thỉnh thoảng tôi mới nhận được một sô chụp ảnh tạp chí hay vài tháng mới có một buổi trình diễn và rất ít được tham gia những sự kiện". Chính điều đó đã tạo nên một cảm giác nhàm chán cho những người làm nghề như Katya. Để lấp khoảng trống cho chính mình, cô làm thêm công việc của một DJ từ thứ tư đến ngày cuối tuần tại Xu bar. Katya tâm sự: "Tôi yêu nghề người mẫu, bởi từ bé, khi các bạn tôi nói rằng họ sẽ trở thành bác sĩ, kỹ sư, giáo viên hay nhà khoa học thì tôi lại trả lời với cô giáo mình rằng tôi sẽ làm người mẫu. Thế nhưng, với tôi, theo đuổi nghề người mẫu chỉ là cách để tôi có những trải nghiệm cho riêng mình. Tôi muốn đi khắp mọi nơi trên trái đất này để mở rộng tầm nhìn hơn là chôn chân ở một nơi nào đó”. Katya chia sẻ: "Với những người muốn xây dựng ước mơ của họ bằng nghề người mẫu thì rõ ràng VN là một môi trường hoàn toàn không thuận lợi vào lúc này". Cũng nằm trong hoàn cảnh này nên Eduart cũng đến VN và tham gia khá nhiều lĩnh vực thay vì chỉ với chuyên môn nghề người mẫu của anh. Hiện anh đầu quân cho kênh truyền hình Yan TV với công việc chụp ảnh, quay phim. Bên cạnh đó, với hầu hết những người mẫu ngoại chọn VN làm điểm đến, họ cũng nuôi tham vọng được tham gia vào những loại hình nghệ thuật khác, như ca hát hay điện ảnh. Thế nhưng đây là điều không tưởng vì rào cản ngôn ngữ là điều quá khó đối với họ. "Đôi khi, nắm bắt ý tưởng trình diễn từ các đạo diễn người Việt còn khó nói chi đến việc tìm một cơ hội trong thị trường giải trí Việt"- Eduart chia sẻ. Với tư cách là nhà cung cấp người mẫu ngoại cho thị trường Việt, người mẫu Tommy Trần (Công ty Tsquared) lại có cái nhìn khác: "Quan niệm về nghề người mẫu ở VN rất khác. Nếu một người mẫu ngoại nào đó muốn kiếm sống bằng nghề người mẫu thì ở VN, nhiều người đến với nghề người mẫu đơn giản vì muốn thành người nổi tiếng hoặc để tiến đến những việc khác không nằm trong nghề nghiệp họ đã chọn. Người mẫu Việt chụp ảnh tràn lan mà không quan tâm đến thù lao, cốt để quảng bá mình, trong khi người mẫu ngoại cần kiếm tiền bằng công việc đó. Và như vậy, người nhận làm mẫu miễn phí có lợi thế hơn". Bàn đạp để bước tiếp Khó khăn là vậy nhưng hiện tượng người mẫu Tây đổ về các thị trường châu Á là điều có thật. Hầu hết họ là những người mẫu trẻ với niềm đam mê nghề cháy bỏng, muốn đặt chân đến các kinh đô thời trang thế giới: Ý, Pháp, Mỹ,... Tất nhiên, với những môi trường làm việc có đẳng cấp này, người sử dụng thường đòi hỏi những người mẫu phải có một hồ sơ cá nhân đẹp. Vì vậy, họ cần đến những nơi dễ dàng mở cửa đón nhận họ để xây dựng cho mình một hồ sơ cá nhân, hình ảnh tốt hơn trước khi đi bước tiếp. Thực tế, thị trường thời trang châu Á đang mở cửa, đặc biệt là Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, nên việc tuyển chọn người mẫu cũng không quá khắt khe và thị trường VN cũng không ngoại lệ. Minh chứng rõ nét là vài chương trình biểu diễn thời trang ở VN gần đây có người mẫu ngoại trình diễn thua xa người mẫu nội. Họ có chiều cao, sắc vóc nổi bật nhưng đôi khi khán giả không khó để nhận thấy khả năng trình diễn của họ còn kém cỏi. Đó chính là lý do khiến vài người trong giới nghĩ rằng gần đây, các công ty tìm kiếm người mẫu đã tuyển chọn "người mẫu ngoại" cho sàn diễn Việt từ khách du lịch "Tây ba lô” ở VN. Người mẫu Amanda Delepine Scott (giám khảo của cuộc thi Siêu mẫu VN 2009) cho rằng những người mẫu quốc tế hoạt động tại châu Á thường là mới chập chững vào nghề hoặc đã qua tuổi để hoạt động tại thị trường phát triển. Và như vậy, châu Á chỉ đơn giản là một sàn tập, một điểm dừng tập luyện. Ở VN, nơi thị trường thời trang chậm phát triển hơn rất nhiều so với các thị trường khác, thì người mẫu nước ngoài đến đây chẳng khác nào họ đang thực hiện một chuyến du lịch thú vị hoặc đơn giản chỉ là nơi "đến để biết ở đó thế nào", như lời Katya chia sẻ.
Thu nhập thấp, không ổn định Trung bình thù lao Katya nhận được trên dưới 500 USD/lần diễn và tùy thuộc vào tính chất của mỗi chương trình. Tiền lương cho 2 - 3 giờ làm DJ tại bar của cô là 150 USD. "Với mức thu nhập đó, cuộc sống ở VN của tôi khá ổn"- Katya cho biết. Thế nhưng, cô cũng thừa nhận rằng: "Khá ổn là đối với những người không thích chạy đua, bon chen kiếm tiền như tôi thôi". Khi ký hợp đồng làm việc tại VN, các người mẫu ngoại thường được các công ty đại diện tại VN lo chu toàn nơi ăn chốn ở. Nếu làm công việc PG (người mẫu tiếp thị), họ có thể kiếm được 200 - 300 USD/3-4 giờ làm việc; các sô trình diễn thời trang trung bình nhận được 350 USD/sô, còn chụp ảnh quảng cáo hay ảnh tạp chí, tùy thuộc vào nhãn hiệu. Tuy nhiên, họ cho biết thường thì thù lao không cao. Không kể đến việc phải trừ phần trăm thu nhập cho các công ty đại diện đã mời họ đến VN làm việc, thu nhập của người mẫu ngoại thực sự rất thấp và không ổn định. Họ chỉ có thu nhập khi có việc làm. Và với một thị trường còn ở mức eo sèo như VN hiện tại, có khi hợp đồng 3 tháng làm việc đã hết nhưng số sô diễn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì lẽ đó, họ không thể gắn bó dài lâu. |
Theo Thùy Trang
NLĐ