Quán bia mở ra vô kể, chiếm những vị trí đẹp đẽ và rộng rãi ở thành phố, thôn quê hay vùng xa xôi, hẻo lánh thì nơi đâu cũng có quán nhậu. Rượu là thứ dễ mua nhất, chỗ nào cũng có, từ nhà hàng xóm nông dân đến những cửa hàng rượu sang trọng.
Người Việt chúng ta tiêu thụ rượu, bia xếp trong 25 nước trên thế giới, thứ 3 châu Á (sau Trung Quốc, Nhật Bản) và đứng số 1 Đông Nam Á. Nhiều gia đình đã bỏ tủ sách và thay vào đó là tủ rượu, coi như một thú chơi thể hiện đẳng cấp và sự giàu có. Cơ quan nào cũng tổ chức liên hoan vào bất cứ dịp gì và đương nhiên, rượu, bia phải là thứ hảo hạng và ưu tiên hàng đầu.
Nay, khi luật cấm uống rượu, bia khi lái xe được ban hành thì cần mở rộng hơn, ngăn ngừa từ xa bằng việc hạn chế trẻ em tiếp xúc với rượu, bia. Trong xu thế hiện tại, chủ trương này rất đáng khuyến khích. Tất nhiên, cấm hoàn toàn và triệt để “không một giọt rượu, bia nào trong người khi lái xe, kể cả xe đạp” là chuyện khó.
Thế kỷ trước, hai nước lớn là Mỹ và Liên Xô từng ban hành luật “xu-khôi za-kôn” cấm rượu triệt để và đều thất bại. Chúng ta cấm trong một phạm vi nhỏ hẹp hơn nhiều, tính khả thi là có nhưng khó bởi trong một môi trường mà kinh doanh mở rộng, văn hóa rượu, bia thịnh hành. Đặc biệt, vào thời điểm Tết đến, xuân về, cái thú vui tao nhã và phấn khích ít ai từ chối được “Ngày xuân phơi phới, chén xuân tàng tàng”.
Đòn giáng chí tử vào uống rượu, bia khi lái xe là xử phạt thật nặng. Nhưng với trẻ em thì phạt sao được. Song, hoàn toàn có thể áp dụng cái cách mà người ta đang sử dụng để nói không với rượu, bia khi lái xe hiện nay. Ngoài việc tuyên truyền trên báo chí thì mạng xã hội tỏ ra đắc lực trong chuyện này.
Người ta nhắc nhở nhau, đưa luật cấm rượu, bia trên trang cá nhân bằng rất nhiều hình thức phong phú, châm biếm và răn đe, nghiêm túc và hài hước, hình ảnh và bình luận, tự giễu mình và giễu người,... quả thực, rất có tác dụng. Làm trẻ em tránh xa rượu, bia, có lẽ cũng nên áp dụng hình thức này, tác động để thay đổi nhận thức xã hội về việc để trẻ tiếp xúc với rượu, bia.
Ở một số nước, người ta quy định quán rượu, bia phải cách xa trường học nhằm tránh cho các em nhìn thấy cảnh người lớn nhậu nhẹt. Ở ta thì không nhưng đây là một bài học kinh nghiệm để chúng ta có những phương cách làm sao để trẻ ít chứng kiến những cảnh người lớn đàn đúm rượu chè, trong nhà cũng như ngoài phố, ngoài đường.
Thưởng thức rượu theo cách của các tao nhân, mặc khách là điều người lớn nên làm. Cụ Tam nguyên Yên Đổ khi xưa chụp một tấm hình duy nhất còn để lại, rất đặc biệt là trên tay cụ cầm một chén rượu rất nhỏ: “Rượu nói là hay, hay chẳng mấy/ Uống dăm ba chén đã say nhè” (Nguyễn Khuyến).
Cái cách nâng chén rượu cũng thật đáng học, tao nhã và trang trọng, người xưa gọi là “tam long giá ngọc”, tức ba con rồng (ba ngón tay) đỡ viên ngọc (chén rượu). Thái độ đối với rượu, bia của người lớn đúng mực sẽ tác động trực tiếp và tích cực đối với trẻ em, con cháu chúng ta.
Tác hại của rượu, bia đối với trẻ em thì đã rõ. Có những trường hợp thật đau lòng khi mấy đứa trẻ liên hoan sinh nhật, chuốc cho bạn gái say rồi thay nhau hãm hiếp, rồi đánh nhau, gây thương tích, kể cả án mạng trong cuộc nhậu của trẻ vị thành niên, tai nạn giao thông,... Nhưng những trường hợp đó chỉ là những báo động thương tâm và ghê sợ.
Đáng phải chú ý hơn là tác hại của rượu, bia là tàn phá cơ thể chưa phát triển hoàn thiện của trẻ em và để lại hệ lụy rất lớn cho sự phát triển đó và lâu dài của cuộc đời sau này. Và, không chỉ là sự tàn phá cơ thể, sức khỏe mà còn phá hoại cả nhân cách nữa. Vì thế, người lớn phải làm mọi cách để trẻ em tránh xa rượu, bia và cách hữu hiệu nhất, không thể nào khác là nêu gương.