Người mẫu bao giờ cũng đầy hào quang trên sàn diễn. Tuy vậy, vẫn có một nghề người mẫu khuất trong bóng tối. Đó là người mẫu cho nhiếp ảnh và mỹ thuậtLàm nghệ thuật mà như làm chuyện... phi pháp Tác phẩm Xuân thì, tuyển chọn những bức ảnh nghệ thuật khỏa thân của nhà nhiếp ảnh Thái Phiên, khi được xuất bản đã tạo dư luận rất lớn. Bởi đây là lần đầu tiên ở VN có một tập sách nhạy cảm đến thế. Tuy nhiên, tên tuổi của các người mẫu đều giữ kín chứ không được để cuối mỗi tác phẩm như vẫn theo thông lệ. Anh tâm sự: “Tôi phải “lên bờ xuống ruộng” vì tập sách này. Nghệ thuật chính là ca ngợi cái đẹp, và con người là kiệt tác của tạo hóa. Thế nhưng khi tôi chụp những cái đẹp đó thì dư luận vẫn tỏ ra hết sức dè dặt”. Anh còn cho biết, trong khi người mẫu khỏa thân để vẽ trong mỹ thuật được gọi là nghề, được công nhận và ký hợp đồng, có bảng lương rõ ràng, thì người mẫu ảnh đến giờ không ai công nhận. “Mỗi lần chụp ảnh khỏa thân là cả người chụp và người mẫu cứ lén lén, lút lút như đang làm chuyện gì phạm pháp vậy” - Thái Phiên chua xót nói.
Thái Phiên cũng cho biết, anh phải sống thường trực trong cảm giác “tội lỗi” như thế để hành nghề. Và: “Sẽ còn như thế đến… hết đời nếu các quan niệm xã hội không thay đổi. Tôi thường thuê khách sạn để chụp mẫu ảnh. Có hơn 100 người đẹp đã đến đây làm việc với tôi. Nhân viên ai cũng nhìn tôi bằng cặp mắt… khác thường! Cũng dễ hiểu. Họ cứ thấy mình đưa hết người đẹp này đến người đẹp khác vào khách sạn thì ai mà không muốn tò mò, xem mình làm trò gì?”. Nhà nhiếp ảnh Mỹ Dũng (Phó tổng thư ký Hội Nhiếp ảnh Đà Nẵng) cũng cho biết, anh vẫn chụp ảnh khỏa thân dù biết điều đó có thể bị xem là “phạm pháp”, chưa được chính danh trong điều lệ hội.Người mẫu không tên Mỹ Dũng kể đã có nhiều người mẫu tự tìm đến với anh, nhờ anh ghi lại những khoảnh khắc vàng của tuổi xuân: “Có nhiều người mẫu hẹn trước để bay từ TP.HCM ra hay từ nước ngoài về”. Còn Thái Phiên cho biết, tất cả những người mẫu ảnh khỏa thân của anh hầu hết là tình nguyện. “Sẽ khó tin nếu tôi nói rằng người mẫu khỏa thân phần lớn là trí thức, là những cô có trình độ rất cao. Vì hiểu biết nên họ ý thức rằng, vẻ đẹp của tạo hóa cho họ dù có là tuyệt tác chăng nữa thì đến một ngày cũng sẽ mất đi. Chính vì thế họ cần nhiếp ảnh để lưu lại!”. Theo giới thiệu của họa sĩ Lê Hải Triều, giám đốc một gallery tranh, chúng tôi tiếp cận với một số người mẫu chuyên làm mẫu cho các nhà nhiếp ảnh và họa sĩ. Một người mẫu tên Hương tâm sự: “Em thích nghề này từ lâu nên quyết định đi theo. Em cũng rất muốn được để tên trên các tác phẩm nhưng thường bị từ chối”. Còn một người mẫu khác tên T. cho biết, mỗi ngày từ 9 giờ đến 12 giờ cô vẫn đến xưởng để làm việc. Cô rất vinh dự khi được làm mẫu cho các họa sĩ, nhiếp ảnh gia nổi tiếng. Tuy nhiên, khi tác phẩm hoàn thành cô rất buồn khi biết mình chỉ là “cái bóng” vô danh. “Sao làm nghề mà thấy mình như đang làm việc phi pháp vậy? Không ai công nhận mình, đến nỗi một cái tên cũng không có. Buồn lắm anh ơi!”. Nhà nhiếp ảnh Mỹ Dũng thừa nhận: “Đây là một thiếu sót lớn của Hội Nhiếp ảnh VN. Nếu không thay đổi cách nhìn này thì nhiếp ảnh VN khó theo kịp thế giới được”.
Theo Đông Dương
Thanh Niên
Thanh Niên