Bác sĩ Phan Thanh Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quân dân y huyện Lý Sơn cho biết, mỗi năm có hàng chục ca bệnh phải chuyển vào đất liền điều trị, hầu hết là các bệnh nặng như: xuất huyết não, nhồi máu cơ tim, sốt xuất huyết. Trong 5 tháng đầu năm 2014 có hơn 10 ca phải thuê tàu khách vào đất liền, đó là chưa kể nhiều trường hợp Trung tâm có khả năng điều trị được nhưng người dân không yên tâm nên xin vượt tuyến.
“Cái khó bó… tay nghề”
Khi sự sống được tính từng phút, từng giây thì chi phí thuê tàu 20 triệu đồng hay hơn thế nữa người dân huyện đảo vẫn phải gồng mình chịu. Bởi, Lý Sơn chỉ có một Trung tâm Y tế quân dân y huyện ở đảo Lớn và một Trạm Y tế xã ở đảo Bé. Tuy nhiên, ở các cơ sở y tế này, điều kiện phục vụ còn rất hạn chế nên một số bệnh cấp tính hay bệnh khó chữa đều phải chuyển lên tuyến trên xử lý. Để lên tuyến trên, gia đình bệnh nhân phải thuê tàu khách chở từ đảo vào đất liền cấp cứu. Bình quân, mỗi ca cấp cứu thuê trọn gói tàu khách mất 15 - 18 triệu đồng.
Để khắc phục tình trạng hiện tại, tăng chất lượng khám chữa bệnh là bài toán khó với cơ quan chức năng địa phương. Theo lãnh đạo Trung tâm, huyện đảo Lý Sơn hiện vẫn chưa có điện lưới, vì vậy ở Trung tâm không có máy thở, tủ bảo quản máu. Một số trang thiết bị hiện đại của Trung tâm phải trùm mền. Trung tâm có trang bị máy phát điện nhưng không thể vận hành thường xuyên do thiếu kinh phí, mỗi tuần chỉ phát điện vào ngày thứ Hai và thứ Sáu để chụp X-quang hoặc phát điện để phục vụ các ca mổ cấp cứu. Do hoạt động không liên tục, điện chập chờn, phòng chứa không đảm bảo nên phần lớn các thiết bị của Trung tâm bị hư hỏng hoặc không chính xác.
Trong số 60 biên chế của Trung tâm, có 13 bác sĩ, có cả bác sĩ chuyên khoa I đủ năng lực để chữa nhiều bệnh nội khoa và các phẫu thuật đơn giản như mổ ruột thừa, mổ lấy thai. Tuy nhiên, do thiếu các thiết bị phụ trợ, không có máu dự trữ nên các bác sĩ không yên tâm trong quá trình chữa trị, vì nếu có sự cố bất ngờ thì khó xử lý.
Ước mong yên tâm bám đảo
Để đảm bảo cho người dân Lý Sơn được khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe, trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước và các tổ chức đã hỗ trợ Lý Sơn xây dựng một số khu chức năng, đầu tư trang thiết bị, tạo điều kiện cho các y, bác sĩ học tập nâng cao tay nghề.
Gần đây nhất ngày 26 - 27/5, các y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 17 (Quân khu V) đã ra huyện đảo này khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 1.000 người nghèo ở các xã An Vĩnh, An Hải, An Bình với tổng trị giá 150 triệu đồng. Ngoài ra, Bệnh viện Quân y 17 hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn về sức khỏe cho Trung tâm Y tế quân dân y Lý Sơn, giúp Trung tâm nâng cao khả năng tiếp nhận điều trị bệnh.
Trong các hoạt động hướng về biển đảo, ngày 30/5 Đoàn công tác của Bộ Y tế và Viện Y học Biển Việt Nam đã tổ chức tặng 300 tủ thuốc trị giá 600 triệu đồng cho ngư dân 3 xã của huyện đảo Lý Sơn. Mỗi tủ thuốc được trang bị đầy đủ các dụng cụ, vật tư y tế bảo đảm cho công tác cấp cứu người gặp nạn trên biển như: bông băng, thuốc cấp cứu, nẹp cứu thương...
Cũng trong dịp này, các bác sĩ của Viện Y học Biển Việt Nam đã phối hợp với mạng lưới y tế của huyện Lý Sơn tổ chức các lớp huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu trên biển cho bà con ngư dân. Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ duyệt cấp thẻ BHYT cho 100% cư dân huyện biển, đảo, trong đó có người dân Lý Sơn.
Dự án cấp điện cho Lý Sơn cũng đã được bắt đầu triển khai để Lý Sơn sớm có điện lưới quốc gia qua hệ thống cáp ngầm xuyên biển. Theo ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cuối tháng 8/2014, cáp sẽ nhập về đến nơi, nếu thời tiết thuận lợi thì vào tháng 10/2014 người dân Lý Sơn có thể bắt đầu sử dụng nguồn điện quốc gia.
Bác sĩ Tân hy vọng khi có điện lưới quốc gia, Trung tâm Y tế sẽ kiến nghị các cấp đầu tư nâng cao năng lực khám chữa bệnh, nhất là các thiết bị phục vụ chẩn đoán cận lâm sàng như: sinh hóa, huyết học, X-quang… cũng như đào tạo nâng cao cho các y, bác sĩ của Trung tâm.
“Chỉ mong có điều kiện phục vụ khám chữa bệnh tốt hơn để người dân yên tâm bám đảo, bám biển và để những người làm nghề có chuyên môn như chúng tôi không phải buông tay bất lực trước nỗi vất vả của bà con” - anh Tân tâm sự.